Trong những năm qua, các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được tăng cường, các công trình đưa vào sử dụng đã đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để bảo đảm chất lượng các công trình giao thông, Sở GTVT đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong quản lý chất lượng công trình.
Các Ban quản lý dự án của Sở GTVT đặc biệt chú trọng kiểm soát chất lượng thi công mặt đường; yêu cầu các đơn vị thi công áp dụng công nghệ mới, bảo đảm chất lượng vật liệu thi công, đặc biệt là chất lượng bê tông nhựa. 6 tháng đầu năm đã nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng các công trình: mở rộng, nâng cấp tỉnh lộ 490C đoạn từ Km50 - Km55+500; công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38B đoạn từ Km89+300 - Km106+740. Dự án giao thông nông thôn 3 (WB3) đã nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng công trình cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 488C. Các công trình đã nghiệm thu, đưa vào sử dụng đều đảm bảo yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ yêu cầu. Hiện, Ban quản lý dự án giao thông đang tập trung kiểm tra chất lượng thi công các dự án: Quốc lộ 38B đoạn từ Km106+704 - Km111+600; dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 488 đoạn từ tỉnh lộ 488C đến Thị trấn Thịnh Long. Đối với những dự án chuẩn bị triển khai Ban quản lý dự án giao thông tăng cường quản lý chất lượng ngay từ khâu chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập dự án như các công trình: tuyến tránh Khu di tích Đền Trần thuộc Quốc lộ 38B đoạn từ địa phận tỉnh Hà Nam đến Quốc lộ 21B; tuyến tránh đường Phủ Dầy thuộc Quốc lộ 37B đoạn từ xã Yên Lương đến ngã ba Vàng và cải tạo, nâng cấp đoạn từ ngã ba Vàng đến cầu Vĩnh Tứ.
|
Thi công nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ 488C tại địa phận huyện Hải Hậu. |
Trong quá trình quản lý, thẩm định các dự án, Sở GTVT áp dụng chặt chẽ các quy chuẩn của Bộ GTVT trong quản lý chất lượng công trình. Việc quản lý tiến độ, chất lượng các dự án phải thực hiện chặt chẽ từ khâu lập dự án đầu tư, thiết kế, thi công… theo hướng nâng cao và quy trách nhiệm cá nhân của tư vấn giám sát, nhà thầu thi công. Các trường hợp phát hiện chất lượng công trình kém đều kiên quyết xác định trách nhiệm chủ đầu tư, nhà thầu, xem xét thay thế ngay. Việc lựa chọn nhà thầu thi công thảm bê tông nhựa phải chú ý kiểm tra chính xác năng lực, kinh nghiệm thi công của nhà thầu và mỗi dự án chỉ cho từ 1 đến 2 nhà thầu thi công thảm bê tông nhựa để đảm bảo sự đồng nhất về chất lượng. Đơn vị thi công phải tổ chức công trường tập trung dưới sự điều hành của ban điều hành công trường. Tăng cường công tác giám sát nội bộ của nhà thầu. Tổ chức thi công theo dây chuyền nền, móng, mặt đường để kiểm soát chất lượng từng khâu. Nhà thầu phải đảm bảo máy móc, thiết bị, kiểm tra kỹ vật liệu đầu vào thi công; máy móc, thiết bị khai thác quá 7 năm không được đưa vào công trường; vật liệu phải qua thí nghiệm mới đưa vào thi công. Ngoài việc phải bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật của kết cấu mặt đường, lớp bê tông sử dụng, yếu tố thời tiết… ngành GTVT sẽ tăng cường quản lý, giám sát quá trình thi công, nghiệm thu ở phần móng và lớp bê tông nhựa. Tập trung kiểm soát chặt việc chấp hành quy định thời hạn bảo hành đối với các dự án giao thông đường bộ theo từng cấp. Cụ thể, công trình cấp đặc biệt và cấp một, thời hạn bảo hành là 48 tháng; công trình cấp hai là 42 tháng, các công trình khác thời hạn bảo hành 24 tháng. Riêng với các dự án PPP (hợp đồng BOT), không chỉ phải bảo hành công trình theo thời gian quy định, nhà đầu tư sẽ phải tự bỏ tiền sửa chữa, thậm chí bị dừng thu phí nếu công trình hư hỏng. Trong thời gian khai thác kinh doanh để hoàn vốn, nhà đầu tư có trách nhiệm khẩn trương sửa chữa, khắc phục triệt để các khiếm khuyết, hư hỏng của công trình trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; nếu nhà đầu tư chậm trễ tiến hành sửa chữa, khắc phục sẽ bị dừng thu phí và thời gian dừng thu phí sẽ không được gia hạn trong hợp đồng BOT./.
Bài và ảnh:
Thanh Thúy