Chủ động phòng, chống cháy nổ trong mùa nắng nóng

04:07, 05/07/2019

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy và 1 vụ nổ làm 2 người bị thương nhẹ. Trong đó có 3 vụ cháy xảy ra ở địa bàn thành phố, 5 vụ cháy và 1 vụ nổ xảy ra ở địa bàn nông thôn; về nguyên nhân xảy ra cháy nổ: có 2 vụ cháy do sự cố thiết bị hệ thống điện, 3 vụ cháy do sơ xuất bất cẩn khi sử dụng lửa trần, 1 vụ nổ khí gas, 3 vụ cháy đang điều tra nguyên nhân; thiệt hại tài sản khoảng trên 120 triệu đồng. Điển hình: vào 2 giờ 43 phút ngày 14-1-2019, xảy ra 1 vụ cháy tại xưởng nhập mộc thuộc Công ty TNHH Nam Hải tại thôn Tân Lập, xã Yên Tiến (Ý Yên); nguyên nhân vụ cháy được xác định là do sơ xuất bất cẩn trong kiểm soát các loại nguồn nhiệt; thiệt hại khoảng 20 triệu đồng. Vào 22 giờ 5 phút ngày 18-2-2019, xảy ra 1 vụ cháy tại cơ sở Karaoke Diamond đường Đông A, Khu đô thị Hoà Vượng (TP Nam Định); lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã tổ chức cứu được 7 người mắc kẹt trên tầng 4 bị khói lửa đe dọa không tự thoát ra ngoài được; đồng thời dập tắt đám cháy; nguyên nhân của vụ cháy là do chập điện; thiệt hại khoảng 30 triệu đồng…

Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) diễn tập phương án chữa cháy
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) diễn tập phương án chữa cháy

 Trên thực tế cho thấy, hầu hết các vụ cháy xảy ra thời gian qua nguyên nhân chủ yếu do vi phạm các quy định an toàn trong sử dụng điện và nguồn nhiệt. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, các thiết bị điện đã cũ lại sử dụng quá tải dễ dẫn đến chạm chập. Nhiều gia đình chủ quan khi đi vắng không kiểm tra và ngắt các thiết bị sử dụng điện dẫn đến xảy ra cháy gây thiệt hại không nhỏ về vật chất. Ở một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hệ thống điện thường bị sử dụng quá tải do trong quá trình sản xuất có sự gia tăng các thiết bị tiêu thụ điện công với sự sơ ý không kiểm tra, ngắt các thiết bị điện khi bị mất điện, đến khi có điện trở lại dễ dẫn đến chạm, chập gây cháy nổ…Từ những vụ cháy xảy ra cũng cảnh báo nguy cơ cháy, nổ luôn tiềm ẩn nên vấn đề phòng chống cháy, nổ cần phải đặt lên hàng đầu cho tất cả các hộ gia đình, các đơn vị sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế những sự cố đáng tiếc.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy nhằm hạn chế các vụ cháy, nổ xảy ra, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) cùng các địa phương, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao ý thức, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và người dân. Trong đó đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; hướng dẫn các kiến thức, biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát nạn; các nguyên nhân gây ra cháy, nổ và cảnh báo hậu quả do cháy, nổ gây ra. Qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ sở, người dân về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Cùng với công tác tuyên truyền phòng ngừa, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã triển khai tích cực, đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa cháy nổ đồng thời quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy. Đến nay đã thành lập, kiện toàn, củng cố được 2.786 đội dân phòng, với 21.274 đội viên; 100% các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ đã thành lập đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, đồng thời hướng dẫn kiện toàn 73 đội phòng cháy chữa cháy cơ sở, với  2.925 đội viên. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã  phối hợp tổ chức 2 lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho 120 đội viên đội dân phòng và 68 lớp cho 4.879 đội viên đội phòng cháy chữa cháy cơ sở. Bên cạnh đó đơn vị đã trực tiếp và hướng dẫn Công an các huyện, thành phố thường xuyên tổ chức công tác điều tra cơ bản, chấn chỉnh công tác quản lý địa bàn, cơ sở về phòng cháy chữa cháy, nắm chắc tình hình quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp; việc xây dựng mới, cải tạo, chuyển đổi mục đích sử dụng các kho, xưởng sản xuất, công trình của các cơ quan, doanh nghiệp và đặc điểm, tình hình của cơ sở có liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những thiếu sót, sai phạm về an toàn cháy, nổ. Ngoài việc kiểm tra định kỳ, đột xuất, Công an tỉnh còn phối hợp với các ngành hữu quan kiểm tra theo chuyên đề, chuyên ngành như: Dệt may, xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, chợ, Trung tâm thương mại, siêu thị, nhà cao tầng, khu tập trung đông dân cư…Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại 672 lượt cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy, hộ có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ gia đình có nhà cho thuê trọ. Qua kiểm tra đã phát hiện 831 sơ hở, thiếu sót về an toàn phòng cháy chữa cháy và hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp các biện pháp khắc phục ngay; đồng thời, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 37 trường hợp, phạt gần 240 triệu đồng…Do triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành chức năng nên công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Số vụ cháy nổ xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2019 giảm 21 vụ so với cùng kỳ năm ngoái; không có thiệt hại về người.

Hiện nay, thời tiết đang trong giữa những đợt cao điểm nắng nóng kéo dài, là thời điểm rất dễ xảy ra cháy, nổ và thường gia tăng các vụ cháy lớn, rất dễ gây cháy lan. Bởi vậy các cơ quan, doanh nghiệp và các hộ dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm túc các quy định, biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra cháy nổ. Thường xuyên kiểm tra, thay thế các đường dây điện đã cũ nát, chắp vá; nâng cấp hệ thống đường dây với chất lượng tốt. Đặc biệt giám sát, quản lý chặt chẽ các nguồn lửa, nguồn nhiệt, tuân thủ đúng quy trình an toàn trong sử dụng điện, xăng dầu, gas đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn nhiệt và các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, đảm bảo khoảng cách chống cháy lan. Đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh một trong những biện pháp cần thiết nhằm kiềm chế và giảm thiệt hại do cháy nổ là cần thường xuyên kiểm tra toàn bộ hệ thống điện, nguồn nước và lượng nước dự trữ phục vụ chữa cháy ở cơ sở; rà soát phân loại và bố trí sắp xếp, bảo quản hàng hóa, thiết bị bảo đảm khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, lắp đặt hệ thống tưới nước làm mát  làm mát hệ thống nhà xưởng sản xuất và kho chứa hàng hóa, nguyên liệu, làm bằng khung thép mái tôn. Quan tâm đầu tư kinh phí trang bị phương tiện chữa cháy hiện đại có khả năng xử lý sự cố cháy nổ ngay từ ban đầu góp phần hạn chế cháy lan, cháy lớn đồng thời lắp đặt đầy đủ hệ thống báo cháy, chữa cháy ở từng bộ phận cơ sở theo quy định, thường xuyên tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy, phát hiện những sơ hở, thiếu sót để có giải pháp khắc phục kịp thời không để xảy ra sự cố đáng tiếc nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra./.

Bài và ảnh: Thu Thủy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com