Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống

05:08, 22/08/2015

Thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW ngày 4-3-2005 của Ban Bí thư (khoá X), ngày 7-5-2005 Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước”. Sau 10 năm triển khai thực hiện chủ trương này, việc ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực; đặc biệt đã nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc phát triển và ứng dụng CNSH trong sản xuất và mọi mặt của đời sống xã hội.

Sở KH và CN đã làm tốt công tác phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chuyển giao kỹ thuật thực hành CNSH tới các tầng lớp nhân dân; đầu tư cơ sở vật chất; định hướng giúp các địa phương, tập thể, cá nhân, tổ chức trên địa bàn nghiên cứu, lựa chọn ứng dụng CNSH vào thực tiễn. Tư vấn và hỗ trợ các cơ quan, đơn vị xây dựng dự án, chuyển giao kỹ thuật ứng dụng CNSH để nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, đến nay đã có hàng chục đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng CNSH được triển khai ở mọi lĩnh vực sản xuất, như nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường với tổng kinh phí hỗ trợ hàng chục tỷ đồng. Các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng CNSH mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó việc triển khai ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá thành công nhất cả về số lượng mô hình, chất lượng sản phẩm và khả năng nhân rộng ra sản xuất đại trà. 10 năm qua, trong nông nghiệp, đã hoàn thiện quy trình ứng dụng tiến bộ CNSH vào nghiên cứu chọn lọc một số giống lúa thơm, lúa chịu mặn, giống lúa có năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh như: D.ưu 527, Bắc ưu 128, lúa mẹ 2 dòng, Nam Định 5, TBR 45 và 1 giống lúa lai TX 111; tiếp nhận thành công công nghệ mới trong sinh sản nhân tạo giống và nuôi thương phẩm các giống thuỷ sản như: ngao, tôm thẻ chân trắng, cua biển, cá chình, tu hài, hàu, cá lăng, cá vược, cá song chấm nâu... Đặc biệt 3 năm trở lại đây, việc ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp được triển khai mạnh mẽ tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như: sản xuất thành công phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp, chế phẩm sinh học phòng trừ rầy nâu hại lúa và làm chủ được công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật trong sản xuất giống khoai tây, hoa lan, chuối tiêu hồng… Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) đã thực hiện thành công kỹ thuật sản xuất khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh. Phương pháp này giúp cây sinh trưởng nhanh, giảm chi phí về nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất cây trồng lên 45% đến 75%.

Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) sử dụng nồi hơi hấp sấy vô trùng các thiết bị nuôi cấy mô tế bào khoai tây.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) sử dụng nồi hơi hấp sấy vô trùng các thiết bị nuôi cấy mô tế bào khoai tây.

Việc phát triển công nghệ sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp khí canh đã tạo ra lượng lớn củ siêu nguyên chủng chất lượng tốt, giá thành thấp, là sản phẩm đầu vào cho hệ thống sản xuất các cấp giống tiếp theo. Thành công này đóng góp quan trọng cho phát triển sản xuất vụ đông hàng hóa của tỉnh giúp người sản xuất chủ động về thời vụ, đáp ứng nhu cầu giống khoai tây sạch bệnh, khắc phục hạn chế tồn tại lâu nay trong khâu cung cấp giống phục vụ sản xuất cây nông nghiệp vụ đông của tỉnh. Trong công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản, việc ứng dụng CNSH góp phần hỗ trợ cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm làng nghề truyền thống thông qua các mô hình đổi mới thiết bị sản xuất rượu Yên Phú (Ý Yên); xây dựng quy trình kỹ thuật, thực nghiệm sản xuất và ứng dụng sản phẩm cây bụp giấm (Actisô đỏ) để chế biến đồ uống, thực phẩm, mỹ phẩm và làm thuốc chữa bệnh… Trong công tác bảo vệ môi trường, qua nghiên cứu ứng dụng CNSH để xử lý rác sinh hoạt, rơm rạ, phế thải nông nghiệp tạo ra các sản phẩm mới phục vụ nuôi, trồng, bảo quản nông sản mang lại hiệu quả cao. CNSH còn được đẩy mạnh ứng dụng trong xử lý môi trường nước nuôi trồng thuỷ, hải sản, rác sinh hoạt, nước thải, khí thải trong tái chế nhựa và chế biến nông sản. Đặc biệt, khi chăn nuôi gia súc quy mô trang trại, gia trại phát triển mạnh, ứng dụng công nghệ Biogas (khí sinh học) để xử lý chất thải chăn nuôi đã góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi và cộng đồng. Chế phẩm EM do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN sản xuất được sử dụng rộng rãi trong xử lý môi trường ao nuôi thủy sản, xử lý mùi hôi, côn trùng, ruồi, nhặng ở các bãi rác… Trong lĩnh vực y dược đã chú trọng ứng dụng CNSH vào công tác y học dự phòng, điều chế thuốc và khám, chữa bệnh, góp phần giảm nhập khẩu, từng bước tự túc các nguyên liệu sản xuất thuốc tại địa phương. Điển hình như ứng dụng trong nghiên cứu tối ưu hóa kỹ thuật bào chế và đánh giá sinh khả dụng của Rifampicin trong thuốc viên chống lao phối hợp 3 thành phần Rifampicin, Isoniazid và Pyrazinamid; hoàn thiện quy trình chiết saponin toàn phần từ rễ cây đinh lăng và ứng dụng để sản xuất quy mô công nghiệp. Sử dụng liệu pháp công nghệ gen, công nghệ tế bào vào điều trị các bệnh hiểm nghèo và sử dụng vi sinh vật tái tổ hợp để sản xuất kháng sinh, vitamin và axit amin; xét nghiệm chẩn đoán HbSAg, HIV, xét nghiệm miễn dịch chẩn đoán, theo dõi bệnh viêm gan B, viêm gan C, lao, sốt xuất huyết, ung thư sớm…

Hoạt động nghiên cứu ứng dụng CNSH trong các ngành, lĩnh vực với những hiệu quả thiết thực mang tính đột phá trong 10 năm qua giúp CNSH đã có “chỗ đứng” vững chắc trong đời sống xã hội. Một số trung tâm dạy nghề đã hình thành bộ môn CNSH; khoa vi sinh phục vụ công tác nghiên cứu và ứng dụng. Các đơn vị trong ngành Nông nghiệp như Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Giống thủy hải sản, Trung tâm Giống thủy đặc sản, Cty Cá giống Nam Trực… cũng nỗ lực ứng dụng CNSH vào nghiên cứu, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và chuyển giao các ứng dụng CNSH cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, thực hiện đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH ở tỉnh ta còn những hạn chế, như công tác phát triển và ứng dụng CNSH còn chậm so với tiềm năng của tỉnh và yêu cầu phát triển sản xuất. Cơ sở vật chất phục vụ việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH còn thiếu thốn và lạc hậu; CNSH chưa tạo ra được các sản phẩm tiêu dùng đại trà và xuất khẩu chủ lực của địa phương. Các cơ chế, chính sách phát triển CNSH đã được ban hành nhưng còn dàn trải, thiếu sự liên kết, thiếu tính đột phá. Đội ngũ cán bộ khoa học trong lĩnh vực CNSH còn thiếu các chuyên gia có trình độ cao và chuyên sâu theo ngành, lĩnh vực…

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về việc “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước”. Tiếp tục nghiên cứu, phát triển và ứng dụng có trọng điểm về công nghệ gen, công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào. Trước mắt tập trung nghiên cứu, ứng dụng có hiệu quả CNSH vào các lĩnh vực có thế mạnh như NN và PTNT, TN và MT, công nghiệp dược và chế biến nông sản thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức, chuyển giao rộng rãi mô hình ứng dụng CNSH cho nhân dân. Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm những mô hình ứng dụng sản xuất hiệu quả trong lĩnh vực CNSH. Tạo nguồn và có cơ chế tài chính phù hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng các CNSH mới trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hiện có hoặc nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com