Trong những năm gần đây, việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đổi mới cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả cao, nông sản hàng hóa ngày càng nhiều, góp phần phát triển kinh tế địa phương, cải thiện đời sống của nông dân. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này thì mọi nỗ lực trong sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều vô nghĩa khi nếu sản phẩm nông nghiệp không được tiêu thụ với đúng giá trị của nó.
Chật vật tiêu thụ nông sản
Sau nhiều năm nỗ lực đầu tư toàn diện cho phát triển nông nghiệp, đến nay trung bình mỗi năm, sản lượng lúa toàn tỉnh đạt trên 930 nghìn tấn, 450 nghìn tấn rau, củ các loại; 140 nghìn tấn thịt hơi, 4.000 tấn thịt trâu, bò, 16 nghìn tấn thịt gia cầm, trên 110 nghìn tấn thủy, hải sản… Trong đó có nhiều nông sản nổi tiếng như: Gạo tám xoan, dự hương, nếp cái hoa vàng, ngao Giao Thủy, cá trắm đen, tôm thẻ chân trắng… Bên cạnh đó còn có hơn 300 cơ sở chế biến thủy, hải sản và hàng nghìn cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm với những sản phẩm đặc trưng như nước mắm và các sản phẩm dạng mắm của các làng nghề nước mắm Ngọc Lâm, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng); Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy), Thị trấn Cồn (Hải Hậu); sứa, cá khô ở Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), Giao Hải (Giao Thủy) và Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu)… Khối lượng sản phẩm nông sản lớn, đa dạng về chủng loại nhưng khâu tiêu thụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại có khoảng 60% sản lượng nông, thuỷ sản tiêu dùng trong tỉnh, còn lại được cung ứng cho thị trường trong nước và làm nguyên liệu chế biến. Việc tiêu thụ tự phát nhỏ lẻ, chủ yếu do người nông dân tự lo nên tình trạng tư thương ép giá, “được mùa mất giá, được giá mất mùa” diễn ra thường xuyên khiến thu nhập của người nông dân không tương xứng với lao động, tích lũy thấp. Đặc biệt với những nông sản mang tính mùa vụ, có thời gian lưu trữ ngắn như cây vụ đông thì tình trạng khó khăn trong tiêu thụ càng rõ nét. Năm 2015 một số sản phẩm cây vụ đông khi trồng đã hết sức vất vả do thời tiết bất lợi, đến khi bán lại rơi vào tình trạng “rớt giá” khiến người trồng lao đao. Từ nhiều năm nay khi phong trào trồng cây vụ đông trên đất hai lúa được khuyến khích, công tác nghiên cứu tìm kiếm giống khoai tây mới cho năng suất, chất lượng cao được chú trọng thực hiện giúp tăng hiệu quả kinh tế, đưa cây khoai tây trở thành cây vụ đông chủ lực trong tỉnh. Tuy nhiên khi phong trào trồng khoai tây phát triển mạnh cũng là lúc giá khoai tây thương phẩm trên thị trường liên tục hạ. Năm 2010, khoai tây có giá 7.000-9.000 đồng/kg bán ngay tại ruộng, thương lái còn phải tranh nhau. Tuy nhiên các vụ sau tỷ lệ nghịch với diện tích mở rộng, cứ mỗi vụ, giá khoai tây lại giảm 500-700 đồng/kg. Đến vụ đông năm 2015, ngay đầu vụ, khoai tây được thu mua tại ruộng với giá bình quân 3.000-3.500 đồng/kg, thấp hơn năm 2014 là 1.500 đồng/kg. Những củ khoai tây thật to, đẹp mới bán được 5.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Lan, Phó Phòng NN và PTNT huyện Nam Trực cho biết: là “vựa” khoai tây của tỉnh, năm nay, toàn huyện trồng khoảng 700ha khoai tây. Huyện đã có cơ chế khuyến khích người dân mở rộng diện tích và hỗ trợ nông dân thay thế hầu hết giống khoai tây KT3 của Trung Quốc bằng giống Solara (Đức) cho năng suất cao và chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên sau 3 tháng gieo trồng, chăm bón, với giá thu mua như hiện nay và nhiều khả năng còn tiếp tục giảm vào cuối vụ thì người nông dân không hề có lãi. Tình trạng này nếu cứ tiếp tục, vụ sau sẽ khó thuyết phục người dân mở rộng diện tích. Hiện tại nhiều hộ dân đã có kế hoạch tìm giống cây trồng mới cho vụ canh tác sau. Trong năm 2015, người chăn nuôi gà lông trắng, gà công nghiệp nuôi theo công thức của Cty Jafa (In-đô-nê-xi-a) cũng điêu đứng vì giá bán hạ, đầu ra cho sản phẩm khó khăn. Xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) được xem là một trong những nơi nuôi nhiều gà công nghiệp lông trắng. Lúc cao điểm toàn xã đã có khoảng 50 gia trại chuyên nuôi gà cung ứng gà thương phẩm cho thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình… Thu nhập từ chăn nuôi gà của các hộ dân đạt trên 13 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên từ năm 2011 đến nay, người nuôi gà đã bắt đầu có dấu hiệu thua lỗ do giá gà bấp bênh. Mỗi năm thường có một, hai đợt giá gà xuống thấp rồi lại tăng trở lại, thậm chí còn cao hơn mức trung bình khiến người nuôi phải chấp nhận lúc thắng lúc thua để giữ nghề. Đầu năm 2015 là thời điểm giá gà thịt xuống thấp dưới 30 nghìn đồng/kg, giảm 10 nghìn đồng/kg so với cùng thời điểm năm trước. Mức giá thấp, đầu ra bị co hẹp khiến người nuôi thua lỗ, nhiều trang trại đã phải chuyển sang nuôi gà lông màu, gà ta và gà đặc sản… Ông Đỗ Đức Việm, một chủ trang trại nuôi gà lớn của xã cho biết: Gà trắng nuôi theo quy trình khoảng 45 ngày/lứa, đây là giai đoạn phát triển nhất của con gà. Nếu quá thời điểm này mà chưa bán được, gà lưu lại trong chuồng càng lâu thì càng lỗ lớn bởi lúc này gà ăn nhiều nhưng không tăng trọng, hơn nữa chi phí thức ăn công nghiệp thì cao.
Nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) thu hoạch rau màu vụ đông. |
Rất nhiều loại nông sản của tỉnh nằm trong tình trạng bế tắc đầu ra và giá bán hạ như hai đối tượng nuôi, trồng trên khiến người sản xuất không yên tâm mạnh dạn đầu tư lớn, mà đành sản xuất cầm chừng hoặc không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo các chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là bài toàn khó cho cả cơ quản quản lý Nhà nước và người nông dân.
Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Trước thực trạng khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản, việc xác định rõ nguyên nhân và tìm kiếm các giải pháp khắc phục là việc làm cấp bách để nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp bền vững. Tại các hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản do các sở: Công thương, NN và PTNT tổ chức tháng 12-2015, đại diện các siêu thị BigC, Micom Plaza và một số đơn vị cung cấp thực phẩm cho các bếp ăn tập thể… cho biết, họ rất vất vả trong việc đi tìm nguồn cung cấp các mặt hàng thực phẩm bởi hầu hết nông sản trên địa bàn đều “thừa lượng, thiếu chất”, không đảm bảo cung cấp ổn định, lâu dài cho thị trường. Các loại nông sản hiện nay vẫn trong tình trạng phát triển sản xuất tự phát, chưa có quy hoạch, định hướng cụ thể, đặc biệt là hướng tiêu thụ mỗi khi mở rộng sản xuất một đối tượng nông sản nào đó. Siêu thị Micom Plaza đã từng đặt hàng cho các hộ dân ở vùng nuôi trong toàn tỉnh cung ứng khoảng 200 con cá chép loại trọng lượng 0,9-1kg/ngày, và đùi gà trắng loại 3 lạng/chiếc… để cung cấp cho các tiệc cưới, bếp ăn tập thể nhưng các chủ trại nuôi đều không đáp ứng được yêu cầu. Cũng tương tự như thế, người nuôi gà, người trồng rau ở các vùng rau an toàn đều không đáp ứng được tiêu chí về quy cách sản phẩm nên Cty phải liên kết với các doanh nghiệp ở Hà Nội nhập rau xanh, thịt gà, cá tươi… về cung ứng cho khách hàng. Tình trạng người sản xuất chưa tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của thị trường nên đổ xô đi sản xuất cái sẵn có, không sản xuất cái thị trường cần. Việc khoai tây tiêu thụ chậm, giá thấp có nguyên nhân cơ bản là sản phẩm chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước mà không xuất khẩu cũng như không đưa vào các nhà máy chế biến bởi nước ta mới sản xuất khoai tây được một vụ trong năm (trừ Đà Lạt) trong khi các nước xứ lạnh có thể sản xuất nhiều vụ với kích cỡ củ to, chất lượng tốt, ổn định nên các nhà máy chế biến thường nhập khoai tây ngoại để chế biến. Không những thế, ở thị trường trong nước khoai tây lại phải cạnh tranh với khoai tây Trung Quốc. Một hạn chế nữa là người nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng chạy theo lợi ích trước mắt, chưa chú trọng lợi ích lâu dài nên sản phẩm thường chưa đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng kháng sinh, chất cấm… vẫn còn. Các vùng rau an toàn trên địa bàn tỉnh hiện nay dù đã được quy hoạch, người dân đã bước đầu đầu tư, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất nhưng đến khi thu hoạch, xuất bán vẫn không nâng được giá so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Người trồng rau ở các xã Tân Thành, Thành Lợi (Vụ Bản); Yên Dương, Yên Hồng, Yên Nhân (Ý Yên); Nam Dương, Nam Giang, Nam Hùng (Nam Trực)… vẫn loanh quanh với việc tự sản tự tiêu nên không cạnh tranh nổi với hàng hóa của các địa phương khác và hàng ngoại nhập.
Trước thực trạng khó khăn về đầu ra cho nông sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành NN và PTNT, Công thương, KH và CN tìm giải pháp cùng nông dân tháo gỡ. Trong đó nhóm giải pháp quy hoạch vùng sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và xúc tiến thương mại, tổ chức giới thiệu các mặt hàng nông sản phẩm, thực phẩm làng nghề của tỉnh tại các hội chợ trong nước và quốc tế và hỗ trợ người dân liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với các thị trường tiềm năng như Hà Nội, Hải Phòng… đã được các ngành chức năng triển khai thực hiện. Trong năm 2015, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư vào sản xuất nông nghiệp của các tập đoàn lớn như Vingroup và đẩy mạnh hợp tác quốc tế với Nhật Bản, Ít-xra-en trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, các ngành chức năng cần tập trung vào giải quyết các vấn đề như quy hoạch hợp lý vùng sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất để thuận tiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa nâng cao năng suất. Hỗ trợ cho các làng nghề, các vùng sản xuất nông sản xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm đặc trưng để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm và dễ dàng truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, tình trạng cũng như địa điểm cung ứng sản phẩm. Đẩy mạnh sự liên kết bền chặt giữa người sản xuất, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành và tạo điều kiện để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, người dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh, tăng thu nhập của người nông dân trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất, bảo vệ thị trường trong khi hội nhập, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao. Đối với người nông dân cần chủ động nâng cao nhận thức về việc tuân thủ các quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại như VietGAP, ISO, HACCP…
Bài và ảnh: Nguyễn Hương