Xuất khẩu dệt may đứng vững trước khủng hoảng kinh tế châu Âu

09:08, 15/08/2015

Với khoảng 230 doanh nghiệp lớn nhỏ, năm 2014, giá trị sản xuất của ngành dệt may tỉnh ta đạt gần 20 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tạo việc làm cho gần 47 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm dệt may đã xuất khẩu sang thị trường các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... với những sản phẩm chủ yếu là quần áo may sẵn, sợi và khăn các loại. Trong đầu năm nay, các thị trường xuất khẩu chính của ngành hàng này có nhiều biến động, từ khủng hoảng nợ công Hy Lạp kéo dài, giá trị đồng ơ-rô cũng giảm mạnh ảnh hưởng tới kinh tế của các nước châu Âu khiến sức mua của nền kinh tế giảm. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu nhập hàng vào thị trường châu Âu bị giảm sút và sức cạnh tranh về giá của hàng hóa cũng giảm theo.

Nhận diện được những tác động tiêu cực do khủng hoảng kinh tế châu Âu mang lại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các biện pháp đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Trong đó tập trung vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao kỹ năng ma-két-tinh và tìm kiếm phát triển thị trường mới, mở rộng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực châu Phi, Trung Đông... Sở Công thương đã phân công cán bộ chuyên trách nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội hợp tác, tiềm năng của các thị trường mới trên thế giới để giới thiệu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đối tác. Tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến thông tin cơ chế chính sách mới liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng dệt may tại các thị trường mới giúp các doanh nghiệp có kế hoạch tiếp cận hiệu quả nhất. Sở Công thương đã phối hợp Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Hợp tác trong lĩnh vực dệt may giữa Việt Nam và Ấn Độ” tại Thành phố Nam Định; phối hợp với Trung tâm thương mại Hà Nội - Mát-xcơ-va (Incentra) tổ chức phổ biến kỹ năng đưa sản phẩm vào thị trường Nga và những điều kiện cần và đủ khi đưa hàng hóa tham dự “Hội chợ bán hàng hàng Việt Nam chất lượng cao Mát-xcơ-va năm 2015”; tổ chức đưa các doanh nghiệp dệt may tham gia Hội chợ quốc tế Việt Nam lần thứ 25 - Vietnam Expo 2015… Thông qua các chương trình hỗ trợ của ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi tư duy sản xuất từ hướng chỉ gia công, sản xuất theo đơn đặt hàng mang thương hiệu nước ngoài với lợi nhuận thấp sang chủ động sản xuất theo nhu cầu, thói quen sử dụng, văn hóa tiêu dùng của nước bạn, đưa đi chào hàng trực tiếp tại các nước đã có ký các hiệp ước thương mại nhằm tận dụng các ưu đãi về thuế quan… để tăng lợi thế. Các doanh nghiệp chủ động nắm bắt diễn biến thị trường và cơ cấu lại hoạt động sản xuất, chú trọng các yếu tố chất lượng, giá cả, tốc độ cung ứng sản phẩm cho thị trường và khả năng giải quyết các vấn đề dịch vụ sau bán hàng. Bằng một loạt các giải pháp linh hoạt đối phó với biến động thị trường nên nhiều doanh nghiệp dệt may trong tỉnh từng bước vượt qua khủng hoảng và khẳng định “sức nặng” thương hiệu trên thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp như Cty CP May Sông Hồng, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP May Thúy Đạt… đã tìm kiếm được nhiều cơ hội hợp tác từ những khách hàng tiềm năng như Nga, Ấn Độ và các nước vùng Trung Đông. Cty CP Dệt may Sơn Nam là doanh nghiệp nằm trong tốp dẫn đầu về doanh thu xuất khẩu trực tiếp của tỉnh, chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dệt, bông sợi với hơn 30 đối tác nước ngoài. Sản phẩm của Cty đã có mặt trên khắp các thị trường, đặc biệt là khối EU, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc...

Sản xuất tại Cty CP Dệt may Sơn Nam.
Sản xuất tại Cty CP Dệt may Sơn Nam.

Thời gian qua, Cty đã chủ động đổi mới, tổ chức, sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp với tình hình mới. Trong đó đặc biệt quan tâm đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy: sợi, tẩy nhuộm, tập trung cải tiến kỹ thuật, giúp tăng chất lượng sản phẩm đảm bảo theo tiêu chuẩn của khách hàng; đầu tư dây chuyền kéo sợi OE trị giá trên 300 nghìn USD để hoàn tất các công đoạn sản xuất. Triệt để tiết kiệm nguyên vật liệu để giảm giá thành sản phẩm, tạo mẫu mã mới. Tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cả sản xuất, kinh doanh. Công tác thị trường được Cty đặc biệt quan tâm nghiên cứu, phân tích và dự báo để có kế hoạch ứng phó kịp thời với các tình huống. Nâng cao chất lượng, kỹ năng cho cán bộ chuyên môn trong đàm phán ký hợp đồng nên ngay từ đầu năm, Cty đã ký được hợp đồng đảm bảo sản xuất đến quý II năm 2016. Đặc biệt sản phẩm khăn bông, sợi OE của Cty không chỉ giữ thị phần ổn định tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc mà còn lấy lại thị trường một số nước như Nga, Đông Âu. Năm 2015 giá trị xuất khẩu của Cty tiếp tục tăng trưởng. Cty CP May Sông Hồng lại thành công khi lựa chọn sản xuất những sản phẩm mới đặc sắc, ít bị cạnh tranh như sản xuất quần áo trẻ em xuất sang thị trường Nga. Cty CP May Nam Hà thành công với việc may gia công quần áo thể thao cho các hãng nổi tiếng thế giới và chủ động chào bán hàng quần áo trượt tuyết, quần, áo lót nam, nữ sang thị trường các nước thuộc vùng Trung Đông.

Chủ động tìm kiếm thị trường, thu hút khách hàng từ các thị trường mới khai thác bằng những sản phẩm riêng biệt, ít bị cạnh tranh nên dù thị trường châu Âu đầy bất ổn nhưng hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may đã đủ đơn hàng cho cả năm 2015 để bảo đảm sản xuất và lợi nhuận kinh doanh; đồng thời có nhiều cơ hội phát triển tại các thị trường mới giàu tiềm năng cho những năm tiếp theo./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com