Nhộn nhịp chợ Xuân Liễu Đề

08:01, 17/01/2020

Tuy không có “tuổi đời” lâu như chợ Viềng Xuân Nam Trực, Vụ Bản nhưng chợ Xuân Liễu Đề (Nghĩa Hưng) họp vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm cũng ngày càng được biết đến và là điểm du xuân thú vị của đông đảo du khách thập phương. Hoạt động giao lưu, buôn bán hàng hóa tại chợ khá sôi động, đặc biệt là sinh vật cảnh.

Gia đình anh Phạm Văn Khánh, xóm Nam Phú, thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) chăm bón đào Tết.
Gia đình anh Phạm Văn Khánh, xóm Nam Phú, thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) chăm bón đào Tết.

Theo các cụ cao niên ở thị trấn Liễu Đề thì Nghĩa Hưng là huyện ven biển, trải dài trên 30km nhưng trước kia giao thông đi lại khó khăn, bà con miền hạ muốn đi chơi chợ đầu xuân phải lên Nam Trực hay sang Vụ Bản. Người không có điều kiện đi xa thì mong ngóng phiên chợ đầu năm vào ngày mùng 6 Tết của thị trấn Liễu Đề để mua bán. Do đó, từ gần 20 năm trước, Đảng ủy, UBND thị trấn Liễu Đề có ý tưởng phát triển chợ Xuân Liễu Đề trên cơ sở phiên chợ đầu Xuân xưa để bà con nhân dân có điều kiện vui chơi, mua sắm gần nhà. Thêm vào đó, do chợ Xuân Liễu Đề nằm ở trung tâm huyện, là nơi giao thương buôn bán của người dân trong khu vực nên đã nhanh chóng trở thành điểm sinh hoạt văn hóa đầu xuân của người dân. Đặc biệt là những năm gần đây giao thông thuận lợi với các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ đan xen tạo điều kiện cho người dân mang hàng hóa, hoa, cây cảnh về tụ họp, trao đổi buôn bán. Chủ trương của Đảng ủy, UBND thị trấn được lãnh đạo huyện ủng hộ, tạo điều kiện tổ chức mở rộng quy mô chợ Xuân Liễu Đề hàng năm và chọn ngày mùng 6 tháng Giêng làm ngày chính chợ. Chợ càng ngày càng thu hút đông khách của các xã lân cận và các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Trực Ninh đến chơi chợ, khí thế sôi động, hàng hóa cũng từ đó mà phong phú thêm. Hoa tươi, đồ mỹ nghệ, cây cảnh, bánh kẹo, quần áo thời trang, nông cụ, cây giống, từ thành phố Nam Định, các huyện Ý Yên, Nam Trực, Hải Hậu mang đến; rượu gạo, chiếu cói, vỉ buồm, thảm đay, đường mật… từ Kim Sơn (Ninh Bình) chuyển sang; rồi ống giang, luồng, vầu, mật ong, khoai ráy, rong riềng từ các tỉnh miền núi phía Bắc đổ về làm phiên chợ đầu năm thêm rộn ràng. Phạm vi họp chợ vượt ra khỏi khu vực chợ Xuân ban đầu, cả khu vực sân vận động cũng được bố trí làm địa điểm tổ chức. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, những năm gần đây mỗi phiên chợ thu hút hàng nghìn bạn hàng, du khách gần xa về buôn bán, mua sắm, kéo dài từ chiều mùng 5 đến hết ngày mùng 6 tháng Giêng. Nhiều hộ đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng trong phiên chợ Xuân này. Ông Trần Văn Truyền, người con thị trấn Liễu Đề xa quê lâu năm, hiện đang sinh sống ở miền Nam, trong dịp về thăm quê cho chúng tôi biết: Từ khi có hội chợ Xuân, năm nào về quê ăn Tết, tôi cũng nán lại chơi chợ xong mới đi. Hòa mình vào không gian chợ quê hồn hậu, tôi gặp lại được bạn bè thuở nhỏ, nhiều món ăn mang hương vị đặc trưng của các vùng quê trong huyện, mà khi còn nhỏ tôi có dịp được thưởng thức. Tâm sự của ông Truyền càng cho thấy phiên chợ Xuân Liễu Đề, ngoài việc bán mua đơn thuần thì nhiều người đến chợ Xuân không chỉ để mua bán mà còn để trải nghiệm ký ức. Đặc biệt với những người Nghĩa Hưng hiện sống xa quê chơi chợ để mang theo một liều thuốc bổ tinh thần đến quê mới chuẩn bị cho một năm tiếp theo.

Đặc biệt hơn từ khi hội chợ Xuân thị trấn Liễu Đề mở ra, hàng hóa muôn phương về đây hội tụ, người dân thị trấn và khu vực lân cận như xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thành, thị trấn Quỹ Nhất… cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế thị trường, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, kiến thức của các nhà vườn mang cây cảnh về buôn bán tại hội chợ Xuân để áp dụng vào việc phát triển kinh tế địa phương. Hiện tại, thị trấn Liễu Đề đã hình thành được 2 làng nghề trồng đào và quất với tổng số trên 100 hộ… Trung bình mỗi năm, các hộ dân ở thị trấn Liễu Đề bán ra thị trường khoảng 40 nghìn cây quất, đào với tổng thu nhập gần 20 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình có tay nghề giỏi trong nghề trồng đào, quất như: gia đình ông Phạm Văn Khánh, xóm Nam Phú trồng 2.000 gốc đào với nhiều cây có giá trị cao hơn chục triệu đồng, mỗi năm cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng; gia đình ông Đinh Văn Tiến, khu phố Nam thị trấn Liễu Đề cũng đã có hơn 10 năm trồng quất. Từ năm 2017 đến nay, gia đình ông tiếp tục trồng thử nghiệm cây cam cảnh phục vụ Tết và phiên chợ đầu xuân. Xã Nghĩa Trung cũng hình thành thêm làng nghề trồng cây cảnh, cây thế và một lượng lớn lao động chuyên cung ứng, chăm bón, sửa chữa cây cảnh thuê cho các hộ gia đình, nhà vườn trên toàn quốc.

Tết đang đến gần! Những ngày này, cả thị trấn Liễu Đề đang hối hả chuẩn bị cho hội chợ Xuân đầu năm với mong muốn phiên chợ diễn ra an toàn, sôi động, rộn ràng sắc xuân, hứa hẹn một năm mới no ấm ở vùng quê biển./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com