Băn khoăn những "góc khuất" hội chợ thương mại

06:01, 01/01/2016

Hội chợ là một hoạt động xúc tiến thương mại kích cầu mua sắm hiệu quả thông qua quảng bá, giới thiệu sản phẩm, khuyến mại, qua đó nắm bắt tâm lý tiêu dùng để định hướng dòng sản phẩm trong tương lai; người tiêu dùng được tiếp cận với hàng hóa do chính nhà sản xuất giới thiệu nên cũng là dịp để nhận biết các dấu hiệu cụ thể phân biệt hàng thật, hàng giả. Tuy nhiên ở một số kỳ hội chợ tổ chức thời gian qua, người đi hội chợ đã không đạt được kỳ vọng đó.

Sản phẩm vòi hoa sen tăng áp được giới thiệu tại Hội chợ Công nghiệp -  Thương mại Nam Định 2015.
Sản phẩm vòi hoa sen tăng áp được giới thiệu tại Hội chợ Công nghiệp - Thương mại Nam Định 2015.

Nghị định 37/2006/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động xúc tiến thương mại đã nêu rõ: Hàng hóa trưng bày tại hội chợ thương mại phải ghi nhãn hàng hóa đúng quy định. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều hội chợ thương mại được tổ chức trong thời gian gần đây ở cả khu vực trung tâm Thành phố Nam Định và các huyện, bên cạnh những gian hàng của các làng nghề truyền thống, HTX CN-TTCN và một số doanh nghiệp có thương hiệu vẫn có nhiều gian hàng còn không trưng biển hiệu cung cấp thông tin về địa chỉ, số điện thoại, giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp. Hàng hóa trưng bày thiếu nhãn mác hoặc nhãn mác không đầy đủ những nội dung quy định bắt buộc. Nhiều gian hàng trưng bày quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử... còn gắn nguyên nhãn mác Trung Quốc nhưng người bán hàng cứ “thao thao bất tuyệt” giới thiệu là hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc để thuyết phục khách hàng. Mặt hàng thảo dược có nhiều loại chỉ được đóng gói thủ công, không nhãn mác, không ghi rõ thành phần, xuất xứ hoặc nhãn mác ghi bằng chữ viết tay như: thuốc chữa đau dạ dày, thuốc trị bệnh ngoài da, thuốc cao huyết áp… mà không ghi bất cứ thành phần của thuốc, không có chứng nhận kiểm định của cơ quan chức năng… Người bán hàng thường lấy lý do thuốc gia truyền phải giữ bí quyết nên không ghi công khai thành phần nếu có khách hàng thắc mắc. Ngoài vi phạm về nhãn mác hàng hóa, điều kiện kinh doanh, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phổ biến trong các kỳ hội chợ. Hội chợ họp ở quảng trường ngoài trời, 4 mặt là đường giao thông với mật độ phương tiện đi lại thường xuyên nên rất bụi nhưng các sản phẩm ô mai, mứt hoa quả, bánh kẹo, xúc xích, đồ ăn nhanh... được ướp màu lòe loẹt bày bán tràn lan trên các khay nhựa, không được che chắn trong điều kiện môi trường không nhí nhiều bụi bẩn, vi sinh vật xâm hại... Hầu hết các sản phẩm này đều rơi vào tình trạng 4 “không”: không có nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không bao bì, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà Trần Thị Sang, phường Trường Thi (TP Nam Định) là một trong nhiều người tiêu dùng bị thiệt hại bởi những “lời có cánh” của người bán về những món hàng “chưa thấy bao giờ” mua tại hội chợ thương mại trên địa bàn Thành phố Nam Định, bức xúc kể: Tôi được người bán hàng giới thiệu mua bộ dao inox và vòi nước tăng áp với giá hơn hai trăm nghìn đồng/sản phẩm. Lúc mua tại hội chợ, vòi nước hoạt động rất tốt, tôi thấy hiệu quả cho việc nâng áp lực nước giúp vòi nước chảy nhanh hơn đối với những gia đình chỉ có một tầng, hoặc những nhà trên tầng thượng. Tuy nhiên chỉ sau ít hôm sử dụng, sản phẩm đã bị trục trặc.1/3 tia nước trên loa sen bị tắc; các khớp nối của sản phẩm xộc xệch; những vật liệu trong ống vòi sen như hạt nanô khử trùng nước (loại bỏ sắt, thủy ngân và những vi khuẩn gây bệnh) không hoạt động như khi thử nghiệm. Tìm hiểu kỹ tôi được biết sản phẩm này cũng dựa trên nguyên lý sử dụng công nghệ điêu khắc laze tạo kích thước tia nước nhỏ và dùng than hoạt tính khử trùng nước… nhưng đây là hàng nhái, chất lượng nguyên liệu không đảm bảo nên nhanh hỏng. Định mang hàng đi đổi nhưng lại không có một bằng chứng nào như hóa đơn bán hàng, giấy bảo hành sản phẩm… nên đành ngậm ngùi chịu thiệt. Thực tế, không ít người rơi vào tình cảnh như bà Sang. Ngoài ra hàng hóa bán tại hội chợ còn nhiều bất cập như: hàng hoá chủ yếu do các cơ sở gia công sản xuất nên chất lượng thấp, đơn điệu về mẫu mã, lẫn nhiều sản phẩm tồn kho và giá bán bằng, đôi khi còn cao hơn giá ngoài thị thường trong khi người đi hội chợ phải mất chi phí vào cửa, ít nhất là phí gửi xe cao. Người bán hàng thường mập mờ trong quảng cáo, trà trộn hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho khách hàng. Mọi chế độ liên quan đến bảo hành sản phẩm, chăm sóc khách hàng hầu như không được thực hiện… Với cách làm chộp giật, sơ sài và thiếu tôn trọng người tiêu dùng đi ngược lại với mục tiêu ban đầu đề ra, chắc chắn sẽ chẳng mấy ai tha thiết đến hội chợ nữa.

Để nâng cao chất lượng tổ chức hội chợ thương mại, loại bỏ những "hạt sạn" trong quá trình tổ chức, lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, các ngành chức năng và cơ quan phối hợp tổ chức hội chợ thương mại cần lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia hội chợ; yêu cầu cung ứng hàng hóa đảm bảo đúng quy định của pháp luật và ý nghĩa từng hội chợ. Gắn tuyên truyền quảng bá hội chợ với kiểm soát chặt chẽ hàng hóa bày bán trong hội chợ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Các doanh nghiệp tham gia hội chợ cần nhận thức rõ ý nghĩa, vai trò của hội chợ là giới thiệu sản phẩm, tìm đối tác và định hướng tiêu dùng, sản xuất trong tương lai vì sự phát triển của doanh nghiệp chứ không phải tranh thủ chộp giật bán tống, bán tháo sản phẩm tồn kho như hiện nay, làm như vậy chỉ khiến người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm của doanh nghiệp sau kỳ hội chợ./.

Bài và ảnh: Hương Tú
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com