Hội chứng "nghiện" điện thoại di động

09:08, 07/08/2015
Ông bà Quang nay đã ngót nghét 70 tuổi. Hơn nửa đời người, vợ chồng ông đã hết lòng vì con cái; giờ đây ở tuổi “gần đất xa trời”, con cháu phương trưởng, yên bề gia thất, ông bà mới được nhàn nhã thư thái. Các con ông ba gái, một trai đều được học hành, công tác, làm việc khắp mọi miền trên cả nước. Mỗi năm đôi ba lần, vào những dịp lễ, tết, con cháu ông bà lại về tề tựu; quây quần bên mâm cơm gia đình ấm áp, tràn ngập tiếng nói cười. Mới đây, vợ chồng ông được cô con gái út làm ở một Cty kinh doanh điện thoại di động trên Hà Nội sắm cho mỗi người một chiếc Iphone 4S chính hãng, rồi lập cho mỗi người một địa chỉ Facebook để ông bà tiện liên lạc, theo dõi hình ảnh, các hoạt động của con cháu. 
 
Nhân viên siêu thị Viettel, 151 Nguyễn Du (TP Nam Định) giới thiệu cho khách hàng những tính năng mới trên điện thoại di động.
Nhân viên siêu thị Viettel, 151 Nguyễn Du (TP Nam Định) giới thiệu cho khách hàng những tính năng mới trên điện thoại di động.
Từ khi có điện thoại, ông bà thấy cũng vui vì ngoài việc nhắn tin, gọi điện, được xem những hình ảnh, những suy nghĩ, được biết những thông tin về con cháu cho thỏa nỗi nhớ nhung. Ông và bà cũng thường xuyên lên mạng đọc báo, nghe hát chèo trên điện thoại, “chát” với con cái trên Facebook… cho vơi bớt nỗi cô quạnh của tuổi già. Mới đây, vào dịp 30-4, con cháu lại về tề tựu đông đủ. Khác với mọi lần trước đây là sau bữa cơm tối, ông bà, bố mẹ, con cháu thường quây quần chuyện trò ríu rít, lần này mỗi người “ôm” một cái điện thoại di động ngồi riêng ra mỗi góc rồi mải mê chìm vào thế giới riêng của mình, không ai nói chuyện với ai. Ông thì tính nết xuề xòa không nhận ra, nhưng bà thì mơ hồ nhận thấy có điều gì đó không ổn từ những chiếc điện thoại mang nhiều tính năng này (!). Còn chị Hoa công tác tại một bệnh viện tuyến tỉnh tâm sự: Sau một ngày làm việc mệt nhọc, chị về nhà với hàng đống công việc không tên. Chồng chị từ khi sắm được chiếc Iphone 6 thì đi làm về không đỡ đần chị việc nhà như trước nữa mà vội vàng tắm rửa, thay quần áo rồi nằm dài ra ghế mải mê lướt web, chơi game, lên Facebook, mặc chị lo dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, tắm rửa cho con, cho con bé ăn, kèm con lớn học, giặt giũ quần áo, rửa bát… Một ngày mệt mỏi của chị thường kết thúc vào lúc 12h đêm. Vợ chồng chị đã không ít lần cãi vã, dẫn tới bất hòa, mâu thuẫn cũng chỉ vì chiếc điện thoại di động... Còn chị Minh Tâm, đang làm ở một thư viện huyện tâm sự: Mình chưa lập gia đình, công việc thủ thư cũng khá đơn điệu, tẻ nhạt. Để cuộc sống phong phú hơn, mới đây, chị đã “mạnh tay” đầu tư một chiếc Samsung Galaxy đời mới. Chị nói mình thích điện thoại vì khi cập nhật Facebook đều biết bạn bè, người thân của mình đang làm gì, vui cái gì? Ai có chuyện buồn, vui, chị đều chia sẻ. Cứ như thế, việc sử dụng điện thoại đã chi phối phần lớn thời gian rảnh rỗi của chị, kể cả khi đi ngủ. Cô Thu, giáo viên dạy tiếng Anh đã nghỉ hưu cho biết: Do mắc phải chứng khó ngủ nên trước khi ngủ, cô thường có thói quen lướt một vòng mạng xã hội để nắm thông tin “trên trời, dưới đất”, sau đó là like dạo những status thú vị của bạn bè, anh em, học trò cũ. Buổi sáng khi thức dậy, cô cũng không quên mở điện thoại để kiểm tra xem có thông tin mới không trước khi bước ra khỏi giường. Trong ngày, cô cũng không quên vào Facebook năm lần bảy lượt để chia sẻ cảm xúc của mình cũng như theo dõi các hoạt động của bạn bè trên Facebook… mà không hề biết chính thói quen trước khi ngủ lướt web, vào Facebook rồi lang thang trên mạng đọc hết thông tin nọ đến thông tin kia càng khiến cho việc mất ngủ trở nên trầm trọng hơn…
 
Những chiếc điện thoại di động đời mới với những tính năng vượt trội đã và đang ngày càng được cải thiện giúp con người được kết nối với thế giới mọi lúc, mọi nơi, nên không có gì ngạc nhiên khi nó đã trở thành vật “bất ly thân” của nhiều người. Cũng qua điện thoại, “thế giới mở” được hiện ra vô cùng hấp dẫn, phong phú. Ngoài việc giúp liên lạc trong công việc, điện thoại di động còn giúp kết nối với người thân, bạn bè thông qua mạng xã hội, nghe nhạc, đọc báo, chụp ảnh, xem lại một chương trình truyền hình… Nhưng điều đáng nói là ngày càng có nhiều người bị lệ thuộc vào điện thoại, nhất là giới trẻ. Trong một quán cà phê trên đường Hùng Vương (TP Nam Định), khoảng 3-4 nhóm thanh niên cả nam lẫn nữ ngồi uống cà phê vẫn mải mê “vuốt”, “miết”, “lướt” mà chẳng hề để ý đến nhau!
 
Thực tế cho thấy, những chiếc điện thoại di động với nhiều tính năng thông minh vượt trội kết nối với internet hiện nay, ngoài những tiện ích mang lại thì đang là những “tác nhân” làm con người ngày càng “lãnh cảm” hơn với cuộc sống thực, với những người xung quanh. Nhiều người phụ thuộc vào điện thoại đến nỗi không còn thời gian, sức khỏe, tinh thần và trí tuệ minh mẫn cần thiết để thực hiện các công việc khác, thậm chí dẫn đến những phản xạ tâm lý như bẳn gắt, cáu kỉnh với những người xung quanh. Cũng đã có không ít trường hợp xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ, đạp xe, đi xe máy, xe ô tô vì mải mê với việc nói chuyện qua điện thoại; hoặc vừa đi đường vừa nhắn tin, vừa chạy xe máy vừa nhắn tin…
 
Thời đại công nghệ thông tin mang lại sự tiện ích, làm phong phú cuộc sống của con người. Tuy nhiên việc đam mê thái quá những sản phẩm công nghệ, đặc biệt là điện thoại di động rất dễ khiến nhiều người bị cuốn vào cuộc sống ảo. Do vậy, việc dùng điện thoại di động như thế nào cho tiện ích là điều mỗi người chúng ta cần tính đến, thay vì giảm bớt sự phụ thuộc vào cuộc sống ảo trên mạng./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com