“Năm 1961, khu tập thể 3 tầng nhà số 6, đường Trần Huy Liệu, phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) được xây dựng trong thời điểm “huy hoàng” của ngành Dệt Thành Nam. Vợ chồng tôi khi đó được phân một căn hộ rộng 16m2. Đã 55 năm qua, chúng tôi vẫn sống trong căn hộ đó, từng ngày chứng kiến sự xuống cấp của khu tập thể. Buổi sáng mở mắt là có thể nhìn thấy sắt thép “lộ thiên” trên trần của một “cơ thể” đã từng rất khỏe mạnh, chúng tôi rất lo sợ”. Bà Nguyễn Thị Quýt, tập thể 3 tầng nhà số 6 cho biết.
Tại khu tập thể 3 tầng, nhà số 6, 9h30 sáng, chúng tôi gửi xe, hỏi thăm những người bán hàng nước ở dưới chân rồi leo bộ qua 2 tầng cầu thang. Từ chân cầu thang tầng 1, chúng tôi phải dừng lại chút ít để cho mắt quen dần với bóng tối. Tiếp tục leo bộ lên tầng 2, chúng tôi nhận thấy khóa cửa sắt từ đầu cầu thang nối vào các căn hộ đang đóng im ỉm. Một dãy nhà tối mù mù, không đèn đóm. Cả dãy hành lang dài hun hút không một bóng người lại qua. Hơi “hoang mang”, tôi thận trọng đi lên tầng 3. Đầu hành lang, tôi gặp bà Quýt đang ngồi rán đậu. Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bà kể: “Nhà tôi 3 đời đều là công nhân Dệt. Các khu tập thể quanh đây hầu như đều do Nhà máy Dệt xây dựng cho công nhân nhà máy. Khu nhà của chúng tôi, trước đây rất đông đúc, ồn ào. Ngày 2 buổi sáng, chiều trẻ con nô nghịch ầm ĩ, công nhân tan ca đi về nườm nượp, nhưng càng về sau lại càng ít người ở”. Như để minh chứng cho lời kể của mình, bà Quýt bắt đầu “điểm danh” các hộ gia đình có người “thường xuyên” sinh sống ở trong khu. Mỗi tầng trong khu tập thể đều có 16 hộ gia đình sinh sống. Hiện tầng 1 còn nguyên 16 hộ sinh hoạt, cả tầng 2 hiện không còn hộ gia đình nào ở, tầng 3 chỉ còn 4 gia đình với vỏn vẹn 8 người. Ngoài khu tập thể 3 tầng nhà số 6, khảo sát tại các khu tập thể 3 tầng các số 2, 3, 4, 5 đường Trần Huy Liệu chúng tôi cũng thấy tình trạng tương tự. Khu tập thể 3 tầng số 5 được Nhà máy Dệt xây dựng vào năm 1970, tính đến nay đã tròn 46 năm. Được xây dựng với kết cấu giống nhà số 6, khu tập thể số 5 cũng có 48 căn hộ chia làm 3 tầng, mỗi tầng 16 căn. Tuy nhiên, có lẽ vì xây sau nhà số 6 nên nhìn bên ngoài, nhà số 5 đỡ xuống cấp hơn. Có thể vì lý do đó, nhà số 5 vẫn còn nhiều người sinh sống hơn nhà số 6. Tuy nhiên, ngay khi bước chân vào tầng 1 và 2, chúng tôi quan sát thấy khá nhiều căn hộ được đầu tư hệ thống cửa sắt với khóa cửa rất chắc chắn và… có dấu hiệu đóng cửa từ lâu. Bà Đỗ Thị Minh Hảo, tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Năng Tĩnh (TP Nam Định) hiện đang sinh sống tại tầng 2 của khu tập thể cho biết: “Đây là những gia đình đã chuyển đi hoặc không thường xuyên về nhà. Lý do chuyển đi thì có nhiều, nhà cửa quá chật chội, xuống cấp, điều kiện kinh tế khó khăn phải “tha phương cầu thực”. May mắn hơn thì có các trường hợp kinh tế khá giả hơn một chút, mua được nhà chuyển ra ngoài cho đỡ chật chội, bí bức”. Cũng theo thống kê của bà Hảo, tầng 1 của khu tập thể nhà số 5 hiện 16 hộ vẫn ở đầy đủ, tầng 2 chỉ còn 6 hộ, tầng 3 có 7 hộ gia đình sinh sống. “Năm 1979 khi tôi chuyển cùng bố mẹ vào khu tập thể 5 tầng số 2, đường Trần Đăng Ninh theo diện “ăn theo” thì đã thấy có khá nhiều hộ gia đình đang sinh sống. Ở khu tập thể này đa phần cũng đều là công nhân Nhà máy Dệt. Gia đình tôi khi đó được phân căn hộ 19m
2 cho 4 người ở”. Bà Tống Thị Nguyên, chủ căn hộ 19m
2, tầng 2 khu tập thể 5 tầng chia sẻ. Cũng giống như ở nhiều khu tập thể cũ nát khác, người dân sống ở đây đang dần tìm cách rời khỏi nơi ngụ cư của mình, mặc dù đối với họ những căn hộ trên là nơi gắn bó bao thế hệ của những người thợ dệt. Sâu xa hơn, những khu tập thể này còn là “chứng nhân” một thời huy hoàng của đất Dệt Thành Nam.
|
Xây dựng từ năm 1970 nhiều căn hộ của các gia đình tại khu chung cư 3 tầng nhà số 5, phường Trần Đăng Ninh (TP Nam Định) đã xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. |
Tại sao người dân sống trong những khu nhà tập thể cũ phải tìm mọi cách “chạy” khỏi nơi sinh sống của mình? Lý do bởi cơ sở vật chất, nhà cửa những nơi này đang xuống cấp nghiêm trọng, có những nơi đặc biệt nghiêm trọng. Chật chội, tối tăm, nguy cơ mất an toàn khiến họ đang phải “sống trong sợ hãi” tại chính ngôi nhà của mình. “Sợ nhất là khi mưa bão xảy ra, trần nhà cứ rung lên bần bật. Rồi bao nhiêu nước mưa cứ thế ngấm từ tầng 3 xuống trần các tầng gây mục nát nhà và tường. Trong nhà đã vậy các khu vệ sinh chung còn kinh khủng hơn. Rất nhiều lần chúng tôi đang nấu ăn, tắm giặt đều bị các mảng vôi vữa rơi trúng người”, bà Quýt cho biết. Tại nhà số 5, bà Hảo dẫn chúng tôi đi thăm một loạt các căn hộ xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng trong khu tập thể. Tại những căn hộ này hầu hết tường và trần nhà đều trong tình trạng “lở loét”, bong tróc nặng. Tuy nhiên, so với những căn hộ trên thì nhà của chị Nguyễn Thị Đức Xúy, tầng 2, khu tập thể 3 tầng nhà số 5 còn cám cảnh hơn bởi độ chật chội, cũ nát. Do hoàn cảnh kinh tế quá nghèo, chị Xúy hiện chỉ đủ tiền mua nửa gian nhà với diện tích trên 8m
2 cho 4 người sinh sống. Tại khu tập thể 3 tầng số 13, đường Trần Huy Liệu, một chủ nhà cho chúng tôi biết thêm: “Đã lâu rồi chúng tôi không dám ăn cua, giã ruốc. Bởi vì khi giã, sàn nhà rung khiến vôi vữa trên tường theo đó mà… rụng xuống”. Để đối phó với tình trạng nhà ở xuống cấp nghiêm trọng, hầu hết các hộ gia đình sống trong các khu tập thể cũ đều tìm cách sửa sang, chắp vá. “Tính ra, một năm tôi phải sửa nhà không dưới 3 lần. Nhẹ thì mua miếng bạt về che chắn, nặng thì thuê người đến đóng trần, trát vữa, gia cố thép. Tuy nhiên, do đây là những khu nhà đã xuống cấp và nếu sửa thì đòi hỏi phải sửa “đồng bộ” từ trên xuống dưới, trong khi không phải nhà ai cũng có điều kiện. Do đó, việc sửa sang, chắp vá chả khác gì “muối bỏ biển”. Chính vì vậy, nhiều khi chán chúng tôi vẫn để mặc kệ, ở được đến bao giờ thì ở”, bà Lê Thị Oanh, nhà số 6 chia sẻ thêm. Không chỉ nhà cửa chật chội, xuống cấp, mà hệ thống nhà vệ sinh trong những khu tập thể cũ thực sự đang làm “khó” cho các hộ gia đình. Khu tập thể 3 tầng nhà số 6 mỗi tầng được bố trí 2 nhà tắm, 2 nhà vệ sinh với tổng diện tích khoảng 15m
2. “Trước đây khi còn đông đúc, mỗi lúc tắm giặt, vệ sinh chúng tôi đều phải xếp hàng. Giờ ít người hơn, không phải xếp hàng nữa nhưng khi đi tắm, vệ sinh chúng tôi lại phải “đề phòng” vôi vữa rơi vào đầu. Do nhà được xây từ lâu với thiết kế đường ống nhỏ nên hiện tại hệ thống nhà vệ sinh của chúng tôi bị tắc đường ống liên tục”, bà Quýt bộc bạch.
Sống trong những căn hộ nhỏ xíu, xuống cấp nghiêm trọng, thực tế này đang làm tăng nguy cơ mất an toàn tại các khu tập thể cũ. Liệu với sự xuống cấp như vậy, khi mùa mưa bão đến gần, những ngôi nhà cũ nát kia còn “chịu trận” được bao lâu. Vì vậy, nguyện vọng tha thiết của hàng nghìn người dân sống ở đây là mong muốn các cấp chính quyền của thành phố, tỉnh có những giải pháp giúp họ giải quyết tình trạng nhà ở mất an toàn hiện tại để người dân không còn phải chịu cảnh nơm nớp lo nhà sập, gạch rơi, lo mùa mưa bão./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hoa Xuân