Đi cùng đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh đi kiểm tra một số hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định), điều dễ nhận thấy là các mặt hàng tại chợ khá phong phú về chủng loại. Tuy nhiên, bên cạnh các mặt hàng có bao bì nhãn mác rõ ràng, nhiều loại bánh, kẹo, mứt, ô mai không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng được bày bán tràn lan, trong đó phần lớn là ở các mặt hàng kẹo, hạt bí, hạt hướng dương. Cũng qua kiểm tra tại các chợ đầu mối trên địa bàn Thành phố Nam Định và các khu phố bán bánh kẹo như phố Bắc Ninh, phố Hoàng Văn Thụ... cho thấy, vấn đề ATTP vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn; đặc biệt vẫn còn nhiều mặt hàng bánh kẹo bán theo cân giá rẻ và các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như rượu, bia, nước giải khát, nước tăng lực, nước khoáng, mì chính, bột ngọt, nước mắm, nước chấm, thức ăn sống, thức ăn chín... vi phạm các quy định về chất lượng, giả về nhãn hiệu, kiểu dáng, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo VSATTP tỉnh, để bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm (NĐTP) trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Sở Y tế phối hợp với các ngành chức năng tăng cường các biện pháp bảo đảm VSATTP như truyền thông cho người tiêu dùng, người sản xuất và kinh doanh; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm VSATTP; xây dựng các phương án phòng, chống NĐTP, với mục tiêu đặt ra là giảm 10% số vụ NĐTP trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014.
Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra các mặt hàng bánh, mứt, kẹo tại chợ Mỹ Tho (TP Nam Định). |
Về công tác truyền thông, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh và các địa phương phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở tập trung tuyên truyền về VSATTP. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng được tăng cường bằng hình thức trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ y tế, giáo dục, biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể, cộng tác viên y tế thôn, xóm… với các hình thức dễ tiếp thu như hướng dẫn thực hành cụ thể theo nhóm, nói chuyện, hội thảo, hội thi cộng tác viên tuyên truyền về VSATTP… Đối với người tiêu dùng thực phẩm, việc tuyên truyền tập trung vào việc hướng dẫn cách chọn mua thực phẩm an toàn, hướng dẫn đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm, cách chế biến thực phẩm, bảo quản thực phẩm an toàn, khai báo khi bị NĐTP và các bệnh truyền qua thực phẩm; đặc biệt chú trọng hướng dẫn người dân nhận biết hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng. Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, tập trung tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, phụ gia thực phẩm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thực phẩm, các quy định về áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, tầm quan trọng của việc thực hiện các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân để phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm… Đặc biệt, công tác tuyên truyền về VSATTP năm nay cũng tập trung tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu, ngộ độc nấm trong dịp Tết.
Cùng với công tác tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bắt đầu từ 15-1-2015 và kéo dài đến hết ngày 30-3-2015. Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Riêng tuyến tỉnh, đã thành lập 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP của tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6 đơn vị gồm Thành phố Nam Định và các huyện: Mỹ Lộc, Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Nam Trực. Hoạt động kiểm tra tập trung vào các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp tết như: thịt gia súc, gia cầm, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia… và các chợ đầu mối có lượng tiêu thụ thực phẩm lớn. Dự kiến trong đợt thanh tra, kiểm tra, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP của tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra khoảng 100 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống lớn. Cùng với các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các ngành cũng tổ chức thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành. Sở Y tế là đầu mối chủ trì các hoạt động chuyên môn, tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm VSATTP. Sở NN và PTNT chủ trì thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến lớn, đặc biệt là các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, chế biến hàng thủy sản, kiến nghị với các cơ sở thực hiện các biện pháp nhằm ngăn ngừa và hạn chế những tác nhân làm ô nhiễm sản phẩm. Sở Công thương tăng cường kiểm tra các cơ sở buôn bán, lưu thông các mặt hàng thực phẩm trên thị trường, nhất là thực phẩm tươi sống; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm VSATTP, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đến thời điểm hiện tại, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP cấp tỉnh đã thanh tra, kiểm tra được khoảng 50% số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Theo đánh giá bước đầu của 3 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, năm nay công tác VSATTP có khá hơn so với những năm trước do nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm ATVSTP của người dân được nâng lên. Điều kiện vệ sinh nhà xưởng, nơi sản xuất của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh đã có tiến bộ hơn nhiều so với những năm trước. Đặc biệt, một số cơ sở lớn đã có ý thức chấp hành tốt VSATTP như vệ sinh cơ sở sản xuất, phương tiện dụng cụ, nguyên liệu phụ gia chế biến thực phẩm có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, các thành phẩm cũng đã được kiểm tra chất lượng định kỳ. Tại địa bàn Thành phố Nam Định, các nhà hàng lớn nhìn chung có khá hơn khu vực các huyện về địa bàn sản xuất chế biến, phương tiện dụng cụ chế biến, người tham gia sản xuất cũng được tập huấn, khám sức khỏe. Tuy nhiên, qua tranh tra, kiểm tra cho thấy vẫn còn một số tồn tại như: Nhiều cơ sở chưa chú ý tập huấn, khám sức khỏe định kỳ cho người trực tiếp sản xuất hoặc giấy khám sức khỏe định kỳ cho người sản xuất đã hết hạn nhưng doanh nghiệp chưa tổ chức khám sức khỏe và cấp lại cho người lao động. Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra cũng phát hiện một số cơ sở có dấu hiệu vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị sản xuất thực phẩm chưa đảm bảo. Tại các cơ sở, các đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã lấy các mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm, đồng thời kết hợp tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của người sản xuất, kinh doanh trong công tác bảo đảm ATTP.
Từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2015, ngành Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh tích cực phối hợp với các ngành tăng cường quản lý Nhà nước về ATTP, đảm bảo cho người dân đón Tết vui vẻ, an toàn. Bên cạnh đó, trong dịp này Sở Y tế chỉ đạo Chi cục ATVSTP tỉnh triển khai công tác giám sát phòng, chống NĐTP. Chi cục ATVSTP tỉnh đã thành lập các đội thường trực phục vụ công tác điều tra xử lý NĐTP nếu có sự cố xảy ra. Sở Y tế cũng chỉ đạo hệ thống y tế bệnh viện các huyện thành lập các đội cấp cứu cơ động sẵn sàng các tình huống khi có NĐTP xảy ra./.
Bài và ảnh: Minh Thuận