Hết mình với công việc thiện nguyện

09:04, 08/04/2016

“Sao cô lại đối tốt với tôi thế? -  Tôi đã nhận được khá nhiều cuộc điện thoại, lời cảm ơn từ những con người xa lạ được tôi giúp, khi nhiều cũng chỉ vài triệu đồng, ít thì suất quà nho nhỏ dăm trăm nghìn đồng. Người nghèo thì còn nhiều lắm, cuộc đời này, tôi có may mắn hơn họ, có điều kiện hơn họ nên việc tìm đến những số phận không may ấy, đối với tôi cũng là việc đương nhiên. Nó giống như nhìn thấy một người khác khổ hơn mình mà không quay đầu giúp đỡ, không đến bên họ sẽ cảm thấy khó chịu, bứt rứt không yên”, chị Đào Thị Hương Giang, số nhà 31C/623 đường Trường Chinh (TP Nam Định) chia sẻ với chúng tôi về những công việc thiện nguyện mà chị lặng lẽ theo đuổi suốt 6, 7 năm nay.

Nghiệp duyên
 
Quãng 6, 7 năm trước, chị Giang vốn là một người kinh doanh tự do bắt đầu quan tâm đến việc làm từ thiện. Vì đơn giản, hằng ngày đi chợ, nhìn một cụ già nhếch nhác, khó nhọc lê la trên đường xin ăn nếu không dừng lại hỏi han vài câu, cho họ một cái gì đó chị không cảm thấy yên. Đã đi rồi lại vẫn phải quay lại. Chị Giang cho rằng đó là cái “duyên”, là nghiệp của chị. Thế là qua anh em, bạn bè, chị tìm những trường hợp khó khăn cần giúp đỡ, rồi tự mình đi xác minh hoàn cảnh cụ thể, rồi tự “vác tiền nhà” đến ủng hộ. Khi là một cụ già neo đơn không nơi nương tựa, khi thì một đứa trẻ bị tàn tật, có khi lại là đối tượng chính sách…, 3 năm trở lại đây, chị Giang làm quen với mạng xã hội facebook, cũng từ đây công việc thiện nguyện của chị thuận lợi hơn. Qua mạng xã hội chị biết được nhiều cảnh đời khó khăn hơn và cũng tìm được nhiều sự đồng cảm hơn. Từ đó có nhiều người tìm đến chị, cùng giúp sức cho chị trong công tác thiện nguyện. Thậm chí có những người từ tận Ca-na-đa, Úc, Mỹ… cũng gửi tiền về thông qua chị để giúp đỡ những hoàn cảnh thiệt thòi. Được tiếp thêm động lực, chị Giang miệt mài đi và đến với những địa chỉ khác nhau tại nhiều tỉnh, thành phố để san sẻ, làm vợi bớt những nhọc nhằn đang nặng đè lên cuộc đời khốn khó. Trên hành trình đến với nghiệp duyên đời mình, chị Giang không thiếu những lần phải khóc, như trường hợp em Trịnh Hữu Danh, thôn Đắc Thắng Hạ, xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) bị liệt toàn thân từ ngày bé. Danh không nói được, chỉ ú ớ vài câu ra hiệu. Gia đình em quá nghèo, chật vật chạy từng bữa ăn. Mẹ Danh chỉ mong muốn có được chiếc xe lăn để thỉnh thoảng cả nhà đưa em lên xe đi “hóng gió”, được nhìn thấy mây trời, cây cối, đồng ruộng. Nhưng cơm còn khó, thuốc men ốm đau cũng chỉ dám mua dè sẻn, nói gì đến việc sắm một chiếc xe lăn cho Danh. Và chị Giang cùng với nhiều những tấm lòng thảo thơm, ấm áp khác đã giúp ước mơ của gia đình Danh thành hiện thực. Xuống thăm em, ngoài quà, chị Giang dành tặng Danh một chiếc xe lăn mới. Chỉ ú ớ nhưng Danh đã rơi nước mắt khi được ngồi lên chính chiếc xe giúp em ra khỏi chiếc giường chật hẹp, kết nối với đời sống. Chị Giang cũng đã khóc cùng với Danh. Và không chỉ có Danh, riêng từ năm 2015 đến nay đã có vài chục trường hợp được chị tìm đến giúp đỡ, ủng hộ vật chất lẫn tinh thần. “Chỉ tính riêng xe lăn, tôi đã vận động quyên góp tặng xe được cho 6-7 trường hợp. Đối với những trường hợp tặng quà cho trẻ em khuyết tật, người già neo đơn, đối tượng nhiễm chất độc da cam thì… tôi không nhớ hết. Bởi cứ có hoàn cảnh nào cần đến sự giúp đỡ là chúng tôi lên đường. Kêu gọi được bao nhiêu, chúng tôi đi bấy nhiêu. Tuy nhiên, mỗi chuyến đi như thế chưa bao giờ dưới vài chục triệu đồng”, chị Giang cho biết thêm. Và như thế, những chuyến đi dài của chị nối khắp nhiều tỉnh, thành phố như Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang…
Từ năm 2015 đến nay, chị Đào Thị Hương Giang, số nhà 31C/623 đường Trường Chinh (TP Nam Định) đã quyên góp, tặng quà cho hàng trăm lượt người nghèo, người già, trẻ em tàn tật, đối tượng chính sách… trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ năm 2015 đến nay, chị Đào Thị Hương Giang, số nhà 31C/623 đường Trường Chinh (TP Nam Định) đã quyên góp, tặng quà cho hàng trăm lượt người nghèo, người già, trẻ em tàn tật, đối tượng chính sách… trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
"Sao cô tốt với chúng tôi thế?" 
 
Cụ Nguyễn Thị Năm, số nhà 36/49 ngõ An Phong (TP Nam Định) năm nay đã 75 tuổi. Cụ không có chồng con, sống tạm bợ trong căn nhà nhỏ, đơn sơ đến mức… hầu như không thấy đồ đạc gì ngoài cái giường, vài ba cái bát, đôi đũa. Hằng tháng, cụ mong chờ lúc được gặp chị Giang, không phải chỉ để nhận từ chị gạo, mỳ tôm, một chút tiền trong khoảng 300-500 nghìn đồng. Cụ mong gặp chị Giang, ngồi gần chị để trò chuyện, tâm tình, kể lể những ngày cụ đau ốm, những lúc cụ khỏe hơn có thể đi lại trong nhà. Cụ thích được chị cầm tay, bóp vai khi ngồi nói chuyện. “Cảnh già, tôi có ăn được bao nhiêu, cũng chả sống được mấy nữa. Tôi cô đơn cả đời nhưng giờ tôi thấy có chút ấm áp. Bởi tình người, tình đời mà những người xa lạ mang lại suốt hơn 1 năm trời nay, cô ấy mang theo hơi ấm đến với ngôi nhà tềnh toàng này. Họ tốt với tôi quá”, cụ Năm chia sẻ. Trần Văn Hoạt, xã Tân An, huyện Thanh Hà (Hải Dương) lại quen biết chị Giang qua facebook. Qua vài người bạn chung tàn tật giới thiệu, Hoạt tình cờ biết được những việc mà chị Giang đang làm. Hoạt chủ động xin kết bạn với chị Giang. Từ đó, 2 chị em thường xuyên tâm sự, sẻ chia vui buồn trong cuộc sống. Hoạt xin chị Giang hỗ trợ xe lăn giúp em thuận tiện việc đi lại. Không ngần ngại, chị Giang đăng trường hợp của Hoạt lên facebook. Nhiều người chung tay, chị Giang bắt xe khách đi Hải Dương mang theo xe lăn, quà về thăm Hoạt. Lần đầu đi Hải Dương, chị Giang một mình loay hoay gần ngày trời với nào xe nào quà tìm đến nhà Hoạt. Chiều tối, hàng xóm quây quần tụ tập tại nhà Hoạt, mừng cho em từ nay có “phương tiện đi lại”. Nhiều người hỏi, sao cô tốt thế? Từ xa xôi đến, không ngại, không sợ điều gì sao? Chị Giang cười, có gì mà phải ngại, phải sợ. Làm việc tốt, chả có gì phải ngần ngại.
 
Mùa đông năm 2015 là một mùa đông khắc nghiệt. Hằng ngày đi làm chị Giang chứng kiến rất nhiều những người dân lao động đang khổ sở chống chọi với cái rét buốt da cắt thịt. Cả những bệnh nhân tâm thần mặc chưa đủ ấm. Gần Tết, chị nghĩ đến việc mua thêm quần áo ấm tặng cho những người lao động nghèo, những bác xích lô bươn chải đêm hôm, những “cửu vạn” đứng đầy khắp các chợ người, những bệnh nhân tâm thần... Chị đi tận nơi đưa quần áo ấm cho họ. Mùa đông có áo khoác dày, mùa hè, mùa thu có bảo hộ lao động, áo bệnh nhân... “Họ ấm thì mình cũng thấy ấm. Họ rưng rưng nhận bộ quần áo mới tinh từ tay mình mà mình cũng cảm thấy ấm áp từ bên trong”, chị Giang sẻ chia thành thực. 
 
Bận rộn với 2 con nhỏ, công việc kinh doanh nhưng mỗi khi có địa chỉ cần được sự giúp đỡ, chị Giang lại thu xếp công việc để đi. “Biết việc làm của mình nhiều người tin tưởng, ủng hộ lắm. Họ gửi tiền, quà về nhờ mình chuyển đến những trường hợp cụ thể. Còn hầu như những việc còn lại mình phải tự thu xếp”. Mua quà như thế nào, mua thứ gì cần cho người tặng, đi tặng như thế nào... chị tự mình tính toán.
“Thường tôi đi một mình. Hầu như từ trong bán kính 10 cây số trở lên đều toàn tự đi. Bởi không phải ai cũng có thời gian để đi cùng mình. Họ ủng hộ đã là đáng quý lắm rồi”, chị Giang nói. Nhiều khi nhìn thấy mình vất vả, ngược xuôi quá, chồng cũng lo lắng bảo, hay là làm ít thôi. Nhưng sau mỗi chuyến đi thấy vợ về nhà thoải mái, vui vẻ nhìn cảnh nhiều người khó khăn, người nghèo, người già được giúp đỡ, được tặng quà lại động viên tôi: “không phải ai cũng có thể làm được việc này, em cố gắng lên vậy”. Và “Tôi sẽ còn làm công việc yêu thích nhất này cho đến khi tôi không thể làm được nữa. Bởi, người nghèo thì còn nhiều và sự đùm bọc, tương trợ thì bao giờ cũng cần. Tôi nghĩ đơn giản, cuộc đời cho đi sẽ nhận lại được và làm người tốt thì thanh thản hơn”, chị Giang đúc kết.
 
“Nếu em biết hoàn cảnh nào cần sự giúp đỡ hãy nói ngay với chị. Đối với nhiều người, điều này chưa hẳn đã là lớn lao nhưng đối với một ai đó nó có thể thay đổi được cả thế giới của họ. Ít nhất là giúp họ có những lạc quan trong thế giới này…”, chị Giang xúc động. Và chúng tôi mong rằng, chị sẽ thật khỏe mạnh, thật nhiều yêu thương hơn nữa để làm những việc mà đôi khi vì còn vướng suy nghĩ thiệt hơn, vì còn mải mê tính toán, vì còn vô vàn những lý do khác nữa…, chúng ta chưa kịp làm./.
 
Nguyễn Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com