Khắc phục tình trạng đốt vàng mã trong dịp lễ Vu lan

05:08, 09/08/2019

Lễ Vu Lan vào ngày rằm tháng bảy âm lịch là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính, báo hiếu với cha mẹ và các bậc sinh thành, ông bà tổ tiên. Tư tưởng nhân văn, nhân ái, truyền thống đạo đức tốt đẹp quý báu của con người được phát huy, đây chính là một nét đẹp mà dân tộc nào, quốc gia nào, tôn giáo nào và người nào cũng cần giữ gìn, phát huy. Tuy nhiên, hiện nay ngày lễ Vu Lan đang bị lạm dụng bởi nhiều yếu tố mê tín dị đoan, đặc biệt là tình trạng đốt nhiều vàng mã.

Rước bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan tổ chức ở Chùa Vọng Cung (Thành phố Nam Định).
Rước bông hồng cài áo trong lễ Vu Lan tổ chức ở Chùa Vọng Cung (Thành phố Nam Định).

Ngay từ cuối tháng 6 âm lịch, tại phố Minh Khai (Thành phố Nam Định) nhiều gia đình làm hương, vàng mã truyền thống đã bày bán khá nhiều loại sản phẩm như tiền, vàng, các loại quần áo, giầy, mũ, điện thoại, nhà lầu, lò vi sóng, xe hơi, xe mô tô, đồ dùng gia dụng… Theo các chủ hàng, thị trường hàng mã năm nay trầm lắng hơn; tuy nhiên số lượng khách hàng tìm mua các sản phẩm hàng mã mô phỏng những vật dụng hiện đại như: điện thoại di động, lâu đài… tăng đáng kể. Giá các loại hàng mã rất đa dạng: Quần áo đại trà khoảng 15-30 nghìn đồng/1 tập 5 bộ; 100 nghìn đồng/5 bộ bao gồm đầy đủ quần áo, mũ nón, giầy dép. Các loại quần áo khác như comple, áo dài… khoảng 20 nghìn đến 50 nghìn đồng/bộ tùy loại thiết kế và chất liệu giấy. Nếu là những bộ có thiết kế đặc biệt tinh xảo giống hàng thật có giá từ 100 nghìn đồng/bộ trở lên. Với những tài xế lái xe tải cỡ nhỏ, dịp lễ Vu Lan là lúc họ tất bật vận chuyển hàng từ các cơ sở sản xuất vàng mã tới đại lý tiêu thụ. Anh Bùi Thế Chấn (30 tuổi) ở huyện Mỹ Lộc là lái xe tải cho biết: “Dịp tháng 7 hàng năm với nhiều người là tháng cô hồn nhưng với tôi là thời điểm nhiều việc nhất bởi các cơ sở sản xuất vàng mã đều “đặt lịch” thuê xe vận chuyển hàng. Việc chở vàng mã vừa sạch sẽ, vừa nhàn bởi tải trọng thấp nên nhiều người có xe tải tranh thủ làm thêm trong dịp này”. Thực tế cho thấy, tình trạng lạm dụng đốt vàng mã trong dịp lễ Vu Lan không còn mang ý nghĩa tâm linh mà đã biến tướng thành hoạt động mê tín dị đoan. Lý giải cho hiện tượng này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng bởi người dân chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa lễ Vu Lan nên có những hành vi thực hành nghi lễ sai lệch. Thượng tọa Thích Giác Vũ, Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết: Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích tấm gương hiếu hạnh của Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Câu chuyện báo hiếu của Bồ tát Mục Kiền Liên trong Phật giáo chỉ ra rằng muốn linh hồn cha mẹ, ông bà được siêu thoát thì mỗi người phải hành động bằng cái tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo cho những người xung quanh. Ngoài lễ Vu Lan, trong tháng 7 âm lịch còn có lễ Xá tội vong nhân. Dân gian quan niệm ngày rằm tháng 7 là ngày “mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế nên được gọi là ngày “xá tội vong nhân”. Lễ xá tội vong nhân và lễ Vu Lan báo hiếu mặc dù có sự khác nhau nhưng đều thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc với mục đích bày tỏ lòng nhớ ơn những người đã khuất, nhất là gia tiên tiền tổ và thể hiện sự thương cảm đối với những người bị mất không được thờ cúng. Đạo Phật chính thống không khuyên mọi người đốt vàng mã để cúng những người đã mất mà luôn khuyên con người coi trọng quy luật nhân - quả: Người làm điều thiện cho người khác, cho xã hội và cộng đồng thì sẽ gặp may mắn phúc đức và ngược lại.

Để hạn chế tình trạng đốt vàng mã của người dân, những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Ngày 12-2-2018, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành Công văn số 31/CV-HĐTS yêu cầu các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố hướng dẫn tăng, ni, phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức... Đề nghị chư tôn đức tăng ni hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chú trọng việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội; lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo trong nội dung các bài thuyết giảng cho tín đồ, phật tử. Nhờ thực hiện nghiêm túc, nhiều chùa trên địa bàn tỉnh trở thành điểm sáng về thực hiện không đốt vàng mã, tiêu biểu như: Chùa Vọng Cung, Chùa Cả, Chùa Ỏn (Thành phố Nam Định), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), Chùa Bảo Hoa (Giao Thủy), Chùa Phúc Sơn (Hải Hậu), Chùa Đống Trúc (Ý Yên)...

Thực hiện Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định pháp luật về nếp sống văn minh trong lễ hội; tăng cường cung cấp thông tin cho người dân về ý nghĩa, mục đích của việc đốt, rải vàng mã… Nhiều địa phương, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó có thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Từ việc tập trung chỉ đạo đến nay, các xã, thị trấn trong huyện Giao Thủy đều ban hành quy chế nếp sống văn minh. UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội ở cả 22 xã, thị trấn. Nhờ đó việc đốt, rải vàng mã trong các đám tang và các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện giảm đáng kể. Huyện Hải Hậu có văn bản hướng dẫn, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị ký cam kết gương mẫu đi đầu và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các quy định, quy chế Nếp sống văn hóa. Những gia đình không thực hiện đúng quy chế được thông báo trên hệ thống đài truyền thanh xã. Nhờ đó đến nay, việc đốt, rải vàng mã ở các gia đình được hạn chế.

Để phát huy ý nghĩa tích cực của văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời hạn chế những tiêu cực nảy sinh trong quan niệm thực hành lễ Vu Lan, mỗi người nên tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa cách hành lễ truyền thống và có những hành động thiết thực, tích cực cho gia đình và cho xã hội./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com