Chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính

08:03, 01/03/2016

Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, công tác cải cách hành chính (CCHC) được xác định là một trong những giải pháp quan trọng tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2015, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tham gia của các ngành, các cấp và các địa phương, công tác CCHC của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hoá nền hành chính Nhà nước…, tạo thuận lợi cho các tổ chức, công dân trong giao dịch hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước, xây dựng hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong sạch vững mạnh.

Cán bộ phường Nguyễn Du (TP Nam Định) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân tại bộ phận “một cửa”.
Cán bộ phường Nguyễn Du (TP Nam Định) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ nhân dân tại bộ phận “một cửa”.

Thực hiện Kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2015, Sở Nội vụ đã làm tốt công tác hướng dẫn các cấp, các ngành tiến hành CCHC theo yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn; gắn công tác tuyên truyền, triển khai nhiệm vụ với việc thanh tra, kiểm tra trên từng lĩnh vực để nắm bắt tình hình thực tế việc tổ chức thực hiện công vụ và CCHC tại các đơn vị. Năm 2015,  Sở Nội vụ tổ chức thực hiện thanh tra tại 6 đơn vị, kiểm tra công tác CCHC tại 10 huyện, thành phố và 6 sở, ban, ngành; kiểm tra 100% các cơ quan, đơn vị về công tác tư pháp, thông tin tuyên truyền và công tác áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008... Qua kiểm tra cho thấy, công tác CCHC đã đi vào nền nếp trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận ở cả việc rà soát thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Hiện tại cả 17 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 10 huyện, thành phố và 229 xã, phường, thị trấn, 100% thủ tục hành chính được các ngành, các cấp thực hiện theo cơ chế “một cửa”; các lĩnh vực đăng ký kinh doanh và tư pháp có liên quan yếu tố nước ngoài và một số thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai đã được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Thành phố Nam Định, huyện Nam Trực thực hiện mô hình một cửa hiện đại. Sở KH và ĐT đã áp dụng hình thức đăng ký kinh doanh trực tuyến và cấp giấy chứng nhận đầu tư, thay đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước được triển khai hiệu quả thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành công việc; triển khai dịch vụ hành chính công, áp dụng ISO trong hoạt động của cơ quan hành chính. Đến thời điểm này, 100% cơ quan, đơn vị đã khai thác, sử dụng mạng LAN, phần mềm ISO online và phần mềm quản lý văn bản để quản lý và điều hành công việc. Đã triển khai 14 dịch vụ công mức độ 3 tại 3 đơn vị là: Sở KH và ĐT, Sở Y tế, Sở TT và TT và hệ thống truyền hình trực tuyến với 12 đầu cầu, gồm: Tỉnh ủy, UBND tỉnh và 9 huyện, thành phố phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh. Tổ chức tốt việc vận hành và khai thác hiệu quả Cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. 100% cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử; 90% công chức đã được cấp hộp thư điện tử “namdinh.gov.vn”. Quy trình ISO 9001:2008 được áp dụng trong hoạt động của 43 sở, ban, ngành, chi cục và UBND cấp huyện và thường xuyên duy trì, cải tiến. Công tác  xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tập trung cải cách theo hướng tổ chức sắp xếp, kiện toàn, đảm bảo theo quy định; cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước; từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Trong năm 2015, toàn tỉnh có 125 cán bộ được cử đi học cao cấp lý luận chính trị; 657 cán bộ học trung cấp lý luận chính trị; 1.149 lượt cán bộ được tập huấn các lớp chuyên viên chính, chức danh lãnh đạo cấp phòng và công tác Hội Phụ nữ... Đội ngũ cán bộ, công chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã có sự chuyển biến về năng lực lãnh đạo quản lý, năng lực công tác, kỹ năng làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được phân công. Kết quả đạt được trong công tác CCHC đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 với những chỉ tiêu quan trọng như: Tổng sản phẩm GRDP (theo giá so sánh 1994) ước đạt 18.166 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2014, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) ước đạt 39 triệu đồng. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 5.219 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2014. Tổng giá trị sản xuất công ước đạt 27.570 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2014. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,3% so với năm 2014. Thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả khá, đặc biệt là trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 42 dự án đầu tư mới và điều chỉnh 16 dự án với tổng vốn đăng ký là 8.706,1 tỷ đồng và 162,25 triệu USD…

Tuy nhiên công tác CCHC ở tỉnh ta vẫn còn một số tồn tại: Hoạt động CCHC chưa có tính đột phá, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết quả một số chỉ tiêu còn thấp so với mục tiêu, kế hoạch CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2015 và lợi thế tiềm năng của tỉnh. Đối với cấp huyện còn chưa coi trọng việc thực hiện kiểm tra công tác CCHC; bố trí đủ diện tích phòng làm việc theo quy định; nâng cấp hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 và chưa thực hiện thường xuyên việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận văn bản điện tử và phần mềm quản lý văn bản. Đối với cấp xã, chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính đã công bố; công khai minh bạch thủ tục hành chính, phí, lệ phí, đường dây nóng và thiếu nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác CCHC. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác CCHC, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong công tác CCHC. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC nhằm nâng cao nhận thức về CCHC của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thường xuyên kiểm tra CCHC, thanh tra công vụ; phân định rõ trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện tốt sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức với cơ cấu và số lượng hợp lý; đổi mới công tác thi tuyển cạnh tranh trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; hoàn thiện tiêu chí cụ thể đánh giá Chỉ số CCHC, khen thưởng đối với những tập thể và cá nhân làm tốt và kỷ luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật. Có như vậy công tác CCHC mới thực sự phát huy hiệu quả, trở thành đòn bẩy đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com