Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trước kia công tác bảo vệ môi trường nông thôn của tỉnh tồn tại một số bất cập: phát triển sản xuất chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường; chưa kiểm soát được việc xử lý bao bì, thuốc bảo vệ thực vật; khó khăn trong kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề; tỷ lệ thu gom rác thải ở nông thôn còn thấp; trong quá trình xử lý rác thải, nhiều địa phương chưa áp dụng đầy đủ, chặt chẽ quy trình kỹ thuật nên vẫn gây nguy cơ ô nhiễm; ô nhiễm cục bộ môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm và đất tại khu vực nông thôn đã xuất hiện ở một số nơi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã có nhiều giải pháp thiết thực vận động người dân thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm với công tác bảo vệ môi trường, chung sức cùng cộng đồng góp phần cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống.
Thu gom rác trên địa bàn Thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc). |
Tại Hải Hậu, ngay từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức cho các hộ dân, tổ chức đoàn thể, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ký cam kết không xả thải bừa bãi ra môi trường và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Huyện triển khai thực hiện đề án giám sát hoạt động thu dọn, xử lý bèo rác trên hệ thống kênh mương, giao cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Hậu, các hộ gia đình, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương theo phương thức giao khoán, sử dụng nguồn kinh phí hoạt động của Công ty và huyện hỗ trợ một phần; chính quyền cấp xã thường xuyên giám sát và định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức kiểm tra, rút kinh nghiệm để các tổ chức, cá nhân được giao khoán kịp thời khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng xử lý bèo rác trên kênh mương. 100% các xã, thị trấn thành lập tổ đội thu gom rác thải; năm 2019 vận động 3 xã tổ chức thí điểm chương trình phân loại rác thải tại nguồn để rút kinh nghiệm trước khi tổ chức nhân rộng trên toàn huyện. Các xã, thị trấn tập trung xây dựng khu xử lý rác thải thân thiện với môi trường, đầu tư lắp đặt, vận hành 29 lò đốt rác thải, 6 bãi chôn lấp tập trung theo quy trình kỹ thuật Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn. Các xã, thị trấn đã giao cho Hội Phụ nữ huy động hội viên thực hiện Đề án xây dựng “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp kiểu mẫu do phụ nữ tự quản” với tổng số 84 tuyến đường hoa; qua thẩm định có 70 tuyến đạt tiêu chuẩn; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chọn được 13 tuyến tiêu biểu để gắn biển công trình “Đường hoa kiểu mẫu” chào mừng Kỷ niệm 130 năm ngày thành lập huyện năm 2018. Huyện là đơn vị tiêu biểu trong toàn quốc về thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới; qua đó, Trung ương chỉ đạo huyện thực hiện Đề án xây dựng thí điểm mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2023. Tại Ý Yên, tiêu chí môi trường là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, do tình trạng ngâm tre nứa ô nhiễm nguồn nước của làng nghề Yên Tiến; kiến trúc cảnh quan nông thôn kiểu làng cổ; nhiều hộ dân làng nghề sống ven các tuyến đường lớn thường dựng lều lán lấn chiếm hành lang, lòng lề đường nên khó khăn trong vận động người dân chỉnh trang, cải tạo cảnh quan. Để cải thiện cảnh quan, môi trường, huyện đã huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể chung sức đóng góp kinh phí, ngày công lao động vệ sinh đường làng ngõ xóm, làm sạch sông ngòi làng nghề. Huyện chỉ đạo xã Yên Tiến quy hoạch khu vực ngâm tre nứa tập trung và cấm các hộ làm nghề ngâm tre nứa bừa bãi không theo quy hoạch; sử dụng vôi bột lọc và khử trùng nước sông, tạo kháng chất khống chế việc ngâm tre nứa bừa bãi ngoài khu được quy hoạch. Huyện bố trí nhân lực, thiết bị, máy móc, thường xuyên túc trực ở các điểm nóng vi phạm hành lang giao thông, xử lý hơn 1.000 trường hợp vi phạm, trả lại cảnh quan đường thông hè thoáng cho các xã, thị trấn. Huyện giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ý Yên và các xã, thị trấn chịu trách nhiệm thu dọn rác thải dưới lòng kênh và duy trì hoạt động bơm rửa, dọn rác bờ kênh 2 lần/tháng, tác động trực tiếp tới nhận thức và hành vi của các hộ dân sống dọc các tuyến sông, kênh. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức cho cán bộ, hội viên tham quan, học tập mô hình đường hoa của các huyện Hải Hậu, Trực Ninh và nghiên cứu, lựa chọn giống hoa chiều tím dễ trồng, sinh trưởng tốt, không bị trâu bò giẫm phá, tiến hành trồng, duy trì chăm sóc được 180 tuyến đường hoa. Đoàn Thanh niên huyện đã vận động các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình trồng hoa trên bồn tạo nên các tuyến đường hoa tại khu vực trung tâm huyện. Các xã, thị trấn thành lập tổ thu gom rác thải tại 416/416 thôn, đảm bảo thu dọn dứt điểm lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn. So với xuất phát điểm ban đầu, công tác bảo vệ môi trường của huyện Ý Yên đã có chuyển biến vượt bậc; cảnh quan môi trường đang từng bước được cải tạo theo tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”; góp phần giúp huyện hoàn thành tiêu chí môi trường và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2018...
Không chỉ ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên, khi nhận thấy phong trào bảo vệ môi trường mang lại lợi ích thiết thực, người dân đã tự giác, tích cực chung sức góp ngày công, kinh phí cùng tham gia thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Môi trường, cảnh quan nông thôn được cải thiện đáng kể. Toàn tỉnh đã có trên 1.000km đường hoa. Đến năm 2018 trên 80% số hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường; 95,7% số hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; 100% số xã, thị trấn tổ chức hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt với sự tham gia của cộng đồng; tỷ lệ thu gom xử lý rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt 88%... Công tác xây dựng, chỉnh trang, bảo vệ môi trường nông thôn của tỉnh được nhiều địa phương trong cả nước đến tham quan, học tập và đánh giá cao. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên toàn tỉnh có 13 đơn vị xã, thôn, xóm đăng ký xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về cảnh quan môi trường giai đoạn 2019-2020. Trong đó, các địa phương hướng tới các chỉ tiêu bảo vệ môi trường cụ thể ở các cấp độ hộ gia đình, thôn, xóm, xã. Cụ thể, đối với từng hộ gia đình phải đảm bảo nhà cửa, khuôn viên gia đình, công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi được chỉnh trang tu sửa, làm đẹp; vườn tạp được cải tạo thành vườn cây ăn quả hoặc vườn rau, vườn hoa, cây cảnh; giữ gìn cảnh quan môi trường trước, trong và xung quanh khuôn viên hộ gia đình thường xuyên sạch đẹp; có thùng rác 2 ngăn để phân loại rác từ nguồn, có điểm chôn lấp xử lý rác thải hữu cơ trong khuôn viên hộ gia đình; tích cực tham gia phong trào vệ sinh môi trường định kỳ của thôn, xóm hoặc xã, thị trấn. Đối với thôn, xóm: xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp”; thường xuyên phát động và tổ chức làm tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm, kênh mương và khuôn viên các công trình phúc lợi công cộng bảo đảm thường xuyên sạch đẹp, ngăn nắp; có bản vẽ hoặc sơ đồ quy hoạch phát triển thôn, xóm, các điểm tham quan, bổ sung quy định bảo vệ cảnh quan môi trường trong hương ước của thôn, xóm; có hệ thống chiếu sáng ban đêm ở tất cả các trục đường thôn, xóm, đầu tư mới hoặc cải tạo hệ thống cống rãnh thoát nước trong thôn, xóm; có phương án, kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các công trình phúc lợi của thôn, xóm. Đối với cấp xã có quy định về bảo vệ cảnh quan, môi trường nông thôn, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao vai trò và trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn; môi trường, cảnh quan trên địa bàn xã được tổng vệ sinh, chỉnh trang, làm đẹp thường xuyên đảm bảo luôn xanh - sạch - đẹp; các công trình công cộng và các tuyến đường giao thông trục xã, liên xóm, trục xóm được trồng hoa, cây xanh; tổ chức tốt các mô hình tự quản bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý rác thải, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại theo đúng quy định, các xã chưa có lò đốt rác thải sinh hoạt phải liên kết với các xã liền kề có lò đốt rác để xử lý rác thải hoặc liên kết đầu tư xây dựng lò đốt rác quy mô liên xã theo quy định; các xã chưa có nước sạch phải sớm triển khai đầu tư để cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn; có phương án, kế hoạch cụ thể và định kỳ duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của xã./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy