Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2015 trong quý III

09:08, 14/08/2015

Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 của tỉnh ước đạt 552,1 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 81,2% kế hoạch năm. Trong đó, các doanh nghiệp Trung ương ước đạt 19,5 triệu USD, tăng 9,8%; doanh nghiệp địa phương đạt 242 triệu USD, tăng 30,3%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 290,5 triệu USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 100 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu trực tiếp và hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể tham gia xuất khẩu hàng hoá theo hình thức ký gửi, ủy thác sang 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó chủ yếu là các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước ASEAN… Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: tôm đông lạnh, thịt đông lạnh, sản phẩm may mặc, khăn các loại, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và lâm sản. Trong số đó, các doanh nghiệp ngành dệt may chiếm số lượng lớn và giữ tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có khoảng 60 doanh nghiệp dệt may sản xuất sản phẩm xuất khẩu trực tiếp, chiếm gần 85% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng khoảng 10-12% so với 3 năm gần đây. Lũy kế đến hết tháng 7-2015, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của tỉnh đạt trên 461,8 triệu USD. Các ngành hàng xuất khẩu khác như: lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ cũng đạt tốc độ tăng trưởng cao, lần lượt tăng 8,8% và 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các nhóm sản phẩm xuất khẩu chính của tỉnh, 7 tháng đầu năm 2015 chỉ có 2/6 sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là tôm và thịt đông lạnh (lần lượt đạt 88,2 và 88,4%). Để đạt được kết quả khả quan trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành Công thương, KH và ĐT, Cục Thuế tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước... thực hiện các cơ chế, chính sách về tài chính, tiền tệ, chính sách thuế, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Cùng với nỗ lực của tỉnh và các ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã chủ động điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh, đổi mới thiết bị, công nghệ, cơ cấu sản phẩm để ổn định thị trường truyền thống và khai thác thị trường mới; chủ động nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, tích cực quảng bá thương hiệu, tham gia các khoá đào tạo kỹ năng phục vụ hoạt động xuất khẩu.

Sản xuất tại Nhà máy Sợi, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.
Sản xuất tại Nhà máy Sợi, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.

Là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may cả nước, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định không ngừng nghiên cứu phát triển sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao là các loại sợi cotton chi số cao. Tổng Cty đã đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất sợi hiện đại với: 6 máy ghép tốc độ cao, 8 máy chải và hệ thống máy mài, xử lý suốt cao su; 2 máy đánh ống nối vê tự động và 15 máy con tốc độ 17 nghìn vòng/phút. Ở các phân xưởng dệt, Tổng Cty đã nâng cấp dây chuyền sản xuất với 100 máy dệt kiếm nhập từ Bỉ, 154 máy dệt thổi khí và 2 máy hồ, 2 máy mắc nhập từ Đức. Ở các phân xưởng và 8 nhà máy may công nghiệp tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên, Vụ Bản, Nghĩa Hưng... Tổng Cty đã đầu tư 2.714 máy may công nghiệp JUKI hiện đại, đủ năng lực đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Cty đã đạt gần 10 triệu USD. Cty CP May Sông Hồng đang đứng trong tốp 5 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất ngành dệt may Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Cty ước đạt trên 85 triệu USD. Cty vẫn giữ vững tỷ trọng các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ chiếm 50%, các nước EU chiếm 30% và Nhật Bản 10%... Tháng 3-2015, Cty đã khởi công dự án xây dựng khu sản xuất Sông Hồng Nghĩa Hưng có diện tích gần 6ha, gồm 4 xưởng sản xuất, tổng vốn đầu tư khoảng 350 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động. Dự kiến tháng 10-2015 sẽ có 4 xưởng đi vào hoạt động. Sau khi khu sản xuất Sông Hồng Nghĩa Hưng đi vào hoạt động, dự kiến doanh thu của Cty năm 2015 sẽ đạt 2.500 tỷ đồng. Ở lĩnh vực chế biến lâm sản xuất khẩu, Cty CP Lâm sản Nam Định (TP Nam Định) có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm đồ gỗ nội thất và bàn ghế ngoài trời từ nguyên liệu gỗ rừng trồng với năng lực sản xuất trên 1,1 triệu sản phẩm, tương ứng với 200 nghìn m3 gỗ nguyên liệu/năm. Cty gia nhập Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; trở thành thành viên của mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu tại Việt Nam (GFTN - Việt Nam). Qua đó, Cty được hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ thâm nhập vào các thị trường lớn như châu Âu và Bắc Mỹ. Đến nay, Cty đã ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ đến hết năm 2015 vào các thị trường: EU, Mỹ, Nhật Bản, Ốt-xtrây-li-a, Trung Quốc… Cty đã được IKEA (Thụy Điển) - tập đoàn phân phối đồ gỗ nội thất hàng đầu thế giới ký hợp đồng cung ứng sản phẩm dài hạn, được hỗ trợ tín dụng và tham gia vào các dự án phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực... Nhìn chung, mặc dù đầu năm nay, thị trường thế giới, nhất là thị trường châu Âu có nhiều biến động, song do có sự chủ động nên các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh không bị tác động nhiều, hoạt động xuất khẩu vẫn đạt kết quả tốt.

Theo đánh giá của Sở Công thương, nếu từ nay đến cuối năm không có biến động lớn, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu chính thì mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 680 triệu USD trong năm nay của tỉnh sẽ vượt cao, thậm chí có thể hoàn thành ngay trong quý III. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu, ngoài các cơ chế khuyến khích của Nhà nước và của tỉnh, cần có sự chủ động của các doanh nghiệp với các giải pháp đồng bộ từ khâu nhập nguyên liệu, sản xuất, chế biến, cải tiến mẫu mã sản phẩm, chú trọng bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm, phấn đấu tăng tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp để tăng giá trị xuất khẩu./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com