Từ hơn trăm năm trước, chính xác là vào năm 1908, làng Phạm Pháo thuộc xã Hải Minh (Hải Hậu) đã có đội kèn đồng (thường gọi là đội kèn Tây). Đặc biệt hơn nữa, làng Phạm Pháo còn có những “bác sĩ” kèn đồng, là những nông dân chưa hề qua các trường lớp đào tạo về nhạc lý, nhạc cụ nhưng có thể sửa chữa và đúc các loại kèn đồng có trong dàn nhạc của nhà thờ như: sắc-xô-phôn, kèn co, trôm-pét, kèn bát, kèn tru-ba, trôm-pôn, cla-ri-nét hay cả loại kèn “đại” như hê-lê-gông…
Thành nghề từ chiếc mâm đồng
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đông, năm nay vừa bước sang tuổi 61, người có trên 50 năm làm và sửa kèn đồng cho biết: Năm 1908, giáo xứ Trại Đáy, làng Phạm Pháo thành lập đội kèn đồng để phục vụ các sinh hoạt tôn giáo. Thời ấy, đội kèn đồng chỉ có các loại kèn phổ biến như: trôm-pét, sắc-xô-phôn… và toàn bộ được nhà thờ nhập nguyên chiếc từ Pháp sang nên thường gọi là đội kèn Tây. Được người dân hưởng ứng, rất nhanh, tiếng kèn đồng trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu ở Hải Minh. Hầu như tất cả thanh niên Công giáo ở xã Hải Minh khi tròn 16 tuổi đều đi học nhạc kèn. Vừa phục vụ sinh hoạt tôn giáo, lại đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của người dân nên mọi người trong làng đều rất thích kèn đồng. Hằng ngày, sau khi hoàn thành các công việc nhà, đội kèn lại tập trung để học nhạc lý và các bản nhạc khác nhau. Do chỉ có 1 bộ, lại sử dụng liên tục, thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm bảo quản, những chiếc kèn đồng của đội kèn hay bị hỏng hóc do va đập, mất linh kiện; pháo bị rão làm âm thanh không chuẩn… Thời ấy, phần lớn những chiếc kèn đồng bị mắc các “bệnh” trên đều bị bỏ xó, không dùng được nhà thờ lại phải mua kèn mới, vừa tốn kém, sinh hoạt nhạc kèn cũng bị gián đoạn vì phải chờ nhạc cụ mới. Ai ngờ chính những chiếc kèn hỏng ấy lại có “cơ duyên” tạo nên danh tiếng “bác sĩ” kèn đồng cho cụ Nguyễn Văn Biên, bố ông Đông. Đầu năm 1950, ở giáo họ Trại Đáy có mấy chiếc kèn đồng quý được gửi từ nước ngoài về, dùng nhiều bị mòn thủng vài lỗ nhỏ bằng chiếc cúc bấm phải bỏ xó. Tiếc những chiếc kèn quý, cụ Biên lúc đó đã là nhạc công “cứng” trong đội kèn bèn nhận về sửa. Lúc đầu lúng túng cũng chẳng biết phải vá lỗ thủng bằng cách nào vì nguyên liệu đồng miếng kiếm rất khó. Trong nhà có vài vật dụng bằng đồng nhưng là đồ dùng hàng ngày, khó tìm mua đồ thay thế nên cụ trăn trở lắm. Rồi tình yêu và niềm đam mê với cây kèn đã thắng! Một hôm nhân lúc cụ bà đi chợ, cụ Biên lôi chiếc mâm đồng ra, cắt phéng lấy một mẩu bằng hai ngón tay, sang hàng xóm xin ít hàn the của bà cụ nấu bánh đúc về nhóm bễ tự hàn. Thành công! Vết hàn tuy không được đẹp lắm nhưng dù sao chiếc kèn cũng kín được gió, thổi thấy âm thanh giữ hơi hơn, thể hiện được chính xác những âm độ thăng, trầm của người chơi. Thừa thắng, cụ Biên mày mò tháo rời những chiếc kèn hỏng còn lại, tìm tòi nguyên nhân và kỳ cục chữa. Mò mẫm mãi, bao lần tháo ra lắp vào rồi cũng thành công! Cụ Biên chính thức bén duyên với nghề “bác sĩ” kèn đồng. Bắt đầu chỉ là vá những lỗ thủng, sau là sửa chữa, thay thế một vài linh kiện bị mất, rồi đến gò lại ống loa, làm lại pháo… Dần dần, cụ Biên đã gò, đúc thành công những chiếc kèn đồng đầu tiên.
|
Sửa chữa các loại kèn đồng tại cơ sở của ông Nguyễn Văn Đông, xóm 10, Tân Tiến, xã Hải Minh. |
Những “bác sĩ” kèn đồng
Ban đầu, cụ Biên chỉ làm “bác sĩ” sửa chữa các loại kèn đồng của đội kèn trong xã. Dần dần, tay nghề được nâng lên. Tiếng lành đồn xa! Quanh huyện Hải Hậu nhà thờ nào cũng có đội nhạc kèn, người ở khắp vùng mang kèn đến nhờ sửa và mua kèn mới. Cụ Biên mở xưởng và huy động thêm 3 người con trai Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Phương phụ giúp, rồi thành nghề nghiệp cho con cái. Ngày ấy, vì chưa có điện nên toàn bộ các công đoạn sửa chữa, thay thế, sản xuất đều phải làm thủ công bằng tay. Nhớ lại thời ấy, ông Đông kể xen chút tự hào: Trong các công đoạn làm kèn đồng, khó khăn nhất là gò loa kèn và chế tác bộ pháo. Từ lá đồng phẳng, người thợ kèn lắp vào một dụng cụ hình tròn, dài khoảng 50cm, làm bằng gỗ gọi là cần. Sau đó, dùng búa nhỏ (thường gọi là búa cuốc) gõ đều từng nhát một. Người thợ phải rất cẩn thận, tỉ mỉ để thành hình cái loa kèn với đường kính khoảng 20cm. Tài hoa của người thợ kèn Hải Minh được thể hiện trên những chiếc loa kèn trôm-pét, cla-ri-ông với đầy đủ viền loa, tròn đều và được khắc hoa văn trang trí cầu kỳ. Bên cạnh việc gò loa, chế tác quả pháo là khâu đòi hỏi khắt khe nhất. Quả pháo và bộ pháo là trung tâm của chiếc kèn, là một trong những bộ phận quyết định chất lượng âm thanh của cả cây kèn nên ngoài yếu tố chính xác, tỉ mỉ của đôi tay còn yêu cầu người thợ phải có kiến thức nhất định và nhất là đôi tai “thẩm âm” tốt. Thường khi chế tác quả pháo phải dùng các loại khoan dây, khoan quay tay loại của Ba Lan sản xuất. Vì thế, mỗi cây kèn phải mất hàng tháng trời mới xong. Và cả xã cũng chỉ có cụ Biên và 3 con trai chuyên nhận sửa và làm kèn đồng. Từ khi xã Hải Minh có điện lưới quốc gia, nhiều công đoạn sản xuất, sửa chữa thủ công trước đây đã được các loại máy móc hiện đại trợ giúp như: máy tiện, máy doa, máy khoan, máy đánh bóng nên “tiến độ” và chất lượng sản phẩm không thua kém gì hàng nhập ngoại. Bây giờ, việc mua một chiếc kèn mới không quá khó khăn, song với người chơi kèn ở địa phương, mỗi chiếc kèn có sự gắn bó tình cảm nhất định, người chơi đã quen và hiểu rõ đặc tính cây kèn, không dễ thay thế. Vậy nên, nghề sửa chữa kèn đồng của cụ Biên, nay truyền cho các con trai vẫn ngày càng phát triển. Ngày nay, toàn xã có 5 xưởng sửa chữa kèn đồng lớn, trong đó có đến 3 xưởng là của các con, cháu cụ Biên. Nhờ đó, danh tiếng “kèn đồng Phạm Pháo” đã trở thành thương hiệu, có uy tín không chỉ trong giáo họ, giáo xứ, trong huyện, trong tỉnh mà còn được khắp trong Nam ngoài Bắc tín nhiệm. Gần 50 năm theo nghề, niềm tự hào nhất của ông Đông và các em là thừa hưởng được nghề gia truyền và theo đúng lời các cụ dạy “nhất nghệ tinh”, được mệnh danh là những “bác sĩ” kèn đồng. Từ những chiếc kèn trôm-pét, cla-ri-ông phổ biến, thông dụng đến những loại kèn đồng lớn, cầu kỳ với hàng trăm chi tiết, bộ phận như: hê-lê-gông, tru-ba, trôm-pôn… đã được sản xuất, sửa chữa thành công ở Hải Minh với chất lượng, tinh xảo không kém các sản phẩm ngoại nhập.
Tiếp nối truyền thống gia đình, nhiều thành viên thuộc thế hệ thứ ba của các ông Đông, Cường, Phương cũng tiếp tục theo nghề, gắn bó với những chiếc kèn đồng. Đồng chí Hoàng Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Minh cho biết, nghề sản xuất, sửa chữa kèn đồng ở làng Phạm Pháo đã tạo việc làm ổn định cho 50-60 lao động thường xuyên với mức thu nhập rất cao, từ 300-500 nghìn đồng/người/ngày./.
Bài và ảnh:
Thành Trung