Làm giàu từ nghề trồng cây cảnh

05:07, 05/07/2019

“Tính đến nay, gia đình tôi đã có 3 đời làm nghề cây cảnh, ai cũng say nghề, đam mê với nghề. Chơi cây, làm cây không chỉ mang lại nguồn thu nhập kinh tế ổn định cho gia đình mà còn giúp tôi tĩnh tâm, khám phá thêm nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên, mở mang con mắt nghệ thuật”, chị Vũ Thị Tính, thôn Hạ, xã Điền Xá (Nam Trực) chia sẻ.

Chị Vũ Thị Tính, thôn Hạ, xã Điền Xá (Nam Trực) cắt tỉa, chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình.
Chị Vũ Thị Tính, thôn Hạ, xã Điền Xá (Nam Trực) cắt tỉa, chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình.

Sinh ra và lớn lên tại một miền quê có nghề trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng, ngay từ khi còn nhỏ, chị Tính đã làm quen với công việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây cảnh. Lớn lên, lấy chồng cùng xã, vợ chồng chị tiếp nối nghề xưa như một lẽ tự nhiên. Năm 1988, vợ chồng chị Tính bắt đầu khởi nghiệp từ một vườn quất nhỏ. Những năm đầu trồng quất, do nắm bắt được nhu cầu thị trường, thời tiết thuận lợi, vợ chồng chị “thắng” lớn, có thêm vốn, kinh nghiệm để mở rộng sang các loại cây cảnh khác. Sau năm 1990, nhận thấy nhu cầu người chơi đang chuyển dần sang cây hàng tán (sanh, si), chị mạnh dạn phá bỏ vườn quất chuyển sang làm sanh, si. Khi sanh, si bão hòa, chị lại “xoay” sang làm cây cảnh bon sai. Làm cây bon sai, theo chị có rất nhiều lợi thế: đỡ tốn công chăm sóc, vốn đầu tư ít, phù hợp với nhiều không gian trưng bày, đối tượng khách hàng nên thị trường rất rộng mở. Tuy vậy, việc chuyển hướng kinh doanh vẫn khiến chị Tính nửa mừng nửa lo. Lo nhất là đầu ra cho sản phẩm còn tương đối lạ lẫm với nhiều người. “Tôi cũng không dám chắc cây bon sai làm ra có bán chạy hay không. Nhưng nếu không mạnh dạn tìm hướng đi mới thì cũng không có cơ hội đưa nhà vườn phát triển. Xác định như vậy nên vợ chồng tôi một mặt lao vào làm, học hỏi kỹ thuật, mặt khác tìm thị trường tiêu thụ”, chị cho biết thêm. Để làm cây cảnh bon sai, chị chọn các giống như sanh, si, lộc vừng, sung, ổi, khế, duối, mít, đa, chanh, cần thăng, mai chiếu thủy, linh san, hồng ngọc mai, ngũ gia bì… làm giống. Có loại cây chị chiết cành từ những cây cũ, có loại gieo bằng hạt, có loại lại nhập cây thô về rồi xử lý. Quy trình từ khi chiết, gieo hạt thành cây hoàn thiện tốn khá nhiều thời gian, tâm sức. Đối với những cây như sanh, si, lộc vừng, sung, chị sử dụng phương pháp chiết cành để ươm cây mới. Các cây còn lại đều được ươm trồng bằng hạt. Khâu chọn hạt giống rất quan trọng. Cụ thể, chị Tính chọn các giống cây thuần Việt để lấy hạt làm giống. Bởi, đây là những giống cây có khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết, ít bị sâu bệnh, dẻo dai và dễ uốn thế. Chọn được hạt giống từ những cây, quả chất lượng, chị ươm hạt vào những bầu đất đã chuẩn bị sẵn. Khi cây đã cứng cáp, chị tiến hành đưa vào các chậu, làm bệ, cắt phôi uốn thân cốt, tạo bông tay. Công đoạn chỉnh sửa, uốn thế cây theo chị là khó nhất, đòi hỏi tay nghề của người thợ một cách “kỹ” hơn cả. “Trước khi chuyển sang làm cây bon sai tôi đã làm cây hàng tán nhiều năm, mỗi loại có cái khó riêng, tuy nhiên uốn cây cảnh bon sai khó hơn. Với cây lớn, cành nọ còn có thể “đỡ” hộ cành kia nhưng với cây cảnh bon sai làm không khéo là sẽ “lộ” ngay do kích thước cây nhỏ, dễ quan sát. Hơn nữa, cây cảnh bon sai đa phần là cây non, thiếu độ dẻo dai nên rất dễ bị gãy, vì thế khi làm thường tốn nhiều công sức, đòi hỏi độ khéo léo, tài hoa của người thợ”, chị Tính nói. Tùy vào các loại cây, dáng cây mà chị tạo uốn theo các thế khác nhau. Có cây thế trực, có cây thế huyền, hoành, có cây chị tạo thế long phượng, phụ tử, lão mai… Khi uốn thế, tạo hình, vợ chồng chị thường trực tiếp làm để đảm bảo chất lượng mỹ thuật cho cây. Ngoài ra, để trang trí cho các chậu bon sai thêm “bắt mắt” chị còn kỳ công đặt mua các chậu, đồ gốm sứ Bát Tràng về ký trên cây. Căn cứ vào từng thế, dáng, kiểu cây, chị ký khác nhau. Có cây chị dùng các tích xưa để trang trí, có cây lại dùng những đồ vật nhỏ xinh tô điểm. Khi các cây bon sai đạt chiều cao từ 20-30cm, chiều rộng tán 30cm và được khoảng 2 năm tuổi thì cũng là lúc có thể xuất bán.

Thời điểm hiện tại, với 7.000m2 vườn, chị Tính có khoảng 500 cây sanh, si hàng tán; vài nghìn cây cảnh loại vừa và nhỏ, số lượng cây, cây bon sai phải lên đến hàng vạn. Tùy từng loại, chị chào bán với mức giá khác nhau. Cây sanh trong vườn có giá trị nhất đang được khách trả tới 500 triệu đồng. Các loại cây cảnh vừa và nhỏ có giá giao động từ 10-20 triệu đồng/cây. Còn các loại bon sai như khế, ổi, chanh, duối, mai chiếu thủy, linh san, ngũ gia bì… có giá dao động từ 100-300 nghìn đồng/cây. Các loại lộc vừng, sanh, si, sung… đã được ký cẩn thận trên chậu có giá từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng/cây. Trung bình mỗi năm nhà vườn Hòa Tính xuất bán khoảng 5 vạn cây cảnh các loại, trừ chi phí vốn, giống, tiền thuê nhân công, phân bón… vợ chồng chị thu lãi 30 triệu đồng/tháng. Khách hàng của chị đến từ khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc, họ thường nhập mua cây tại vườn với số lượng lớn. Nhà vườn Hòa Tính hiện tạo việc làm cho 30-50 lao động với mức lương từ 200-300 nghìn đồng/người/ngày, trong đó đa phần là phụ nữ. Thời gian tới, chị Tính còn ấp ủ rất nhiều dự định mới để phát triển nhà vườn. Chị chia sẻ: “tôi muốn mở rộng quy mô vườn hơn nữa, muốn đưa nhiều giống cây mới về trồng, đặc biệt là các mặt hàng như cây bon sai và cây công trình. Tôi mong muốn tạo ra nhiều cây cảnh bon sai đẹp, cho ra nhiều hoa, hoa bền, cây có thời gian để được trong nhà lâu hơn”. Để thực hiện được các dự định của mình, bước đầu chị đã liên hệ với một số nhà khoa học, chủ các nhà vườn chuyên về bon sai nhằm tìm hiểu thêm các kiến thức về lai, chiết, kích thích cây ra hoa nhanh, có độ bền cao.

Tiếp nối nghề truyền thống, nhiều phụ nữ Điền Xá hiện nay biết biến đất thành “vàng”, xây dựng cuộc sống ấm no, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Chị Vũ Thị Tính là một trong những gương điển hình như vậy. Năng động, dám nghĩ, dám làm, chị giờ đã là “triệu phú” cây cảnh, được nhiều chị em học tập, noi gương. Không giấu kinh nghiệm làm giàu, chị sẵn sàng chia sẻ bí quyết làm cây, kinh doanh cho những ai đam mê nghề, muốn khởi nghiệp. Nhà vườn Hòa Tính là “địa chỉ” tin cậy cho nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ đến học hỏi, tham quan mô hình. Điều đó khẳng định hiệu quả của một số nghề truyền thống trong xã hội hiện nay nói chung, nỗ lực của phụ nữ nói riêng trong việc tiếp thu, “giữ lửa” cho các làng nghề truyền thống./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 



vườn nhật https://caycanhsaigon.life/ Cây cảnh Sài GònTìm hiểu mbti và cách áp dụngKhám phá chạy deadline là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com