Thị trường những ngày rét kỷ lục

09:01, 29/01/2016
Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, từ những tháng cuối năm 2015, ở nhiều vùng rau màu của tỉnh, nông dân tập trung chăm sóc và gieo trồng nhanh các loại rau ngắn ngày như cải ngọt, cải chíp, cải cúc,… đồng thời tập trung chăm sóc và thu hoạch súp lơ, cải bắp, su hào, cà chua, khoai tây… Rau xanh là một trong những nhóm thức ăn không thể thiếu trong bữa ăn của các gia đình. Những ngày qua, mưa và rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của rau màu, kéo theo giá các loại rau xanh cũng tăng mạnh. 
 
Đi thực tế tại một số vùng trồng rau của tỉnh, mặc dù ngoài trời rét căm căm, dưới 10 0C xen lẫn mưa nặng hạt, nông dân vẫn đang cặm cụi ngoài đồng chăm sóc và bảo vệ những luống rau. Không bị thiệt hại nặng nề như những địa phương miền núi phía Bắc, nhưng do lạnh sâu nên những diện tích rau màu của tỉnh cũng bị ảnh hưởng, chậm phát triển, nhất là đối với loại rau ăn lá như: xà lách, rau cải các loại, hành tỏi, rau mùi… và còn bị táp lá, dập lá. Theo đúng kế hoạch, những người nông dân sẽ thu hoạch vào dịp cận Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với nhiệt độ luôn ở mức từ 8-10 0C trong những ngày qua, rau không thể sinh trưởng được, đồng nghĩa với việc người dân sẽ phải thu hoạch chậm hơn so với dự định. Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Duy Vụ, xóm Đồng Nguyên, xã Thành Lợi (Vụ Bản) - người có nhiều năm gắn bó với nghề trồng rau cho hay: “Rét đậm, rét hại khiến chu kỳ sinh trưởng của rau kéo dài hơn rất nhiều. Nếu như thời tiết thuận lợi, su hào, bắp cải chỉ cần 35-45 ngày là cho thu hoạch, nhưng nếu trời rét thì phải trên 2 tháng mới thu hoạch được. Dù dự đoán trước được tình hình khi trời mưa rét nguồn rau trên thị trường sẽ khan hiếm và giá sẽ tăng lên nhưng chúng tôi cũng khó phát triển được nguồn cung cấp vì trồng rau phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu tiếp tục có rét đậm kéo dài, những ruộng rau mới trồng phát triển chậm hoặc có thể bị chết”.
 
Qua khảo sát, hiện nay giá các loại rau xanh bán tại ruộng và các chợ đầu mối tăng từ 30-50% so với tuần trước. Cụ thể, giá bắp cải tăng từ 6.000-7.000 đồng lên 10-13 nghìn đồng/cây; cà chua tăng từ 5.000-7.000 đồng lên 12-15 nghìn đồng/kg; súp lơ tăng từ 5.000 đồng lên 10 nghìn đồng/cây; rau cần tăng từ 7.000 lên 10-12 nghìn đồng/kg; cải bẹ tăng từ 4.000-5.000 lên 7.000-8.000 đồng/kg; cải cúc, cải thìa cũng tăng gấp 2-3 lần, từ 500-700 đồng lên 1.500-2.000 đồng/mớ. Các loại củ, quả như: củ cải, bí xanh, bí đỏ, cà rốt, khoai tây... giá cũng tăng nhẹ. Người trồng rau xanh vốn vất vả, khi bán hàng được giá lẽ ra phải phấn khởi hơn song thời điểm này họ cũng chẳng thể vui vì tuy giá tăng lên nhưng hiệu quả kinh tế họ thu được không tăng, thậm chí còn giảm sút do bị ảnh hưởng của thời tiết làm cho cây trồng, sản phẩm nông nghiệp còi cọc, mẫu mã kém, giảm năng suất và sản lượng… Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Thế Phiệt, xóm 9, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) có 1,2 mẫu cà chua cho hay, để có cà chua thu hoạch bán dịp Tết, gia đình anh trồng vào đầu tháng 8 âm lịch. “Thông thường ruộng cà chua nhà tôi sẽ cho thu hoạch đến hết tháng 2 âm lịch nhưng giá rét làm cho ngọn cà chua xoăn lại, lá héo và đen cây đã không phát triển ngọn được nữa, quả cà chua không đẹp và chậm chín. Khả năng cây chỉ cho thu hoạch đến tháng 1 âm lịch là hết quả, do vậy năng suất sẽ thấp hơn nhiều so với vụ đông năm ngoái. Mặc dù giá bán hiện cao hơn cùng kỳ nhưng cũng không bù lại được thiệt hại do giảm năng suất.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm giữ ấm tại Siêu thị Media Mart. Ảnh: Nguyễn Hương
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm giữ ấm tại Siêu thị Media Mart.
Ảnh: Nguyễn Hương
Theo dự báo, từ cuối tuần này thời tiết ấm hơn thuận lợi cho rau xanh phát triển trở lại, tuy nhiên nguồn cung rau xanh, củ, quả tại tỉnh từ nay đến Tết Nguyên đán chưa hẳn đã dồi dào. Ngoài nguyên nhân mưa rét khiến rau chậm phát triển, còn có nguyên nhân khác là thời điểm này, nhiều hộ trồng rau đã thu hoạch hết và trồng lứa mới, chủ yếu thu hoạch sau rằm tháng Giêng. Bên cạnh việc động viên, hướng dẫn các hộ nông dân tiếp tục thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo vệ rau màu và tận thu diện tích rau màu đã tới vụ, các ngành và các địa phương cũng cần tiếp tục quan tâm đến công tác bảo đảm VSATTP, nhất là trong bối cảnh nguồn cung ứng rau, củ, quả của địa phương có thể khan hiếm.
 
Tại hầu hết các chợ dân sinh mấy ngày rét “khởi động” muộn hơn bởi người tiêu dùng còn nán lại nhà tránh cái rét buổi sáng sớm; nhiều sạp hàng đồ khô, hàng công nghệ phẩm, bánh kẹo rượu bia, than củi, bánh quà, hoa tươi… cũng nghỉ bán hàng vì lo trời lạnh không ai mua hàng. Duy có quầy hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống như cá, thịt các loại là đắt khách. Mới khoảng10h sáng, các sạp rau xanh tại hầu hết các chợ dân sinh đã hết hàng, chỉ còn lưa thưa vài mớ rau trong tình trạng dập nát; giá bán đội lên 20-30% so với ngày thường. Đến thời điểm hiện tại giá rau xanh tại các chợ trên địa bàn đã tăng lên gấp đôi, gấp rưỡi ngày thường. Một cân cà chua có giá 20 nghìn đồng; đỗ cô ve 30 nghìn đồng/kg; rau cần, rau cải các loại có giá từ 6-10 nghìn đồng/mớ; bắp cải 10-15 nghìn đồng/cây; khoai tây 18-20 nghìn đồng/kg… tất cả đều cao hơn gấp đôi so với trước. Nhiều loại rau ưa ấm như rau muống, mùng tơi, rau ngót thì không thấy xuất hiện trên các sạp rau bởi đây là những cây trồng bị tổn thương ngay khi có rét đậm, rét hại. Bà Lê Thị Hoa, tiểu thương tại chợ Hoàng Ngân cho biết: Nguyên nhân khiến rau quả thực phẩm khan hiếm và đội giá lên cao ngoài yếu tố thời tiết, một phần rau màu bị giập nát không thu hái được; một phần do người dân các xã ngoại thành lại ngại ra ruộng thu hoạch rau xanh đem bán. Đợt rét này trên diện rộng ở phạm vi châu lục nên thậm chí rau củ Trung Quốc cũng không có. Thêm nữa người tiêu dùng có xu hướng tích trữ vì sợ giá tăng và hạn chế số lần đi chợ trong một vài ngày tới… Không bị ảnh hưởng nhiều về sản lượng bởi yếu tố thời tiết, lại cận Tết nên các mặt hàng thực phẩm thịt lợn, thịt bò, các loại cá, tôm giá cả khá ổn định. Rau xanh tăng giá, khan hiếm nhưng người tiêu dùng cũng vui vẻ chấp nhận và đồng cảm với người lao động nên tâm lý mua bán vẫn rất hồ hởi. Tại chợ Mỹ Tho, chị Hoàng Thu Hằng (TP Nam Định) cho biết: “Thời tiết khắc nghiệt, mưa gió, rét mướt nên các mặt hàng tăng cao cũng chấp nhận thôi bởi những người trồng trọt, chăn nuôi buôn bán cũng rất vất vả để đưa thực phẩm từ khắp nơi về bán, hơn nữa các tiểu thương phải dầm mình trong mưa rét để cung ứng thực phẩm cho mình mua”. Trong mưa rét, nhiều bà nội trợ đảm đang đã có giải pháp sử dụng các loại nấm, bí đỏ, đậu đỏ, đậu ngự, ngô, khoai lang… chế biến cùng nước xương, thịt nạc băm để vừa đảm bảo chất dinh dưỡng mà vẫn phong phú thực đơn chất xơ trong những ngày khó khăn này.
 
Đối nghịch với thị trường thực phẩm thì đợt giá rét này lại được coi là “vị cứu tinh” của những người trồng hoa và kinh doanh nhóm hàng hóa giữ ấm như đồ điện, điện tử; quần áo, phụ kiện chống rét… Gần hết mùa đông trời chỉ toàn “rét nhạt” khiến cho những người trồng hoa nhiều kinh nghiệm nhất của các làng hoa trên địa bàn tỉnh cũng không thể điều khiển để hoa “ngậm nụ” chờ đến Tết Nguyên đán. Đặc biệt đối với hoa ly là loại hoa ưa hương (kích thích nở bằng chính mùi hương từ cây này lan tỏa sang cây khác) đã có 2/3 diện tích hoa nở trước rằm tháng Chạp. Người trồng hoa nắm chắc phần thiệt trong tay. Nhiều người đã linh hoạt phân loại hoa một phần để lại ruộng, phần bung nụ to hơn gửi vào các kho lạnh vốn dùng để trữ khoai tây giống trên địa bàn; nhiều người bạo gan đầu tư phương tiện gửi hoa lên Sapa bảo quản đến Tết mới đưa về… Vậy nên ngay khi có không khí lạnh kèm theo mưa rét người trồng hoa ly rất phấn khởi bởi điều đó có thể giữ hoa lâu nở hơn. Hiện tại các hộ làm vườn đang thực hiện các biện pháp chăm sóc, bảo bọc hoa ly rất kỹ, hy vọng hoa sẽ nở vào đúng dịp Tết. Mưa rét không chỉ mang đến cơ hội cho những người trồng hoa mà các đại lý, siêu thị điện máy; đại lý chăn ga gối đệm, quần áo rét và hàng phụ kiện giữ ấm “phấn khởi” hẳn lên vì thu hút một lượng lớn khách hàng mua sản phẩm sau một thời gian dài tốc độ tiêu thụ cầm chừng. Mặc dù sức mua tăng nhưng mức giá cung ứng vẫn không thay đổi, nhiều đại lý còn có nhiều chương trình giảm giá 5-20% để kích cầu tiêu dùng mua sắm cuối năm. Anh Nguyễn Xuân Lương, đường Đông A (TP Nam Định) cho biết: Tôi định mua quạt sưởi từ đầu mùa rét nhưng cứ bận bịu với công việc và lại thời tiết chưa rét hẳn nên còn chần chừ. Nay trời rét, tôi phải đi mua ngay quạt sưởi về dùng để đảm bảo sức khỏe cho các cháu nhỏ và người già trong gia đình… Các cửa hàng quần áo rét, đồ giữ ấm cũng được dịp tung sản phẩm ra phục vụ khách hàng với mong muốn không để tồn lại hàng đến mùa đông năm sau. Như vậy sau một thời gian trầm lắng, thị trường đồ giữ nhiệt đã được “khởi động” trở lại. 
 
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, đợt rét đậm, rét hại sẽ còn kéo dài đến Tết Nguyên đán. Hình thái thời tiết này sẽ vẫn được duy trì đến tháng 3, tháng 4, mỗi đợt dự kiến sẽ kéo dài khoảng 2, 3 hoặc 5 ngày… Do đó giá các mặt hàng tiêu dùng, đặc biệt là thực phẩm, tiếp tục có xu hướng tăng, các hộ sản xuất, kinh doanh và mỗi người tiêu dùng hãy chuẩn bị kỹ lưỡng phương án dự trữ, tiêu dùng thực phẩm, thiết bị phòng chống rét cho thật khoa học, tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống lại các hành vi lợi dụng mưa rét đầu cơ hàng hóa, tăng giá bất hợp lý gây thiệt hại cho người tiêu dùng./.
 
Nguyễn HươngNgọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com