Báo Nam Định được thành lập từ những năm 1960, qua gần 60 năm xây dựng và phát triển, tờ báo luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức, trở thành công cụ tuyên truyền sắc bén, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đóng góp xứng đáng trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Để làm nên thành công của một tờ báo, ngoài sự định hướng, chỉ đạo của Ban Biên tập, để tờ báo đến tay bạn đọc kịp thời, hàng ngày ngoài sự lăn lộn say mê của đội ngũ phóng viên còn có một “ê kíp” đảm nhận những công việc thầm lặng sau hậu trường. Đó là đội ngũ biên tập viên, kỹ thuật viên ở Phòng Thư ký Tòa soạn, những người làm công việc “bếp núc” phía sau của một tờ báo.
Cán bộ Phòng Thư ký Tòa soạn (Báo Nam Định) rà soát lỗi trên bản bông. |
Năm 1992, chị Vũ Thị Hoan về nhận công tác ở Báo Nam Định (lúc đó là Báo Nam Hà) với nhiệm vụ đánh máy chữ. Chị kể, “thời điểm đó, các phương tiện để làm báo còn rất thô sơ, lạc hậu. Cả phòng Thư ký Tòa soạn chỉ có mình tôi là nhân viên đánh máy chữ. Báo 1 tuần ra 2 số, tôi vừa đọc, vừa đánh máy, vừa soát lỗi”. Trên 20 năm gắn bó với tờ báo, chị Hoan chuyển qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ đánh máy chữ, đọc sang lỗi, đọc đối chiếu, đánh vi tính, mi trang... Ở vị trí nào, khi làm việc chị đều rất cẩn trọng, tập trung cao độ. Tuy vậy, cũng có lúc chị gặp “tai nạn” nghề nghiệp. Đó là những lần nhầm lẫn về địa danh, số liệu, tên đất, tên người, để mất chữ, mất dấu… Những lần như thế, chị cùng các đồng nghiệp trong phòng lại nhắc nhở nhau, rút ra bài học kinh nghiệm để mỗi ngày, sản phẩm đến tay bạn đọc đúng, trúng và hấp dẫn hơn. Từ một chiếc máy chữ thô sơ ban đầu, năm 1996, cơ quan Báo được đầu tư thêm một số máy tính, trang thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin vào các công đoạn làm báo, công việc của chị Hoan cũng như nhiều người ở Phòng Thư ký Tòa soạn “nhàn” hơn. Việc tìm kiếm tin tức trong nước và quốc tế nhờ có internet cũng đã dễ dàng. Chưa kể các công đoạn in ấn được đơn giản hóa cũng giảm tải công việc của chị đi đáng kể nhưng vẫn có nhiều ngày cả ê kíp phải làm muộn do chờ tin tức buổi chiều. Vất vả nhất là khi Phòng Thư ký Tòa soạn làm các số báo Tết hay khi diễn ra các sự kiện trọng đại. “Chúng tôi căng mình cùng tờ báo, tăng ca làm đêm, mong muốn mang đến độc giả những thông tin “nóng”, phản ánh một cách đa chiều hơi thở cuộc sống”, chị Hoan nói. Chị vẫn nhớ như in những ngày cả phòng làm sự kiện Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần VII, năm 2014 được tổ chức tại tỉnh ta. Nếu công việc của nhóm phóng viên phụ trách làm tin các trận đấu kết thúc lúc 10h đêm thì công việc của Phòng Thư ký Tòa soạn phải kết thúc sau đó vài tiếng đồng hồ. Khi công việc kết thúc cũng là lúc đồng hồ báo đã chuyển sang một ngày mới. Tuy mệt mỏi nhưng niềm vui đối với chị và biết bao đồng nghiệp là những trang báo buổi sáng đến với độc giả kịp thời, thông tin nóng hổi, hình thức bắt mắt, hài hòa.
Có người ví von họa sĩ trình bày với công việc “bếp núc”, phải biết thổi hồn vào từng “món ăn”, thật cẩn thận, chăm chút, bày biện tinh tế đến từng chi tiết, theo anh Trần Phi Long, họa sĩ trình bày Báo Nam Định điều này hoàn toàn đúng. Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, báo điện tử, báo mạng, truyền hình lên ngôi, báo in buộc phải có những đổi mới về nội dung, sáng tạo về hình thức để thu hút người đọc. Do đó, việc trình bày sao cho tờ báo “bắt mắt” hết sức quan trọng, đòi hỏi người họa sĩ có “gu”, hiểu biết nhất định. Anh Long chia sẻ: “Mỗi khi bắt tay vào trình bày một số báo, việc đầu tiên của tôi là định hình xem sẽ “cất đặt” các bài viết, tin tức, ảnh… như thế nào cho hợp lý. Tôi cũng thường xuyên tham khảo thêm một số trang báo đẹp có nội dung tương tự được đánh giá cao để học tập, xem lại các số báo trước mình đã làm để khắc phục những chỗ thiếu sót, chưa ưng ý”. Trên 10 năm gắn bó với công việc trình bày báo, từ lúc nào đã hình thành cho anh sự say mê, gắn bó và rất nhiều kỷ niệm đẹp. Để phục vụ cho báo xuất bản đúng kỳ, anh cũng như bao đồng nghiệp trong phòng làm việc không kể thời gian, nhất là các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị hay các ấn phẩm đặc biệt. Chưa kể, trong nhiều trường hợp người làm trình bày còn phải biết “chữa cháy” khi bị đổ bài, hụt trang… Công việc trình bày báo cũng đòi hỏi anh phải liên tục nghiên cứu, cập nhật những phông chữ mới, cách trình bày hiện đại phù hợp với xu hướng nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu khắt khe của báo chí, nhất là một tờ báo Đảng. “So với nhiều năm trước, việc trình bày báo in nay đã khác xưa. Đôi lúc tưởng chừng như nhẹ nhàng hơn, nhưng thực ra, chỉ cần một sai sót nhỏ về kỹ thuật hay máy móc bỗng dưng bị trục trặc, mạng bị “đơ” là cả tòa soạn lo đứng lo ngồi”, anh Long cho biết. Bắt đầu làm báo từ khi các phương tiện kỹ thuật còn khá thô sơ, thậm chí “thủ công”, để đến bây giờ, khi tờ báo đã phát triển vượt bậc, anh Long cảm thấy tự hào vì đã góp một phần công sức nhỏ bé cho tờ báo.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, bạn đọc có nhiều kênh lựa chọn trong tiếp nhận thông tin đòi hỏi tờ báo Đảng phải trở thành một kênh thông tin chính thống quan trọng giúp định hướng tư tưởng cho các tầng lớp nhân dân. Do đó, yêu cầu nhiệm vụ đối với đội ngũ phóng viên, thư ký tòa soạn, biên tập viên… ngày càng cao. Mỗi ngày, biên tập viên phải xử lý khối lượng lớn tin, bài của các phòng phóng viên, cộng tác viên để tổng hợp, phân loại rồi biên tập, lên trang đảm bảo chính xác, đáp ứng tính thời sự. Công việc này trước hết đòi hỏi sự cẩn trọng và khả năng kiểm soát tốt; có kiến thức vững chắc về mọi mặt đời sống xã hội, nhãn quan chính trị rõ ràng, tâm huyết nghề nghiệp, khả năng ngôn ngữ chuẩn mực, biết phân tích số liệu. Khi phát hiện những số liệu “có vấn đề”, người biên tập và những người đọc bản bông cuối cùng phải có sự liên tưởng, so sánh, khâu nối các tin, bài liên quan để xử lý kịp thời. Làm việc tại Phòng Thư ký Tòa soạn trên 18 năm, chị Trần Phương Trâm, Phó phòng phụ trách phòng dường như đã quá quen với nhịp công việc đó. “Có những con số chúng tôi phải đặt bút cộng, trừ, nhân, chia, gọi điện cho tác giả nhiều lần để xác minh, thậm chí là liên hệ với những cán bộ phụ trách lĩnh vực tại các cơ quan, đơn vị để có được số liệu chính xác. Lâu thành quen, chúng tôi trở thành những người nhạy cảm với từng con số. Mỗi dấu phẩy, dấu chấm, mỗi chữ, mỗi câu đều phải đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi sửa để vừa đảm bảo chính xác, vừa không ảnh hưởng đến văn phong của tác giả”, chị Trâm cho biết.
Báo chí là sản phẩm của tập thể, ở đó, phóng viên, biên tập viên chịu trách nhiệm về nội dung; họa sĩ trình bày; kỹ thuật viên lên trang; mo-rát soát lỗi, chuyển Ban Biên tập kiểm duyệt trước khi xuất bản. Những năm qua, Báo Nam Định đã có sự đột phá về nội dung lẫn hình thức, được bạn đọc quan tâm đón nhận là công sức chung của cả tập thể, trong đó có những người không bao giờ có tên trên mặt báo.
Cũng có người cho rằng, công việc của bộ phận tòa soạn nhàn nhã, “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Tuy nhiên, đối với họ, công việc hàng ngày là một chuỗi không tên trong guồng quay bận rộn. Và hạnh phúc đối với những người làm báo ấy, đôi khi cũng rất đơn giản, có những ngày được về sớm hơn đôi chút, là khi tờ báo xuất bản không mắc lỗi sai sót nào dù là nhỏ nhất. Đó cũng chính là chất xúc tác giúp mỗi người làm báo vững tâm trên con đường đã chọn./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân