Những nghề đắt hàng dịp cận Tết

08:01, 29/01/2016

Tết cổ truyền đang đến gần cũng là lúc một số ngành nghề “thời vụ” có cơ hội làm ăn. Mặc dù chỉ mang tính mùa vụ nhưng nhiều người lao động vẫn có thể làm ăn phát đạt được nhờ sự năng động, nhanh nhạy biết nắm bắt cơ hội, nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng.

Đắt khách xích lô lắp đồ gỗ  

Trước Tết khoảng vài ba tháng, đặc biệt là từ tháng 12 dương lịch trở đi là mùa làm ăn của đội thợ xích lô chuyên đi lắp tủ, giường, bàn ghế, chuyển, dọn nhà… Bởi thời điểm này, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, gia đình nào cũng muốn sắm sanh, trang trí nhà cửa cho mới, đẹp để đón Tết. Thợ xích lô lắp đồ gỗ thường tập trung thành các đội hoặc nhóm nhận chở, lắp đặt đồ gỗ cho các chủ cửa hàng bán đồ gỗ, đồ nội thất trong thành phố. Luồn lách khắp con phố, ngõ hẻm, họ có nhiệm vụ vận chuyển đồ gỗ, đồ trang trí nội thất, đồ đạc cho mọi gia chủ có nhu cầu mua sắm, thanh lý… Ông Dương Văn Hùng, nhà ở Phường Văn Miếu, thợ xích lô “cắm chốt” trên đường Hàn Thuyên, Thành phố Nam Định cho biết: “Thành phố Nam Định có nhiều đội xích lô chuyên đi lắp đồ gỗ nhưng tập trung tại 2 phố lớn là Hàn Thuyên và Giải Phóng. Tại đây, mỗi đội có khoảng 40 thợ chuyên đi chở, lắp bàn nghế, giường tủ, dọn nhà… cho các cửa hàng gỗ. Những tháng cận Tết là thời điểm “chính vụ” trong năm của chúng tôi. Có những ngày cao điểm, một mình tôi lắp đến 10 cái giường, 3-4 cái tủ. Chúng tôi làm từ sáng đến đêm, có hôm không kịp ăn uống. Chủ cửa hàng gọi là bất kể sớm tối phải đi ngay”. Cũng theo ông Hùng, mỗi nhóm thợ xích lô thường làm cho 1 nhà để “tiện” liên hệ khi có việc. Không có chuyện 1 thợ xích lô được làm cho 2 nhà vì “không biết khi nào chủ cửa hàng có khách. Nếu chúng tôi chạy “sô” sẽ không thể thu xếp được việc đã nhận với chủ cửa hàng. Không đảm bảo công việc, đương nhiên nhà chủ sẽ không thuê chúng tôi nữa”, ông Hùng nói. Không chỉ vận chuyển, lắp đặt đồ gỗ trên địa bàn thành phố, những thợ xích lô đồ gỗ còn thường xuyên xuống các huyện ngoại thành như Mỹ Lộc, Nam Trực để giao hàng, lắp ráp đồ. Yêu cầu đối với thợ xích lô đồ gỗ rất đơn giản: có sức khỏe và biết chút ít về nghề mộc. Bởi, ngoài việc vận chuyển họ còn phải biết lắp ráp, thậm chí sửa chữa các bộ phận của bàn, ghế, tủ, giường không may bị hỏng hóc, va đập trong quá trình vận chuyển trên đường. “Nghề vận chuyển, lắp đồ gỗ rất mệt nhọc, do chúng tôi vừa phải chở nặng vừa phải bê đỡ đồ. 1 xe đồ gỗ nhẹ cũng phải hàng tạ, nặng có khi lên đến vài tạ. Chuyển đến rồi thì còn phải dỡ đồ cũ xuống, mang đồ mới lên. Gặp những hôm nắng to, khênh được cái tủ nặng trên dưới 1 tạ, leo 4 tầng cầu thang nữa chỉ muốn đứt hơi. Mùa nắng còn đỡ, hôm nào mưa gió thì càng vất vả hơn. Tuy nhiên, vì miếng cơm, manh áo, không làm không được”, ông Hùng cho biết thêm. Hầu hết các thợ xích lô lắp đồ gỗ trong thành phố hiện đều có mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. “Đó là với những tháng công việc đều như sát Tết. Còn có những tháng như tháng 7, chúng tôi không kiếm được đồng nào bởi không ai muốn mua sắm gì trong dịp này. Vì thế, khi đó chúng tôi lại chuyển qua chở hàng hóa, hoa quả cho dân buôn bán ở chợ Rồng”, ông Hùng cười hiền lành nói thêm.

Chọn mua lịch Tết trên đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định).
Chọn mua lịch Tết trên đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định).

Nhộn nhịp đồ hàng mã

Mặc dù “4 không”, không quảng cáo, không tiếp thị, hàng hóa sản xuất không cần qua khâu kiểm tra chất lượng, không sợ vi phạm bản quyền nhưng các loại hàng mã luôn bán chạy và rất đắt hàng trong dịp cận Tết. Giá cả không quan trọng, điều duy nhất người mua cần là… hàng giống như thật. Để chuẩn bị cho các mặt hàng mã bán trong dịp Tết, đặc biệt là ngày 23 tháng Chạp cúng Ông Công, Ông Táo hằng năm, các hộ gia đình làm hàng mã đã phải chuẩn bị từ trước đó cả tháng. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện các mặt hàng mã thu hút nhiều khách, nhất là những mặt hàng “sành điệu” như: nhà lầu, xe hơi, điện thoại, túi, ngựa, các loại hoa, tiền, bộ mã cúng Ông Công, Ông Táo… Đường Minh Khai, khu vực phố Nguyễn Chánh, chợ Mỹ Tho, đường Hoàng Văn Thụ… là những địa điểm trong thành phố người mua hàng mã có thể dễ dàng chọn lựa được các mặt hàng ưng ý. Tùy từng mặt hàng, các loại hàng mã có giá dao động khác nhau. 1 bộ nhà lầu, xe hơi được người bán ra giá trên dưới 200 nghìn đồng/bộ. Điện thoại, túi xách, giày dép, quần áo có 300-400 nghìn đồng/bộ; tùy vào kích thước nhỏ, to các loại ngựa có giá dao động từ 150 nghìn đến 1 triệu đồng/con; tiền vàng được bán với giá chung 25 nghìn đồng/túi. Một bộ mã đầy đủ gồm 3 áo, 3 mũ, 3 giày và 3 cá chép cho một Táo bà và 2 Táo ông có giá từ 30-40 nghìn đồng...

Không chỉ có hàng mã, khu vực đường Trần Hưng Đạo, Hoàng Văn Thụ, khu vực chợ Rồng… trở thành địa điểm quen thuộc với người dân thành phố khi cần mua đồ trang trí mỗi dịp Tết đến Xuân về. Theo chủ các  cửa hàng kinh doanh, thời điểm hiện tại, nhiều người đã rục rịch tìm mua đồ về trang trí nhà cửa để đón Tết Nguyên đán 2016. Những bảng chữ như: Chúc mừng năm mới, Vạn sự như ý, các câu đối trên nền giấy, nhựa hay gỗ được dập, khắc, chạm cầu kỳ hoặc những thỏi vàng, dây pháo nổ, đồng tiền vàng, nụ hoa mai vàng giả, hình mẫu thần tài ông địa, đôi bé trai gái mặc trang phục cổ truyền, phong bao lì xì, các loại đèn nháy, đèn phát sáng… là những mặt hàng được tiêu thụ, bày bán nhiều trong dịp này. Chị Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương trên đường Hoàng Văn Thụ cho biết: “Giá cả đồ trang trí năm nay hầu như không tăng so với năm ngoái. Các mặt hàng như bao lì xì, lồng đèn, đèn nháy, đồ trang trí dây pháo, dây tiền, pháo điện… được bán khá chạy. Năm nay, người tiêu dùng có vẻ ưa chuộng và lựa chọn mua nhiều là các đồ trang trí có hình con khỉ, biểu tượng của năm Bính Thân”. Cũng theo khảo sát của chúng tôi, hoa đào nhựa trang trí trên cây có giá từ 120-150 nghìn đồng/kg. Bộ trang trí nhà cửa bao gồm câu đối, dây trang trí cành đào, lồng đèn dao động từ 300-500 nghìn đồng/cái, tùy thuộc vào chất liệu và mẫu mã, pháo điện có giá khoảng 70 nghìn đồng/cây… Các loại đèn phát sáng trang trí cỡ nhỏ của Trung Quốc có giá từ 90-200 nghìn đồng/chiếc… Ông Nguyễn Văn An, đường Năng Tĩnh, Thành phố Nam Định cho biết: “Giáp Tết gia đình nào cũng bận rộn cả. Vì vậy, những ngày này tôi thường tranh thủ thời gian đi sắm Tết. Tôi chọn mua những phong bao lì xì đầu tiên để mừng tuổi cho con cháu trong nhà. Nhìn chung, mặt hàng trang trí Tết năm nay khá phong phú, đa dạng; giá cả vừa phải nên cũng dễ mua, dễ chọn”.

Tết Nguyên đán đang tới rất gần, đây là dịp để người dân, các tiểu thương “kích cầu” mua sắm. Những mặt hàng thời vụ vì thế cũng tấp nập hơn bao giờ hết. Nhìn vào cách mua sắm của người dân trong dịp Tết có thể thấy một phần đời sống kinh tế trong năm./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com