Gắn bó với rừng ngập mặn

08:01, 17/01/2020

Năm 1992, cô bé Trần Thị Hồng Hạnh, khi đó mới 10 tuổi tình cờ đọc được một bài báo trên Báo Nam Hà viết về Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy. Hình ảnh vùng bãi bồi rộng lớn với những cánh rừng ngập mặn rù rì bầy ong bay về mỗi mùa hoa sú vẹt, những loài chim quý hiếm cứ vào đầu mùa đông trên đường di cư từ phương Bắc xuống phương Nam đã chọn nơi đây làm điểm trú đông khiến Hạnh có ấn tượng đặc biệt về vùng đất này.

Trần Thị Hồng Hạnh, cán bộ Vườn quốc gia Xuân Thủy tham gia trồng rừng.
Trần Thị Hồng Hạnh, cán bộ Vườn quốc gia Xuân Thủy tham gia trồng rừng.

Tốt nghiệp THPT, Hạnh chọn thi vào Trường Đại học Lâm nghiệp. Là con út trong gia đình, vốn được chiều chuộng, sức khỏe lại không tốt nên mọi người đều phản đối khi năm 2004 ra trường, Hạnh xin về làm việc ở Vườn quốc gia, cách nhà gần 70 cây số. Thời điểm này, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thủy mới được Thủ tướng ban hành quyết định nâng hạng thành Vườn quốc gia Xuân Thủy, là cấp bảo tồn cao nhất trong hệ thống bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, sinh hoạt của đơn vị lúc đó hết sức khó khăn, thiếu thốn: Điện, nước chưa có, nhà ở phải tận dụng phòng làm việc. Cả Vườn quốc gia vỏn vẹn chưa đến 10 người, duy nhất Hạnh là nữ. Những ngày cuối năm, nước thủy triều lên cao ngập lênh láng cả cơ quan, mọi người phải lội nước làm việc, sinh hoạt. Là con gái thành phố vốn quen với cuộc sống khá đủ đầy, ai cũng nghĩ Hạnh sẽ không thể gắn bó lâu dài với công việc ở vùng đất còn nhiều khó khăn như vậy. Bản thân cô cũng có lúc cảm thấy nản lòng. Nhưng cô vẫn bám trụ bằng sự đam mê, lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cứ làm 10 ngày/tháng, cô lại được về thăm nhà. Mỗi lần trở lại cơ quan, cô đều phải đi xe khách từ thành phố xuống chợ Giao Thiện rồi cuốc bộ thêm khoảng 5km đường đất, ngày nắng thì bụi, ngày mưa đường trơn trượt phải dò từng bước. Bên cạnh những khó khăn, cô được tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, sắp xếp công việc để tham gia các lớp tự đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Được phân công về Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển cộng đồng, ban đầu Hạnh cũng gặp nhiều khó khăn vì kiến thức học trong nhà trường áp dụng vào công việc rất ít, phải học hỏi thêm từ sách báo và kinh nghiệm của đồng nghiệp đi trước. Cô và anh chị em trong cơ quan đã phối hợp với các đơn vị xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Giao Xuân, xây dựng mô hình trồng nấm (sau này phát triển thành HTX trồng nấm Vườn quốc gia Xuân Thủy), tạo việc làm, sinh kế bền vững cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra, cô còn tích cực tham gia trồng rừng bổ sung, góp phần phủ thêm màu xanh bát ngát cho những cánh rừng ngập mặn, để mỗi năm đông về rợp trắng những cánh chim. Mạnh mẽ, bền bỉ như những quả vẹt tách ra khỏi thân mẹ cắm xuống bãi bồi ngấn mịn phù sa bén rễ, đâm chồi, cô đã gắn bó với Vườn quốc gia Xuân Thủy đến nay là 16 năm. Niềm vui và những kỷ niệm của Hạnh với công việc cũng đầy thêm theo năm tháng. Những ngày đi trồng trang, vẹt dù cùng đồng nghiệp hàng tiếng đồng hồ dưới trời nắng chang chang phải bùm bịt kín mít, song nghĩ đến những thành quả đạt được sau này, ai cũng thấy vui. Những hôm mải mê cố làm xong việc quên cả thời gian, nước thủy triều lên cao đến ngang ngực, phải lội bì bõm từ rừng ra chỗ thuyền đợi để về cơ quan, vừa ướt vừa lạnh. Những ngày đi điều tra rừng, gặp phải bãi hà bị xẻ rách chân và rất lâu sau vẫn còn nguyên cảm giác gai chân, lâu dần cũng thành chuyện nhỏ. Đặc biệt, qua những buổi dẫn khách tham quan du lịch, các đoàn nghiên cứu, sinh viên đi học tập, tìm hiểu về rừng ngập mặn, Hạnh rất vui vì được chia sẻ hiểu biết, kiến thức của mình cho mọi người.

Nhiều năm gắn bó với rừng, nước da của Hạnh đã nhuộm màu nắng gió vùng biển nhưng nụ cười luôn tươi rói trên môi. Cô cũng đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc với chàng trai quê biển. Hiện tại, Hạnh là Phó trưởng phòng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn quốc gia Xuân Thủy). Với những nỗ lực trong công việc, năm 2018, cô được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen./.

Bài và ảnh: Lam Hồng  



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com