Tết sớm trên tuyến đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc

09:02, 03/02/2016

Chuẩn bị đón Tết Bính Thân, hơn 20 phóng viên của 19 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương trên toàn quốc được cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân do Đại tá Phạm Văn Quang, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy làm trưởng đoàn đi thăm, tặng quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo Trần, huyện Cô Tô và đảo Trà Bản, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Với người lính trên đảo, Tết luôn đến sớm hơn khi đón các đoàn công tác từ đất liền ra thăm mang theo tình cảm ấm áp từ quê nhà. Nơi tiền tiêu với muôn vàn khó khăn nhưng các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên tuyến đảo Đông Bắc Tổ quốc vẫn chắc tay súng, hoàn thành suất sắc nhiệm vụ được giao và tổ chức đón Tết, vui Xuân đầm ấm, vui tươi, thắm tình quân dân. 

Vững vàng tuyến đảo tiền tiêu
 
Nằm cách đất liền 45-100km, tuyến đảo Trần thuộc địa phận xã Thanh Lân, huyện Cô Tô; đảo Trà Bản, xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng cả về quân sự và kinh tế. Điều kiện tự nhiên trên các đảo này vô cùng khắc nghiệt: Hiếm khi nào vùng biển này lặng gió; mùa hè, đón sóng lớn do gió Nam thổi lại, vì thế bão biển ở đây có sức tàn phá lớn; mùa đông, đây là nơi đầu tiên hứng chịu những đợt gió mùa đông bắc “cắt da cắt thịt” tràn về, thuyền bè của ngư dân không thể cập bến vì sóng to, gió lớn. Trên đảo, địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao, vực sâu, quanh năm khan hiếm nước ngọt nên đất đai cằn cỗi. Trời nắng thì khô hạn nhưng hễ mưa là úng lụt, khiến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất gặp nhiều khó khăn… Địa hình khó khăn, thiên nhiên khắc nghiệt là vậy nhưng các cán bộ, chiến sĩ BĐBP, Hải quân và ngư dân vẫn ngày đêm bám trụ vừa chắc tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, vừa tăng gia sản xuất, cải tạo đất đai và là chỗ dựa vững chãi cho cộng đồng dân cư trên đảo. đảo Trần, đảo Trà Bản toàn núi cao nên mỗi khi lên đài quan sát, cán bộ, chiến sĩ của Trạm ra-đa phải hành quân vài cây số đường rừng với nhiều đoạn dốc lên đến 60 độ, nhiều chỗ cỏ dại cao ngang ngực, phải đu người vào rễ cây mới leo lên được. Ngoài độ cao, các chiến sĩ còn phải làm quen với cái lạnh “cắt da cắt thịt” và độ ẩm. Quanh năm mây mù ẩm ướt nên quần áo, chăn màn của các anh chẳng lúc nào khô; đốt điếu thuốc lá cho ấm cũng chỉ cháy được 1/3 là đã tắt… Vậy nhưng toàn bộ khí tài luôn được các anh bảo quản đúng quy trình, đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt. Mặc dù điều kiện khắc nghiệt ở các đảo, nhưng khi có mặt tại Trạm ra-đa trên đảo Trần, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước khung cảnh trù phú mang đậm hình ảnh của một làng quê Bắc Bộ với vườn rau, ao cá, chuồng nuôi lợn, gà, bò và cả những chú chó cún lũn cũn quấn chân mừng khách đến thăm nhà. Với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” các chiến sĩ trên đảo đã bền bỉ san đồi, bạt núi để đào ao giữ nước ngọt; mang từng viên gạch, bao xi măng từ đất liền ra để xây chuồng, trại tăng gia sản xuất. Rồi giống cây ăn quả, rau xanh được các chiến sĩ mang ra đảo sau mỗi kỳ nghỉ phép,... dần dà nơi đây đã thành một trang trại thu nhỏ. Đại úy Khúc Tài Học, Trưởng trạm cho biết: Nhiệm vụ của chúng tôi là phải luôn quan sát, kịp thời phát hiện khi có tàu nước ngoài xâm lấn hải phận thông báo cho các lực lượng chức năng ngăn cản hoặc kiểm tra những tàu hàng có dấu hiệu khả nghi vi phạm pháp luật như buôn lậu, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Năm nay, đón Tết Nguyên đán, đơn vị đã chủ động phương án, với tư tưởng đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và sẵn sàng chiến đấu cao. Các ca trực đều đảm bảo 100% quân số và trực 24/24h để góp phần bảo vệ sự bình yên tuyến biển. Đối với các chiến sĩ ở lại làm nhiệm vụ trên đảo, Trạm cũng tổ chức đón Giao thừa, giao lưu giữa các đơn vị... để các chiến sĩ vơi bớt nỗi nhớ nhà. Đặc biệt năm nay, sau khi được bàn giao nhiệm vụ bảo quản cột cờ Tổ quốc, trong lịch trình đón Tết, trạm sẽ tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ chào cờ Tổ quốc vào ngày đầu năm mới. Đây là niềm vinh dự, tự hào giúp các chiến sĩ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, các chiến sĩ Trạm ra-đa tổ chức đào ao nuôi cá, giữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, trồng rau, chăn nuôi lợn, gà, bò, ong mật… cùng nhiều loại cây trái, hoa quả khác để cải thiện điều kiện sinh hoạt, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung thực phẩm từ đất liền và quan trọng hơn là tạo không khí quê nhà nơi đóng quân, động viên tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, ngoài quà xuân của Bộ Quốc Phòng, Quân chủng Hải quân và Bộ Tư lệnh Vùng 1, trạm còn có sản phẩm tự tăng gia bổ sung vào thực đơn cho các chiến sĩ thêm sung túc và tặng các đơn vị bạn cùng đóng quân trên đảo. Mùa xuân đến sớm hơn trên tuyến đảo quê hương với đầy đủ mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, bánh, mứt, kẹo, kể cả quất, đào miền Bắc và mai vàng phương Nam… Trò chuyện cùng Thượng úy Trần Trung Kiên, nhân viên thông tin, quê xã Hải Châu, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã 6 năm đón Tết nơi đảo xa, anh cho biết: “Năm nào cũng vậy, chuyến tàu cuối năm ra đảo luôn được anh em háo hức mong chờ vì được cảm nhận hương vị Tết, nhận những món quà từ quê hương, từ đất liền, cán bộ, chiến sĩ luôn nhận thức được ý nghĩa thiêng liêng của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, sự bình yên biển, đảo Tổ quốc”. Tâm sự của Thượng úy Trần Trung Kiên là của chung các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ đảo xa. 
Đoàn cán bộ Vùng 1 Hải quân thăm, chúc Tết và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu tại đảo Trần.
Đoàn cán bộ Vùng 1 Hải quân thăm, chúc Tết và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu tại đảo Trần.
Đón Tết Bính Thân 2016, cán bộ, chiến sĩ trên đảo còn có thêm nhiều niềm vui mới bởi từ khi Chính phủ quyết định đưa đảo Trần trở thành “đảo thanh niên” thứ 6 trên toàn quốc với 16 hộ dân với khoảng 50 nhân khẩu ra sinh sống. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, định hướng các ngành nghề sản xuất; ban hành chính sách đặc thù giúp ổn định, nâng cao cuộc sống nhân dân. Theo đó, ngư dân trên đảo được hỗ trợ về nhà ở, vay vốn sửa chữa tàu thuyền, mua ngư lưới cụ, dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ được hỗ trợ lãi suất vay 100% trong thời hạn 5 năm. Trẻ em học mẫu giáo, học phổ thông trên đảo được miễn học phí. Người dân trên đảo 100% được cấp BHYT. Năm học 2015-2016 lớp học đầu tiên trên đảo Trần với 4 học sinh bậc học mầm non và 5 học sinh cấp học tiểu học được khai giảng. Tháng 8-2015 cột cờ Tổ quốc do Tỉnh Đoàn Quảng Ninh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư xây dựng đã được khánh thành, sừng sững hiển hiện một minh chứng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc… Đến nay, đảo Trần không chỉ có những người lính ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc mà còn là tiếng hò gọi nhau cùng ra khơi bám biển của các ngư dân; rộn rã tiếng cười nói, tiếng bi bô học bài của con trẻ. Cô giáo trẻ Hoàng Thị Huyền, sinh năm 1988, đã tạm biệt Thị trấn Vân Đồn sầm uất để ra với các em học sinh thân yêu trên đảo, cho biết: Với khát vọng mang con chữ đến với trẻ em ở những vùng đất khó khăn, xa xôi nhất nên năm 2014 cô đã viết đơn tình nguyện ra đảo Trần công tác. Lớp học được tổ chức trong phòng khách của ngôi nhà do Tổng Cty Đông Bắc hỗ trợ xây dựng cho các hộ dân. Mọi hoạt động đi lại, mua sắm đồ dùng, trang thiết bị dạy và học của cô và trò trong lớp học đặc biệt này được chính quyền các cấp, người dân trên đảo và bộ đội giúp đỡ. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các cô giáo cố gắng truyền tải cho các em kiến thức cơ bản và bảo đảm cho các em “mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”. Cô giáo Huyền cho biết: Bản thân tôi rất tự hào vì được công tác trên đảo Trần. Tôi muốn góp một phần nhỏ bé của mình để xây dựng xã đảo ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn. Về lớp học thì đầu tiên cũng có những khó khăn nhưng tôi thấy như hiện tại cũng đáp ứng được việc dạy và học của cô và trò. 
 
Sức sống nơi đảo tiền tiêu tiếp tục được khẳng định phát triển bởi 16 hộ dân trên biển đã “an cư”, chuẩn bị đón cái Tết đủ đầy thứ 2 trên đảo trong không khí phấn khởi lạc quan, thắm thiết tình quân dân. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, chính quyền địa phương tiếp tục đưa thêm dân ra đảo sinh sống, lập nghiệp. Chính phủ cũng đã đồng ý phương án cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần, phát triển điện gió, đảm bảo điều kiện sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu của quân, dân trên biển. Nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, khai thác, chế biến thủy, hải sản cũng như tài nguyên rừng đang được các cơ quan nghiên cứu Trung ương và địa phương tổ chức triển khai tại địa bàn để mang lại cơ hội làm giàu cho người dân bám đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Thắm thiết tình quân dân
 
Suốt từ đầu mùa đông nắng ấm, nhưng đúng dịp lên đường ra đảo trời trở rét kỷ lục. Con tàu mang số hiệu 285 của Lữ đoàn 170 Vùng 1 Hải quân vượt sóng cả, đưa chúng tôi đến với các tuyến đảo tiền tiêu. Khi còn cách bờ khá xa, chúng tôi đã thấy đoàn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo chờ đón sẵn ở cầu tàu trong cái rét tê tái. Với các chiến sĩ nơi đảo xa, ngoài nhiệm vụ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương thì việc trở thành chỗ dựa vững chắc về tinh thần, vật chất cho người dân trên đảo là nhiệm vụ quan trọng. Các chiến sĩ Trạm ra-đa trên đảo Trà Bản thực sự là người nhà của hơn 1.000 nhân khẩu trên đảo. Kể cả những hộ dân cách xa nơi đóng quân của bộ đội cả chục cây số cũng đều in dấu chân các anh. Mọi hoạt động xã hội, từ thiện, giúp dân trong xã đều có sự tham gia nhiệt tình của cán bộ và chiến sĩ ở trạm. Khi thì thăm hỏi, tìm hiểu đời sống của nhân dân để cùng chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn; khi thì cấp cứu người bị nạn hay hỗ trợ các hộ dân tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống sinh hoạt hằng ngày… Mỗi người lính đảo đều coi đó là trách nhiệm của chính mình. Đặc biệt vào thời điểm tháng 8-2015 khi Quảng Ninh chìm trong cơn lũ dữ, thôn Bản Sen chìm sâu trong nước tới 11-12m. Tuyến đường huyết mạch của trung tâm xã cũng bị lũ quét gây sạt lở, nhiều đoạn hoàn toàn bị chia cắt. Việc tiếp ứng lương thực, thực phẩm cho người dân tại đây gặp rất nhiều khó khăn, 40ha hoa màu của xã Bản Sen bị ngập trắng; hơn 800 lồng nuôi hàu, nuôi tôm trên vịnh Bái Tử Long bị nước bẩn từ trên núi tràn xuống làm chết hàng loạt, hàng chục héc-ta cam sành của người dân sắp được thu hoạch cũng bị đất đá quật nát. Tổng thiệt hại ước tính gần 200 tỷ đồng... Các chiến sĩ Trạm ra-đa là lực lượng đầu tiên tiếp cận hiện trường, giúp dân ổn định nơi ăn chốn ở, đưa đoàn công tác của các phóng viên, các ngành chức năng, các tổ chức xã hội đến với hiện trường vùng lũ. Đến khi lũ rút, cũng chính các anh là những người tiên phong giúp dân dựng lại nhà cửa, dọn đất đá, thông đường, vệ sinh môi trường… để người dân sớm ổn định cuộc sống. Và cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhân dân và các chiến sĩ lại sum vầy ngả lợn, gói bánh chưng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trang trí nhà cửa, doanh trại. Đêm Giao thừa, mọi người thường quây quần bên nhau, vui chơi, ca hát chờ đón thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới để đi chúc Tết, xông nhà... Sang ngày mùng 1, mùng 2 nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức theo hình thức giao lưu giữa cán bộ, chiến sĩ và quân dân trên đảo. Gắn bó chung vui, chia buồn với bà con nhân dân Bản Sen trong mọi công việc, 7 cặp các chàng trai lính ra-đa và các cô gái trên đảo đã sớm nên duyên chồng vợ. Người đầu tiên lấy vợ ở đây là Thiếu tá kỹ thuật Trần Văn Thọ, quê xã Nam Toàn, huyện Nam Trực. Suốt thời gian đi bộ đội rồi học kỹ thuật thiết bị quân sự tại các trường của quân đội mà “chưa cùng ai”, nhưng khi nhận công tác ở Trà Bản năm 1991, anh đã phải lòng một cô gái Bản Sen. Mối tình đã tiếp thêm động lực giúp anh gắn bó với đảo xa xây dựng sự nghiệp nơi quê mới. Đến nay, anh đã có một gia đình hạnh phúc với các con đều đã khôn lớn, trưởng thành, đang theo học đại học. Trước thềm Xuân mới, Thiếu tá Trần Văn Thọ xúc động cho biết: Cứ vào dịp Tết hằng năm, được đón nhiều đoàn cán bộ, nhân dân ở trong đất liền ra thăm, chúc Tết, tặng quà chúng tôi không gì vui hơn. Gặp mặt anh chị em trong đó, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, vững tin phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. 
 
Xuân đang về nơi điểm cao bốn mùa lộng gió giữa khơi xa. Tạm biệt cán bộ, chiến sĩ các Trạm ra-đa trên đảo Trần, Trà Bản, trên tàu trở về đất liền, chúng tôi vẫn mang nguyên vẹn những xúc cảm khó nói hết bằng lời trong khoảng thời gian ngắn ngủi được trải nghiệm cuộc sống trên đảo. Chúng tôi thêm yêu quý, trân trọng những con người đang ngày đêm canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, những hy sinh thầm lặng của các anh. Chúc các anh đón một năm mới hạnh phúc, luôn “chân cứng, đá mềm”, mãi là “con mắt thần” canh giữ bình yên cho vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


Hỗ trợ thiết kế hộp quà tặng doanh nghiệp in logo

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com