Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo công nghệ cao mới

07:07, 10/07/2020

Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nền kinh tế bước đầu phục hồi, do đó các giao dịch tài chính ngân hàng hoạt động sôi nổi trở lại, nhất là các giao dịch trực tuyến trên các thiết bị điện tử thông minh trong đó có không ít khách hàng thiếu kiến thức và kinh nghiệm về công nghệ thông tin. Lợi dụng tình hình đó, các tội phạm công nghệ cao hoạt động mạnh mẽ hơn với nhiều thủ đoạn chiêu trò tinh vi lừa đảo, đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Giao Thuỷ hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking, cảnh báo các chiêu trò lừa đảo công nghệ cao.
Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Giao Thuỷ hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking, cảnh báo các chiêu trò lừa đảo công nghệ cao.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Bắc Nam Định Trần Thị Anh Đào cho biết: “Hầu hết các hành vi lừa đảo tiền công nghệ cao thường được thông qua hai hình thức chính là lừa đảo qua tin nhắn và lừa đảo qua điện thoại. Đối tượng được nhắm đến đều là những người cả tin, người già, ít cập nhật thông tin lừa đảo qua các phương tiện thông tin đại chúng, trình độ sử dụng, hiểu biết công nghệ hạn chế”. Mới đây, một số chủ kinh doanh online chia sẻ trên mạng xã hội về một hình thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tài sản của người bán hàng online và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vừa và nhỏ bằng công nghệ cao. Chị Trần Thị Thu Phương, chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm online trên Facebook chia sẻ: “Tôi cũng bị lừa 10 triệu đồng mua mỹ phẩm từ một địa chỉ Facebook của người nước ngoài có người thân tại thành phố Nam Định theo hình thức chuyển tiền quốc tế. Thậm chí “người thân” đó có địa chỉ “người thật, việc thật” rõ ràng. Với lý do tạo sự bất ngờ từ quà tặng cho người thân, đối tượng đã yêu cầu tôi giữ kín thông tin giao dịch. Do số lượng tiền giao dịch lớn, khách hàng “bạo tay” chi, bản thân lại đang bận nhận và xử lý đơn hàng khác nên tôi không nghi ngờ, thực hiện theo đúng trình tự giao dịch hướng dẫn. Đến khi tin nhắn thông báo tài khoản ngân hàng của tôi bị trừ đi 10 triệu đồng, tôi mới tá hoả nhận ra mình bị lừa”. Do đây là giao dịch cá nhân nên ngân hàng khó lòng có thể can thiệp để hoàn trả số tiền bị lừa đảo cho khách hàng. Không chỉ chị Phương, nhiều khách hàng ở một số ngân hàng cũng bị lừa đảo theo phương thức trên hoặc bị đối tượng lừa đảo bằng cách hack Facebook người thân, bạn bè để đề nghị chuyển khoản, mạo danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Toà án xác minh số tiền liên quan đến vụ án đang điều tra, hoặc chuyển khoản để lĩnh thưởng quà khuyến mại của ngân hàng… Theo các cơ quan chức năng, thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là: Giả danh là người Việt Nam tại nước ngoài mua hàng online với số lượng hàng hóa lớn, giá trị tài sản cao từ những người kinh doanh trong nước. Theo đó, các đối tượng sẽ làm giả hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union; chụp ảnh hóa đơn, chứng từ này rồi gửi tin nhắn hình ảnh cho nạn nhân, khiến nạn nhân tưởng rằng phía bên mua hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền. Sau đó, đối tượng dẫn dắt nạn nhân thực hiện giao dịch rút tiền thông qua đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union; khai báo thông tin đăng nhập (tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ ngân hàng); đồng thời, để có được mã OTP thực hiện hành vi đánh cắp tiền, đối tượng sẽ giả mạo tin nhắn của Western Union với nội dung: “Quý khách đang thực hiện giao dịch nạp tiền điện tử trên hệ thống Ibanking với số tiền nhận là xxx triệu đồng. Mã OTP sẽ được gửi đến điện thoại để xác nhận hoàn tất giao dịch”. Thực tế do các đối tượng đang thực hiện thao tác rút tiền trong tài khoản của nạn nhân nên ngân hàng trong nước sẽ gửi mã OTP vào điện thoại của nạn nhân. Khi nạn nhân điền mã OTP này để hoàn tất thủ tục nhận tiền trên website giả mạo, đồng nghĩa với việc, giao dịch chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng phạm tội đã trót lọt. 

Để tránh rơi vào bẫy của các tội phạm công nghệ, các ngân hàng khuyến nghị khách hàng nâng cao tinh thần cảnh giác và thực hiện đúng các hướng dẫn giao dịch an toàn. Tuyệt đối bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ các thông tin bảo mật cá nhân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thông qua các đường dẫn, email, điện thoại, tin nhắn… chưa được xác thực. Thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin qua email, tin nhắn, điện thoại, tin nhắn mạng xã hội Zalo, Facebook, qua các số điện thoại tại nước ngoài; không mở các tệp tin hoặc truy cập các đường dẫn gửi kèm những email, tin nhắn… chứa thông tin không rõ nguồn gốc hay các đường dẫn liên kết đến các website nghi ngờ giả mạo. Đồng thời, quý khách nên báo tin kịp thời đến các cơ quan chức năng để thực hiện điều tra tội phạm theo quy định. Cài đặt và thường xuyên cập nhật các hệ điều hành, trình duyệt, ứng dụng diệt virus, diệt mã độc, phần mềm gián điệp… có bản quyền cho máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử sử dụng cho các giao dịch tài chính.

Thường xuyên theo dõi thông tin giao dịch ngân hàng và đăng ký các dịch vụ báo tin nhắn tự động để kiểm soát thông tin, đảm bảo giao dịch trực tuyến an toàn… Khách hàng nên sử dụng ứng dụng giao dịch chính của ngân hàng cung cấp, không tiết lộ tên đăng nhập và mật khẩu cho bất cứ ai khác, dù là người thân tín và các thông tin khác như: Số thẻ, số tài khoản, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, tên tuổi, email… Đăng xuất ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch; không nên thoát khỏi trình duyệt/màn hình ứng dụng mà không sử dụng nút đăng xuất để tránh các lỗi không đáng có; không rời khỏi máy tính khi đang thực hiện giao dịch hoặc khi phiên đăng nhập còn tồn tại. Không nhập thông tin cá nhân, mã OTP vào bất cứ website/màn hình hiển thị nào khác không có các dấu hiệu nhận biết của ngân hàng, đặc biệt là các website/quảng cáo đăng nhập để trúng thưởng không xuất phát từ website chính thức của ngân hàng. Khi nhận được tin nhắn OTP, cần kiểm tra các nội dung: “loại giao dịch”, “mã giao dịch” khớp đúng với giao dịch đang thực hiện. Sử dụng dịch vụ thông báo biến động số dư qua SMS của ngân hàng để được lập tức thông báo về mọi biến động số dư của tài khoản, tăng khả năng phát hiện sớm các giao dịch gian lận hoặc giao dịch có nghi ngờ./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com