Nhọc nhằn tằm tang

10:04, 15/04/2016

Có lẽ xuất phát từ việc Thiên Trường trong trấn Sơn Nam hạ xưa được xây dựng trở thành kinh đô thứ hai sau kinh thành Thăng Long thời Trần đã kéo theo nhiều ngành nghề thủ công phát triển với độ tinh xảo cao để cung cấp hàng hóa, sản phẩm cho cung đình, vua quan… nên tỉnh ta có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Trong đó nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ truyền thống, sản phẩm đã có uy tín trên thị trường như: làng Đại An, xã Nam Thắng (Nam Trực); làng Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh)… Con tằm, cái kén, lá dâu, tất cả đều có vẻ thơ mộng, sạch sẽ, ấy nhưng tằm tang lại là nghề nhọc nhằn vất vả “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Bù lại đây là nghề một vốn, bốn lời “nuôi lợn cả năm không bằng nuôi tằm một vụ”…

Nghề “ăn cơm đứng”

Có vùng bãi bồi màu mỡ, quanh năm được bồi đắp bởi phù sa của sông Hồng, nghề trồng dâu, nuôi tằm của thôn Đại An, xã Nam Thắng (Nam Trực) đã có lịch sử hình thành hàng trăm năm. Thời thịnh vượng nhất của nghề tằm tang ở đây là cuối những năm 1980. Khi đó, trong các thôn, xóm hầu như nhà nào cũng làm nghề. Tại các hộ gia đình, từ nhà xuống bếp chỗ nào cũng có tằm, đi lại phải len qua những giàn nong tằm. Hằng tháng, người dân lại chở kén, tơ lên Nhà máy Dệt lụa Nam Định, hoặc chở sang huyện Vũ Thư (Thái Bình) bán. Tuy nhiên đến cuối những năm 1990, do biến động của nền kinh tế, nghề nuôi tằm ở đây cũng dần mai một. Những năm gần đây, khi thị trường tơ tằm sôi động trở lại, giá tơ, giá kén ổn định hơn, nhiều hộ dân đã quay lại với nghề. Thôn Đại An có 10 xóm thì cả 10 xóm có nghề nuôi tằm, mỗi xóm có 50-60 hộ tham gia. Nghề trồng dâu, nuôi tằm đòi hỏi sự chăm chút chu đáo của người nuôi, được ví như nhà nuôi “con mọn” nên chỉ gia đình nào thường xuyên có lao động ở nhà mới làm được nghề này. Trong đó, chăm tằm đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ, kỹ thuật cao để quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm tơ, kén, hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm.

Nuôi tằm tại gia đình ông Trần Quang Điều, thôn Duyên Hải, xã Tân Thịnh (Nam Trực).
Nuôi tằm tại gia đình ông Trần Quang Điều, thôn Duyên Hải,
xã Tân Thịnh (Nam Trực).

Vụ tằm bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 11 (âm lịch); vòng đời của con tằm ngắn, chỉ khoảng 20-21 ngày nên mỗi vụ thường nuôi được 8-10 lứa tằm. Ông Bùi Quang Thuấn, xóm 4, với kinh nghiệm hơn 30 năm nuôi tằm cho biết: Vòng đời của con tằm từ khi trứng nở đến lúc chín thành kén trải qua 4 giấc ngủ. Con tằm cứ ăn liên tục 3 ngày đêm thì ngủ một ngày đêm trong 3 giấc ngủ đầu. Đến giấc ngủ cuối cùng, tằm ăn liên tục trong khoảng 6-7 ngày rồi chín thành kén. Kinh nghiệm của người nuôi tằm cho rằng, để tằm nhả tơ, đóng kén đều thì thường phải đảm bảo hai giờ cho tằm ăn một lần sau khi đã hết các thời kỳ ngủ và phải ăn đúng giờ, nên người nuôi phải canh (theo dõi) con tằm rất kỹ, bởi thế nên phải “ăn đứng” (vừa ăn vừa canh nong tằm). Đây là thời gian bận rộn, nhọc nhằn nhất đối với các hộ chăn tằm. Một khâu không kém phần quan trọng đó là khi tằm chín vàng, được bắt lên né đóng kén phải thật nhanh tay để giữ “sức khỏe” cho tằm, tránh khỏi cay mắt. Ngoài ra, khâu cuối cùng để có sản phẩm đạt chất lượng là khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải “hong nắng” và “sấy” sao cho kén khô, thơm, để khi ươm kén không bị tan, cho sợi tơ vàng óng. Trồng dâu - nuôi tằm là sự gắn kết hài hòa, không thể tách rời, tằm chỉ ăn lá dâu và chỉ loại lá ấy mới giúp tằm nhả sợi tơ vàng óng, mềm mại, mát rượi. Cây dâu cho thu hoạch ổn định từ 15-20 năm liên tục, nếu chăm sóc tốt có thể đạt đến 30 năm mới phải trồng lại. Hằng năm, sau khi thu hoạch lứa tằm cuối, cây dâu được chặt sát gốc, chăm bón bằng các loại phân đạm, phân chuồng để qua Tết bắt đầu nảy mầm, cho lá. Lá dâu phải sạch, không được trồng gần ruộng trồng thuốc lào, ớt hay cây trồng khác mà có hơi mùi hoặc bị nhiễm các loại hóa chất bảo vệ thực vật là lá dâu ấy không đảm bảo chất lượng tằm ăn phải sẽ hỏng. Hiện nay, ngoài loại kén vàng truyền thống, người dân nơi đây còn nuôi thêm loại tằm cho kén trắng với giống nhập từ Trung Quốc. Một vòng tằm kén vàng cho khoảng 12-15kg kén; tằm kén trắng năng suất cao hơn, thường đạt từ 15-20kg. Với giá bán bình quân từ 80-120 nghìn đồng/kg kén, mỗi vòng tằm cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng. Nhờ nghề nuôi tằm, mỗi hộ với bình quân từ 2-3 lao động có thu nhập từ 80-120 triệu đồng trong một vụ tằm 10 tháng. Kén tằm hiện được thương lái về tận nơi thu mua.

Gian nan giữ nghề

Hiện nay, nghề trồng dâu, nuôi tằm còn ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Nông trường Rạng Đông (Nghĩa Hưng) có diện tích trồng dâu, nuôi tằm khoảng trên 10ha, năng suất bình quân đạt 2 tấn kén/ha; xã Xuân Hồng (Xuân Trường) còn vài chục hộ nuôi tằm tập trung ở khu vực thôn Hồng Thiện. Khoảng 5-7 năm gần đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã phát triển sang thôn Duyên Hải, xã Tân Thịnh (Nam Trực), thu hút gần 100 hộ dân tham gia với diện tích khoảng 20ha trồng dâu… Riêng xã Phương Định (Trực Ninh) ngoài nghề trồng dâu - nuôi tằm còn có nghề ươm tơ truyền thống. Toàn xã hiện có khoảng 20ha dâu với khoảng 350 hộ nuôi tằm. Ngoài ra, thôn Cổ Chất có 230 bếp ươm tơ và gần chục hộ đầu tư máy xe tơ cao cấp xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Thái Lan… Bình quân, cứ 10kg kén cho 7 lạng tơ, 6-7kg nhộng và hơn 2kg xơ. Các phụ phẩm của kén như: nhộng tằm, xơ tơ cũng mang lại nguồn thu nhập nhất định cho các hộ trong thôn. Nghề ươm tơ ở thôn Cổ Chất không chỉ tạo việc làm cho 250 lao động chính với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng mà còn thu hút hàng trăm lao động phụ cho các công việc quay tơ, chọn kén, phân loại nhộng… Ngoài ra, thôn Cổ Chất còn có 10 hộ đầu tư dàn máy xe tơ tạo việc làm ổn định cho khoảng 10-15 lao động/hộ. Là nghề truyền thống, tạo việc làm ổn định và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn nhưng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ truyền thống của tỉnh ta đang gặp khó khăn. Diện tích đất trồng dâu của nhiều địa phương có nghề đang giảm mạnh. Từ khoảng 60-70ha trồng dâu nhưng hiện xã Phương Định chỉ còn khoảng 20ha, sản lượng kén tằm chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của nghề ươm tơ Cổ Chất. Để duy trì ổn định nguồn kén tằm nguyên liệu, nhiều hộ ươm tơ ở Cổ Chất phải nhập kén từ Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Yên Bái… nên chi phí sản xuất tăng cao, thu nhập giảm… Nuôi tằm vất vả, ươm tơ cũng không kém phần nặng nhọc. Nhọc nhằn nhất là công đoạn luộc kén, người làm nghề phải liên tục khỏa nước trong các nồi luộc kén, nhiệt độ cao, hơi than từ bếp và các nồi luộc bốc lên nghi ngút. Chưa kể không khí luôn ẩm hơi nước và mùi của nhộng tằm. Bên cạnh đó, người trồng dâu - nuôi tằm ở nhiều địa phương không chủ động được đầu ra sản phẩm; giá kén lên, xuống rất thất thường. Do xuất kén trực tiếp cho thương lái nên thường bị ép cấp (chất lượng) tơ, làm giá. Do không có những khu trồng dâu riêng, cây dâu cũng hay phải đối mặt với những dịch bệnh như dịch sâu xanh ăn lá, ảnh hưởng đến năng suất hoặc chất lượng lá ở những ruộng gần khu sản xuất các loại cây khác. Rồi những ảnh hưởng thời tiết lên cả dâu và tằm. Trồng dâu, nuôi tằm đòi hỏi nhiều nhân lực mà không phải gia đình nào trong thôn cũng có thể đáp ứng được...

Để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ truyền thống phù hợp với định hướng kinh tế địa phương và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của người dân, các địa phương cần quy hoạch các vùng trồng dâu thích hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của từng vùng để có nguyên liệu ổn định; hỗ trợ người nuôi tằm, trồng dâu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới để phát triển nghề; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở ươm tơ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá mẫu mã sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com