Thành Nam xưa nổi tiếng cả nước với 40 phố cổ được bắt đầu bằng các tên “Hàng”. Trải qua biến thiên lịch sử, tên phố nơi còn, nơi mất, nơi bị đổi tên. Cùng với nhịp sống đô thị hóa, dân cư trong các phố cổ ngày càng đông đúc. Vì thế, cuộc sống sinh hoạt của đa phần dân phố cổ khá chật chội, bất tiện. Gắn bó đời người với những ngôi nhà cổ có khi đến vài thế hệ sinh sống nhưng hầu như dân phố cổ đều mong muốn được chuyển đến những căn nhà rộng rãi hơn.
Bi, hài chuyện sinh hoạt ở phố cổ
Chúng tôi hỏi thăm đến số nhà 72 phố Hàng Đồng mà loay hoay mãi vẫn chưa vào được bên trong ngõ. Đang xoay sở để vào con ngõ “siêu nhỏ” này thì bác Nam chủ nhà ngó ra bảo. “Ngõ này nhỏ lắm, cháu lên xe mà đi chứ dắt xe thì khó đi lắm”. Định hình lại cho quen với bóng tối trong ngõ, chúng tôi ngồi hỏi chuyện bác. “Tôi sống ở ngõ này đã 40 năm rồi. Ngõ có 5 hộ gia đình ở, từ xưa đến nay đã chịu cảnh chật chội”. Sự chật chội ở nhà bác Nam có thể cho chúng tôi những “hình dung” rất rõ nét khi ngắm nhìn đồ đạc trong nhà. Mọi thứ đồ được bày biện đều “nho nhỏ, xinh xinh”, giường nhỏ, bàn ghế nhỏ, đồ dùng trong bếp cũng nhỏ. “Nhà chật, nếu mua sắm những thứ đồ dùng lớn quá thì không hợp, để vào đâu, hơn nữa rất khó khiêng, mang vác vào nhà. Nhiều khi có tiền cũng chả dám sắm những vật dụng lớn”, bác Nam cười chia sẻ. Quan sát thêm chỗ nấu ăn, chúng tôi càng có thêm những hình dung về không gian sống của người phố cổ. Đồ đạc trong nhà bếp được sắp xếp hết sức “tinh giản”, hầu như mọi thứ đều xếp tầng lên nhau, “cho nó đỡ chật cháu ạ”, bác Nam lại cười. “Những thứ như giường, tủ, bàn ghế tháo dời được thì không sao nhưng khổ nhất là khi mua bồn chứa nước. Mỗi khi gia đình nào mua bồn chứa nước dù là loại nhỏ nhất thì cũng phải nhờ những gia đình ở tầng trên tiếp giáp với mặt phố dùng dây thừng kéo bồn đựng nước từ dưới đường lên”, bác Nam nói. 14m
2 nhà chứa 2 đến 3 người ở, đương nhiên không gian sinh hoạt của những người dân phố cổ “khó” có cách thu xếp nào khác. Rời nhà bác Nam chúng tôi đến ngõ số 16, nơi “đông dân cư nhất” của phố Hàng Đồng. Ngõ 16 hiện có 9 hộ gia đình sinh sống (trong đó 2 hộ ở ngoài mặt đường, 7 hộ còn lại sinh hoạt chung trong cùng 1 khu vực). Nhà rộng nhất trong ngõ là nhà của anh Nhân với diện tích khoảng 30m
2 là chỗ ở của 1 gia đình 5 người. Các hộ gia đình còn lại có diện tích khoảng 20m
2. “Chúng tôi như thế này là rộng chán so với những hộ gia đình khác sinh sống trong các khu phố cổ. Đặc biệt so với các phố Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hoàng Văn Thụ…, diện tích nhà chúng tôi đã là “thiên đường”. Một số nhà ở các phố trên diện tích chỉ vào khoảng 10-15 m
2/hộ, rất khó khăn về chỗ ở. Nhà tôi rộng 20m
2 với 3 người ở nhưng may mắn hơn là bếp được bố trí riêng nên điều kiện sinh hoạt cũng không đến nỗi nào”, bác Lê Thị Miên, số nhà 16 chia sẻ. Phố Hàng Đồng hiện có 83 hộ gia đình với 277 nhân khẩu. Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố số 2, phố Hàng Đồng cho biết: “Diện tích nhà của các hộ gia đình trong phố dao động trong khoảng 20m
2 trở lại, có khá nhiều nhà chỉ rộng khoảng 14m
2. Mỗi hộ gia đình ít nhất có 2 người sinh sống, một số hộ lên tới 5, 6 người. Vì thế cảnh chật chội là không thể tránh khỏi”. Không được “may mắn” như nhiều hộ gia đình ở phố Hàng Đồng, ông Lê Hùng, phố Hàng Tiện chia sẻ: “30 năm nay, gia đình tôi từ 5 người ban đầu đã lên tới 7 rồi 8 người vẫn phải chung nhau ở trong cùng 1 căn nhà 20m
2. Không có tiền, chúng tôi đến việc sửa chữa nhà cũng gặp khó khăn chứ chưa nói đến việc mua nhà đi chỗ khác. Để “cơi nới”, 5 năm trước, cả nhà chung tay lập gác xép lấy chỗ cho con cháu học hành, nghỉ ngơi. Nhưng giải pháp tình thế này vẫn không giải quyết được “vấn nạn” chỗ ở cho cả gia đình 3 thế hệ. Người già muốn yên tĩnh nghỉ ngơi cũng khó, trong khi các cặp vợ chồng trẻ không có không gian sinh hoạt riêng tư”.
|
Người dân số nhà 16, phố Hàng Đồng (TP Nam Định) sinh hoạt trong khu sân chung. |
Mong muốn được… di dân
Gắn bó trên dưới 40 năm với phố cổ, với ngôi nhà “hương hỏa” đông cũng như hè luôn phải bật điện nhưng bác Nam, ông Hùng bảo, chỉ muốn được… di dân. Bởi chật chội quá, bất tiện quá. Theo khảo sát của chúng tôi, hầu như tại nhiều phố cổ, các hộ gia đình đang phải đối mặt với tình trạng nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng. Theo ông Nguyên, phố Hàng Đồng hiện có ít nhất 4 số nhà đang bị xuống cấp trầm trọng. “Các số nhà 25 được xây dựng từ năm 1925, số nhà 38 được xây dựng từ năm 1950, số nhà 11 xây năm 1938, số nhà 72 cũng phải được xây dựng từ những năm chống Pháp là những nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó số nhà 11 và 72 xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng. Mái ngói cũ kỹ không đủ sức che mưa nắng, sàn gỗ mục nát, tường nứt, bong tróc”… ông Nguyên cho biết thêm. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, hầu hết các hộ gia đình tại các số nhà trên đều ít hoặc không có khả năng sửa chữa, gia cố nhà cửa. Ngoài ra, người dân phố cổ còn có nhiều nỗi khổ khác như việc phải dùng chung nhà vệ sinh, khu nấu ăn, sân phơi. Trung bình 1 ngõ phố sẽ có khoảng 4-5 hộ gia đình ở. Tuy nhiên họ chỉ có khoảng 2 nhà tắm, 2 nhà vệ sinh chung. Vì vậy, tình trạng “quá tải” là không thể tránh khỏi. Chưa kể đến nhiều ngõ phố, nhà vệ sinh lại ở khá xa khu gia đình gây khó khăn cho người già, trẻ nhỏ. Đơn cử như ngõ số 25 Hàng Đồng, các hộ gia đình trong ngõ phải đi mất 30m mới đến được khu nhà vệ sinh chung. Sinh hoạt chung trong những sân chung vừa có mặt tích cực nhưng cũng có mặt tiêu cực. “Nếu như hòa thuận thì tình làng nghĩa xóm khá khăng khít. Tuy nhiên cũng từ không gian chung này, nhiều chuyện không vui, cãi nhau, thậm chí đánh nhau đã xảy ra vì những chuyện như nhóm một cái bếp lò, sử dụng nhà tắm, nhà vệ sinh chung. Nếu có một không gian riêng, rộng rãi thì điều này không thể xảy ra”, bác Miên, nhà số 16, Hàng Đồng cho biết. Sống trong phố cổ, nhiều gia đình còn “sợ” khi nhà có việc ma chay, hiếu hỉ. Khi đó, họ rất khó “xoay sở” một không gian để tổ chức. Và một trong những nỗi khổ chung của người dân tại nhiều phố cổ là tình trạng ngập “cục bộ” trong sân nhà vào mùa mưa bão. Mặc dù ngoài phố nước đã rút nhưng do hệ thống đường ống cũ kỹ, dân số đông nên sân chung của họ nước vẫn bị ứ, ngập… “Chúng tôi mong muốn, thành phố, UBND tỉnh sớm có những quyết sách nhằm giải quyết tình trạng nhà ở cho dân cư tại các phố cổ. Có thể bằng các cách như: hỗ trợ một phần kinh phí để chúng tôi gia cố, sửa chữa nhà cửa; bố trí xây những khu nhà mới cho chúng tôi vay mua theo hình thức giá rẻ hoặc cho trả góp”, bác Miên tha thiết. “Ngoài ra, với những nhà cổ thuộc diện bảo tồn, chúng tôi cũng đề nghị các cấp chính quyền có biện pháp cải tạo, tu sửa hợp lý, vừa để đảm bảo sinh hoạt cho người dân, vừa có thể giúp bảo tồn các di tích văn hóa một cách hiệu quả”, ông Nguyên nói thêm.
Bên cạnh dáng dấp của một thành phố hiện đại đang hằng ngày đổi thay lên xứng tầm vị trí trung tâm Nam đồng bằng sông Hồng, trong lòng thành phố chúng ta hôm nay vẫn giữ được nhiều nét đẹp, kiến trúc văn hóa từ lâu đời, trong đó có các phố cổ, nét văn hóa đặc trưng riêng có của người dân Thành Nam. Duy trì, bảo tồn và phát triển, trong đó, yếu tố quan trọng bậc nhất là đảm bảo đời sống, điều kiện sống của dân cư trong khu vực này vẫn phải là ưu tiên số 1. Vì vậy, rất mong các cấp, ngành chung tay vào cuộc để người dân phố cổ sớm được giải quyết những nhu cầu chính đáng của họ, góp phần xây dựng thành phố văn minh, giàu đẹp./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hoa Xuân