Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, những năm qua Đảng bộ và nhân dân xã Nam Hồng (Nam Trực) đã chung sức, đồng lòng thi đua lao động, sản xuất, tạo nên chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Hoàn tất sản phẩm khăn xuất khẩu của Công ty Cổ phần Dệt may Liên Tỉnh. |
Theo Lịch sử Đảng bộ xã Nam Hồng, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phong trào cách mạng ở xã Nam Hồng phát triển khá mạnh mẽ; là nơi ra đời của cuộc vận động thành lập Liên Tỉnh ủy C và Tỉnh ủy Nam Định. Các chủ trương của Liên Tỉnh ủy C, của Tỉnh ủy từ đây truyền đi, thúc đẩy phong trào ở các nơi. Đặc biệt xã có người con ưu tú Đặng Việt Châu được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, sau đó phụ trách Liên Tỉnh ủy C. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng 18-8-1945 nhân dân xã Nam Hồng kéo về trung tâm huyện Nam Trực phối hợp với các xã giành chính quyền về tay nhân dân. Sau ngày giành được chính quyền, xã thành lập hai chi bộ Đảng gồm: chi bộ Phú Thứ và Minh Viên. Đến tháng 2-1946, hai chi bộ sáp nhập thành một chi bộ lấy tên là chi bộ Minh Phú với 18 đảng viên. Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chi bộ Minh Phú đã chỉ đạo củng cố xây dựng lực lượng, vận động nhân dân đào hầm hào, tiêu thổ kháng chiến, giành đất, giữ làng, bảo vệ cơ sở cách mạng. 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, địa bàn xã Nam Hồng trở thành nơi địch chiếm đóng, lập đồn bốt, càn quét tàn phá làng mạc, đàn áp nhân dân. Trước những hành động dã man của giặc Pháp, dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng, nhân dân và lực lượng vũ trang xã đã chủ động phối hợp với các xã bạn và bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đánh 152 trận, diệt 257 tên địch, làm bị thương hàng trăm tên và bắt sống 206 tên, gọi đầu hàng 162 tên; thu 617 súng các loại, vận động 60 người không đi lính cho Pháp, phá bốn ban tề, cảnh cáo ba ban tề, diệt và cảnh cáo nhiều tên Việt gian bán nước. Với những chiến công đó Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Hồng đã được Nhà nước tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp". Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là thời kỳ 1965-1972, xã nằm dọc Quốc lộ 21 và sông Hồng, gần thành phố Nam Định nên là trọng điểm đánh phá của máy bay địch, song quân và dân Nam Hồng tiếp tục vượt lên khó khăn, gian khổ, thực hiện tốt hai nhiệm vụ: vừa sản xuất, vừa chiến đấu với giặc Mỹ đồng thời phải chi viện cho chiến trường miền Nam. Tổng kết 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, toàn xã có 1.921 lượt người nhập ngũ, 2.065 lượt người tham gia du kích, dân công hỏa tuyến; đóng góp chi viện 238 chỉ vàng, 13 vạn tiền Đông Dương, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến; xã có 228 liệt sĩ, 16 Mẹ Việt Nam Anh hùng và 379 cá nhân được khen thưởng huân, huy chương các loại.
Phát huy tinh thần yêu nước với truyền thống cách mạng của quê hương, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Hồng đã không ngừng nỗ lực, vươn lên trong mọi lĩnh vực. Với đặc điểm nằm trên trục Quốc lộ 21 và nhiều tuyến tỉnh lộ, huyện lộ chạy qua là những lợi thế cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xã đã khuyến khích, tạo thuận lợi cho các hộ dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Trên địa bàn xã hiện có 2 cụm công nghiệp của huyện, của xã với 10 doanh nghiệp đang hoạt động đã tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động địa phương và 4.000 lao động ở các địa phương trong tỉnh và tỉnh Thái Bình với mức thu nhập từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại dịch vụ, ngành nghề nông thôn trên địa bàn xã cũng từng bước phát triển, trong xã hiện có trên 100 cơ sở dịch vụ ăn uống, dệt, may mặc, hàng mã, mộc, cơ khí. Trong sản xuất nông nghiệp, cùng với quy hoạch theo 3 vùng sản xuất chuyên canh, xã chủ động tích cực đưa tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, tạo điều kiện cho kinh tế trang trại, gia trại phát triển. Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, kiên cố hoá kênh mương thuỷ lợi, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y. Nhờ đó, năng suất cây trồng, vật nuôi đều tăng lên, giá trị sản xuất bình quân đạt trên 95 triệu đồng/ha canh tác. Kinh tế phát triển, xã tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, 100% tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Hệ thống trường học được đầu tư xây dựng, phát triển cả về quy mô và chất lượng; Trường Trung học cơ sở Nam Hồng là trường chuẩn quốc gia và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; các trường tiểu học và mầm non đều là trường đạt chuẩn quốc gia; nhiều năm nay xã Nam Hồng vẫn giữ vững là đơn vị dẫn đầu trong phong trào giáo dục đào tạo của huyện Nam Trực và của tỉnh. Xã có nhà văn hoá trung tâm với thiết kế 350 chỗ ngồi, khu trung tâm văn hoá ngoài trời với diện tích gần 4.000m2; 21/21 xóm có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí của nhân dân; 85,7% xóm đạt danh hiệu Làng văn hóa; trên 90% hộ dân đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Năm 2017, xã Nam Hồng được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nam Hồng hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Đây sẽ là tiền đề và điều kiện quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Nam Hồng tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020./.
Bài và ảnh: Văn Trọng