Thành công theo con đường của Đảng

09:02, 03/02/2015

Thấm thoắt, đã ngót một thập niên rưỡi của thế kỷ 21 đi qua. Năm 2014 kết thúc với rất nhiều khó khăn, nhưng cũng ghi dấu nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên cả nước cũng như của mỗi địa phương, trong đó có chương trình xây dựng NTM, mang lại nhiều kỳ vọng cho thắng lợi trong năm 2015, một năm nhiều sự kiện lịch sử, chính trị trọng đại của đất nước. Kết quả 4 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM theo đường lối, chủ trương của Đảng tiếp tục minh chứng và khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối đúng đắn của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta.

Ở tỉnh ta, sau 4 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 đã tạo nên một sự đổi thay sâu sắc, chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực, từ công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đến kết quả, thành tựu thực tiễn, đổi thay diện mạo nông thôn cũng như những vấn đề cốt lõi của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Ngay từ khi Đảng ra đời, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã là một trong những tâm điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta, với mục tiêu “người cày có ruộng” - một tư liệu sản xuất cốt yếu, tiền đề để người nông dân có thể tự chủ lao động sản xuất, làm chủ đời mình. Từ chỗ có ruộng, rồi đến chăm lo làm sao để người dân làm ruộng hiệu quả hơn, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần, tiến tới làm giàu trên đồng ruộng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị… Trải qua các kỳ Đại hội của Đảng, vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân ngày càng được Đảng ta nhận thức sâu sắc hơn, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, định hướng đúng đắn, phù hợp với tình hình, yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ nét kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Tại Đại hội VI - Đại hội của đổi mới, Đảng xác định trước hết là đổi mới kinh tế; trong đó nhấn mạnh vai trò hàng đầu của nông nghiệp trong việc đáp ứng những yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Từ thời điểm này Đảng đã xác định phấn đấu đưa nông nghiệp trở thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá XHCN. Đại hội còn khẳng định, “trong toàn bộ quá trình xây dựng CNXH, không được tách rời nông nghiệp với công nghiệp, không thể chỉ coi trọng nông nghiệp hoặc công nghiệp”. “Phi nông bất ổn”, trên cơ sở ngày càng nhận thức đúng đắn hơn vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Đại hội VII của Đảng đã tiếp tục bổ sung, khẳng định “Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình KT-XH; coi phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp CNH đất nước”. Quan điểm, đường lối, chủ trương này của Đảng tiếp tục được bổ sung, phát triển hoàn thiện với các quyết sách, chương trình hành động cụ thể trong các kỳ Đại hội tiếp theo cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh cụ thể của đất nước và quốc tế.

Bê tông hóa đường ra đồng ở thôn Trung Phu, xã Liên Bảo (Vụ Bản). Ảnh: PV
Bê tông hóa đường ra đồng ở thôn Trung Phu, xã Liên Bảo (Vụ Bản). Ảnh: PV

Sau hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, từ thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn; trên cơ sở phân tích, đánh giá những thành tựu và những tồn tại, yếu kém trong nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là những yêu cầu, thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập của đất nước, Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành một Nghị quyết tập trung toàn diện về “tam nông” - Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 với các quan điểm “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển KT-XH bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình CNH-HĐH đất nước. Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng NTM gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt”.

Trong 8 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết 26 có nhiệm vụ “triển khai chương trình xây dựng NTM, trong đó thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng đi trước một bước” thuộc nhóm nhiệm vụ cần làm ngay đến năm 2010. Ngày 4-6-2010, căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa X), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-CP phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Trung ương, Ngày 8-11-2010, Ban TVTU ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, UBND tỉnh đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện 9 kế hoạch, nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong đó có Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 12-11-2010 về thực hiện chương trình quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015. Chương trình được các địa phương, nông dân hồ hởi đón nhận, triển khai. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình, các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ… Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện dồn điền, đổi thửa, coi đây là khâu đột phá để xây dựng NTM. Dồn điền, đổi thửa thành công đã thực sự làm cho “ruộng đồng ta thỏa mơ ước bao ngàn năm”, liền vùng, liền thửa, có điều kiện để thực hiện sản xuất hàng hóa tập trung, đưa máy cày, máy cấy, máy gặt vào thay cho đôi vai, đôi tay người nông dân.  Sau từng chặng 2 năm, 3 năm, tỉnh đều triển khai sơ kết thực hiện chương trình để kịp thời phổ biến các bài học, kinh nghiệm tốt cũng như chỉ ra những hạn chế yếu kém, kể cả những sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục. Còn nhớ, sau khi không khí hồ hởi sôi động thời gian đầu qua đi, mới thấy tiến độ thực hiện khá chậm, mà nguyên nhân nổi lên là nhận thức không chỉ của người nông dân - chủ thể quan trọng trong sự nghiệp xây dựng NTM, mà cả một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở có tư tưởng ỷ lại, trông chờ nguồn lực cấp trên rót về, coi đây là cơ hội tranh thủ “bầu sữa” ngân sách để đầu tư phát triển cho địa phương, dẫn đến nhiều đề án "trên mây", vẽ ra vô số các công trình… với nhu cầu đầu tư “trên trời” và không có cơ sở thực hiện. Phát hiện ra vấn đề này, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, công tác tuyên truyền được tăng cường và đổi mới, trong đó tập trung cốt lõi giúp nông dân và các địa phương thấm nhuần quan điểm “Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; trước hết, phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của nông dân. Xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân”. Tựu trung là “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, khai thác, phát huy nguồn lực của địa phương, từ tại chỗ đến kêu gọi con em quê hương đã thành đạt, làm ăn, công tác trên cả nước và nước ngoài đóng góp xây dựng quê hương. Kết quả là tiến độ thực hiện và chất lượng, hiệu quả thực tiễn đã tăng tốc nhanh chóng. Nguồn lực huy động với hàng nghìn tỷ đồng “đổ về” bằng nhiều hình thức: góp tiền, hiến đất, đưa dự án đầu tư về địa phương để tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân… Các ngành, các cấp đều có các chương trình, phong trào hoạt động cụ thể đóng góp xây dựng NTM. Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo từ cơ sở được phát huy. Không chỉ mang giá trị vật chất thuần túy, sự đóng góp nguồn lực của các cá nhân, tổ chức ở các vùng nông thôn còn cho thấy sự đổi thay sâu sắc trong tư duy của người nông dân, như một nhà quản lý nông nghiệp đã nói, họ đã phá bỏ được “tư duy bờ thửa”, manh mún, chăm chăm bảo vệ lợi ích cục bộ của cá nhân, gia đình; đã thấy lợi ích chung của cộng đồng trong đó bao gồm cả lợi ích của mỗi cá nhân để vun đắp lợi ích chung. Con em quê hương đã có cơ hội bày tỏ sự tri ân đối với quê hương đã từng nuôi dưỡng mình trưởng thành theo đúng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM 4 năm qua cũng được xem là cuộc “sát hạch” đội ngũ cán bộ các cấp hết sức thiết thực. Vai trò, trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ thừa hành thể hiện rõ; thậm chí cả sự yếu kém, dấu hiệu tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm… cũng được bộc lộ qua việc triển khai thực hiện chương trình, từ đó để các cấp, ngành chức năng nhìn nhận, đánh giá chính xác và có giải pháp kịp thời trong công tác cán bộ, góp phần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; củng cố bộ máy quản lý Nhà nước về nông nghiệp.

7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã được thực hiện đồng bộ trong 4 năm qua tạo nên sự đổi thay toàn diện về đời sống KT-XH, văn hóa ở nông thôn của tỉnh. Đó là, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; Xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn gắn với phát triển các đô thị; Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; Phát triển nhanh việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để HĐH nông nghiệp, CNH nông thôn; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn… Những cánh đồng mẫu lớn chuyên canh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, những trang trại, gia trại đạt chuẩn ngày càng nhiều. Mối quan hệ “4 nhà” (nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông) ngày càng được củng cố, rõ nét. Người xưa từng nói “nông suy bách nghệ bại”. Xây dựng NTM thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh mẽ theo hướng hàng hóa với các tiêu chí năng suất, chất lượng và hiệu quả, tỷ lệ cơ giới hóa ngày càng tăng, đã góp phần thúc đẩy ngành nghề dịch vụ nông thôn phát triển. Sự phân công lao động ở nông thôn ngày càng rõ ràng, một số lượng lớn lao động nông thôn “ly nông” là nguồn nhân lực tại chỗ quan trọng cho việc phát triển các ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm trên địa bàn nông thôn. Giá trị nhân văn của chương trình mục tiêu này là những người nông dân có thể “ly nông” nhưng không phải “ly hương”, giúp bảo đảm ổn định đời sống xã hội nông thôn, bảo vệ bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống, hạn chế tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường, của sự phát triển “nóng”… Chính vì thế mà ngoài 96 xã, thị trấn và huyện Hải Hậu được chọn triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, các địa phương khác cũng sôi nổi hưởng ứng, tự rà soát, đánh giá, từng bước lựa chọn cách đi phù hợp cho mình, có bước chuẩn bị tích cực khi được chọn ở giai đoạn tới.

Kết thúc năm 2014, tỉnh ta tiếp tục được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương dẫn dầu toàn quốc về chương trình xây dựng NTM. Một nông thôn tràn đầy sức sống, sinh lực mới đang hiển hiện, đặt dấu mốc to lớn, đậm nét cho chặng đường 3 thập kỷ thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, góp phần khẳng định chân lý Đảng đã, đang và sẽ mãi là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của đất nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Dù còn nhiều khó khăn bộn bề cần làm trong thời gian tới, song với nền tảng vững chắc này, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và có quyền kỳ vọng vào những mùa quả ngọt NTM, một nông thôn hiện đại mà vẫn truyền thống, một nông thôn với những cơ hội, tiện nghi đời sống sinh hoạt không cách xa với thành thị mà vẫn đậm đà bản sắc văn hóa cội nguồn./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com