II - Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
Về nguyên nhân phát sinh đợt dịch vừa qua, thời gian tới ngành NN và PTNT và các địa phương sẽ làm rõ để có biện pháp phòng ngừa từ gốc. Tuy nhiên, một số nguyên nhân dễ nhận thấy là do chuồng trại chăn nuôi của các hộ dân đều chật hẹp, tạm bợ, vệ sinh khu vực chăn nuôi không bảo đảm làm lây lan dịch nhanh và kéo dài. Nhiều hộ gia đình có vài ô chuồng chỉ rộng vài chục m2 nhưng nuôi tới hàng trăm con cả lợn nái, lợn thịt và lợn sữa; chỉ một số hộ đầu tư lớn mới quan tâm đến vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải… Bên cạnh đó, dịch lợn tai xanh năm 2013 phát sinh sớm khi phần lớn đàn lợn chưa được tiêm phòng; số lợn đã tiêm thì cũng chưa đủ thời gian miễn dịch. Thông thường bệnh tai xanh ở lợn tỷ lệ chết do nhiễm bệnh không nhiều, nhưng nếu bị nhiễm khi chưa được tiêm phòng vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng sẽ gây nhiễm trùng kế phát bởi các tác nhân bệnh này nên khả năng chết rất cao khi lợn nhiễm bệnh. Đây chính là nguyên nhân khiến số lợn phải tiêu hủy trong đợt dịch này lớn với 9.251/18.759 con chiếm 49,3%, tổng trọng lượng 168.728kg.
Phun thuốc khử trùng, tiêu độc cho các phương tiện ra vào vùng dịch lợn tai xanh xã Xuân Châu (Xuân Trường). |
Thời điểm xảy ra dịch trời mưa lạnh kéo dài, độ ẩm không khí cao…, gây nhiều khó khăn cho công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, đồng thời khiến cho mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường để phát tán, lây lan. Đặc biệt vẫn còn tình trạng phát hiện dịch chậm, giấu dịch, bán chạy lợn ốm ở vùng có dịch, vùng lân cận... Ở các xã Trực Thắng (Trực Ninh), Xuân Phong (Xuân Trường) lợn ốm, chết sau 7-10 ngày trưởng thú y xã, thú y thôn, xóm mới phát hiện, khi báo cáo thì dịch đã lan rộng. Ở xã Trực Thắng khi phát hiện dịch thì đã có 86 con lợn ốm ở 15 hộ, còn ở xã Xuân Châu dịch "đồng loạt" xuất hiện tại 5 hộ với 44 con lợn ốm. Người chăn nuôi do thiếu hiểu biết, với tâm lý “xót của” đã giấu dịch để bán chạy, làm phát tán mầm bệnh, tạo nên dịch... Dịch lợn tai xanh năm nay chủ yếu xuất hiện tại các hộ nuôi nhỏ lẻ, tận dụng, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng không tốt, lại không chấp hành việc tiêm phòng vắc xin. Đồng chí Phạm Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh thừa nhận, việc tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn nái của huyện đạt rất thấp, chỉ trên dưới 10%... Mặc các địa phương đã tuyên truyền chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy do dịch nhưng thực tế vẫn còn hiện tượng vứt xác lợn chết ra mương, ra đường. Ngày 23-4-2013, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Hải Hậu đã vớt 20 bao tải có xác lợn chết ở kênh thuộc khu vực các xã Trực Đạo (Trực Ninh), Hải Phong (Hải Hậu). Ngày 25-4-2013, tại phía ngoài cống lấy nước xã Xuân Thượng, Xuân Thành (Xuân Trường) đã vớt được 7 tạ xác lợn chết mang đi tiêu hủy… Thực tế cho thấy không những ý thức, trách nhiệm của người chăn nuôi rất hạn chế mà công tác quản lý chăn nuôi ở cơ sở cũng còn bất cập (!). Ngoài ra, ở một số địa phương, cán bộ xã, thôn, cán bộ thú y chưa sâu sát, chưa nắm chắc tổng đàn vật nuôi, tình hình chăn nuôi và dịch bệnh trên địa bàn phụ trách; khi xảy ra dịch bệnh còn lúng túng trong việc tham mưu cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đơn cử như ở xã Việt Hùng (Trực Ninh), ngày 16-4 xã báo cáo tổng đàn lợn có 4.500 con, đến ngày 25-4 số lượng đàn báo cáo đã là 9.688 con, tăng gấp 2,15 lần; xã Trực Thắng (Trực Ninh) ngày 31-3 báo cáo có 3.500 con lợn, nhưng đến ngày 25-4 lại báo cáo có 7.820 con, tăng gấp 2,23 lần; xã Xuân Phú (Xuân Trường), ngày 16-4 báo cáo có 2.100 con lợn, đến ngày 25-4 số lợn báo cáo tổng đàn 3.970 con, tăng gần gấp 2 lần; xã Hải Đường (Hải Hậu) ngày 29-4 thống kê có 5.700 con lợn, đến ngày 1-5 số lợn báo cáo đã tăng gần gấp 3 lần với 16.505 con; xã Trực Đại (Trực Ninh) báo cáo 12 hộ có 96 con lợn ốm, khi kiểm tra lại chỉ có 49 con lợn ốm; xã Xuân Phong (Xuân Trường) báo cáo số lượng tiêu huỷ 41 con nhưng thực tế chỉ tiêu huỷ 31 con…
Kết quả tiêm vắc xin vụ xuân thấp làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh kế phát khi xảy ra dịch lợn tai xanh. Để phòng, chống dịch, vắc xin tai xanh do Nhà nước cấp, nhưng nhiều hộ vẫn không cho tiêm. Xã Trực Hùng (Trực Ninh) là địa bàn có dịch nhưng đến ngày 28-4 tỷ lệ tiêm dập dịch chỉ đạt 31% (3.000/9.686 con), UBND xã phải lập biên bản từng hộ không tiêm… Công tác tiêu huỷ lợn chết, ốm, không có khả năng phục hồi tại một số xã còn chậm và chưa bảo đảm đúng hướng dẫn; có xã còn để cho hộ chăn nuôi tự tiêu huỷ hoặc tự mang lợn chết đến nơi tiêu huỷ (!)… Bên cạnh đó nhiều địa phương vẫn chủ quan, chưa thực hiện đúng quy định về công tác phòng, chống dịch; khi dịch phát sinh, lây lan trên địa bàn chậm triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, thiếu quyết liệt, còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Xã Hải Đường (Hải Hậu) lợn ốm, chết xuất hiện từ lâu, mặc dù đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút tai xanh, song địa phương chưa báo cáo và thực hiện công bố dịch theo quy định. Ngoài ra, hoạt động của một số chốt kiểm dịch kém hiệu quả. Điển hình ngày 21-4-2013 một xe máy chở lợn từ xã Hải Nam (Hải Hậu), đi qua 7 chốt kiểm dịch của xã Xuân Vinh (Xuân Trường) nhưng không bị phát hiện; khi đến địa phận xã Xuân Trung (Xuân Trường) mới bị bắt và xử lý…
Những thiếu sót trong cách quản lý, tổ chức chăn nuôi và công tác phòng chống dịch, từ phát hiện, đến bao vây, khoanh vùng, dập dịch, kiểm tra, giám sát… trong đợt dịch tai xanh 2013 vừa qua chính là những bài học cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục triệt để mới bảo vệ được đàn vật nuôi và từng bước đưa chăn nuôi thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Cần tổ chức lại lực lượng thú y cơ sở; nâng cao trách nhiệm của người chăn nuôi và trưởng xóm; tăng cường quản lý các cơ sở giết mổ... Qua đợt dịch vừa qua, ngành NN và PTNT cũng cần xem xét, tham mưu với tỉnh chỉ đạo công tác tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi phù hợp, đáp ứng yêu cầu tăng khả năng phòng ngừa, miễn dịch của các đối tượng vật nuôi./.
Bài và ảnh: Tất thắc