Quyết liệt trong “cuộc chiến” chống dịch lợn tai xanh

08:05, 28/05/2013

Năm nay, dịch lợn tai xanh ở tỉnh ta phát sinh sớm, lây lan nhanh trên diện rộng, diễn biến phức tạp, số lượng và trọng lượng lợn phải tiêu huỷ nhiều, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Đến nay dịch đã được khống chế. Sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự “vào cuộc” tích cực của các cấp, các ngành trong công tác phòng chống, dập dịch vừa qua thực sự là những bài học kinh nghiệm trong thời gian tới.

I - Nhanh chóng khống chế dịch

Ngày 27-3-2013, các ổ dịch tai xanh ở lợn đầu tiên được phát hiện tại các xã Trực Thắng (Trực Ninh), Xuân Châu (Xuân Trường). Thời điểm xuất hiện dịch năm nay sớm hơn 14 ngày so với năm 2012. Đến ngày thứ 5 thêm 2 xã có dịch là Trực Thái (Trực Ninh), Xuân Thượng (Xuân Trường). Đến ngày 15-4-2013 dịch lợn tai xanh đã xảy ra ở 1.856 hộ, tại 192 xóm, của 17 xã, thị trấn ở 2 huyện Trực Ninh (12 xã), Xuân Trường (5 xã). Ngày 1-5-2013, dịch lợn tai xanh đã phát sinh gây hại trực tiếp cho 3.269 hộ chăn nuôi của 340 thôn, tại 25 xã, thị trấn của 3 huyện: Trực Ninh (15 xã), Xuân Trường (9 xã), Hải Hậu (1 xã), với tổng số lợn mắc bệnh 18.759 con. Đến ngày 9-5-2013, số lợn phải tiêu huỷ do dịch lợn tai xanh tại 25 xã, thị trấn có dịch là 9.251 con, tổng trọng lượng tiêu huỷ 168.728kg. Tỉnh và các địa phương quyết liệt phòng chống dịch. Từ ngày 10-5-2013, trên địa bàn toàn tỉnh dịch lợn tai xanh đã được khống chế.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngày 1-3-2013, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) và thuỷ sản, đồng thời chỉ đạo các huyện, xã thành lập ngay Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch bệnh (PCDB) GSGC để phát triển chăn nuôi. Ngày 27-3-2013, khi phát hiện ra ổ dịch đầu tiên, lực lượng PCDB GSGC của huyện, xã và cán bộ Chi cục Thú y (Sở NN và PTNT) đã lập tức có mặt để chỉ đạo cách ly, áp dụng các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, đồng thời lấy mẫu chuyển lên Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để xét nghiệm. Ngay trong ngày 28-3 Trung tâm đã có kết quả trả lời các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với vi rút tai xanh. Chi cục Thú y, Trạm thú y 2 huyện Trực Ninh và Xuân Trường tập trung khoanh vùng dập dịch, hướng dẫn địa phương, các hộ chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, huy động toàn bộ lực lượng thú y của các xã tập trung về tiêm phòng, chống dịch tại 2 xã có dịch. Đồng chí Thứ trưởng Bộ NN và PTNT, lãnh đạo của Cục Thú y, cơ quan Thú y vùng I, Phòng dịch tễ, Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương (Bộ NN và PTNT) đã trực tiếp xuống các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch, bố trí đội công tác “nằm vùng” ngay tại vùng dịch để hỗ trợ tỉnh dập dịch. Bộ NN và PTNT đã cấp 110 nghìn liều vắc xin tai xanh và hàng chục nghìn lít thuốc sát trùng cho tỉnh phòng, chống dịch lợn tai xanh. Ngày 3-5-2013, UBND tỉnh quyết định thành lập BCĐ PCDB GSGC tiền phương đặt tại huyện Hải Hậu để chỉ đạo công tác dập dịch hằng ngày. UBND tỉnh cũng đã cấp trên 5 tỷ đồng mua 122,5 nghìn liều vắc xin tai xanh và hoá chất khử trùng, tiêu độc phục vụ công tác phòng chống dịch. Các huyện Xuân Trường và Trực Ninh đã thực hiện nghiêm quy định về việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ở địa phương có dịch ra vùng an toàn. Ngoài 2 đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng chống dịch tai xanh, UBND tỉnh lập thêm 3 chốt kiểm dịch liên ngành tại các ngã ba, ngã tư đường 490C2, quốc lộ 21 với đường S2 và tại bến phà Sa Cao.

Chốt kiểm dịch động vật được lập tại ngã tư đường S2 và đường 490C2 trong đợt có dịch lợn tai xanh.
Chốt kiểm dịch động vật được lập tại ngã tư đường S2 và đường 490C2 trong đợt có dịch lợn tai xanh.

Hai đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức kiểm tra tại 28 xã, thị trấn của 8 huyện, thành phố và đã phát hiện, uốn nắn kịp thời những khiếm khuyết, giúp các hộ chăn nuôi, xã, huyện, thành phố thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh. Các chốt kiểm dịch liên ngành thực hiện nghiêm việc trực chốt chặt chẽ, không để vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ở vùng có dịch về vùng an toàn. Sở NN và PTNT đã trưng tập 20 kỹ sư chăn nuôi, thú y của ngành và 62 sinh viên khoa Chăn nuôi - thú y của Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật nông nghiệp Nam Định tăng cường về các địa phương có dịch tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; giám sát việc tiêu huỷ, vệ sinh tiêu độc, khử trùng… Đoàn Thanh niên Sở NN và PTNT đã tổ chức nhiều đoàn đến tận các thôn, xóm tuyên truyền lưu động và phát trên 20 nghìn tờ rơi về dịch bệnh tai xanh, kỹ thuật phòng, chống. Ở các huyện, thành phố tổ chức kiện toàn BCĐ PCDB GSGC, phân công trách nhiệm cá nhân phụ trách địa bàn kiểm tra nắm chắc tình hình dịch bệnh, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai các biện pháp phòng, chống, dập dịch, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. UBND các huyện tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh từ huyện đến cơ sở về tình hình dịch và các biện pháp phòng, chống; công khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người dân tích cực phòng chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh tai xanh. Các huyện, thành phố đã thành lập 17 đoàn kiểm tra liên ngành liên tục kiểm tra, chỉ đạo phòng chống dịch tại các xã, thị trấn; chỉ đạo các xã, thị trấn kiểm tra, thống kê chính xác hiện trạng đàn lợn của địa phương, đăng ký mua vắc xin tai xanh, mua hoá chất tiêu độc, khử trùng; giao cho trưởng thôn, xóm và thú y cơ sở quản lý, giám sát dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi; yêu cầu các hộ kinh doanh buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn ký cam kết tạm dừng việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn trong thời gian có dịch. Đồng thời lập và duy trì 92 chốt gác kiểm dịch; trong đó có 7 chốt cấp huyện, 85 chốt cấp xã và ký cam kết với 52 bến phà, đò (Trực Ninh 10/10 đò, Xuân Trường 1 bến phà và 9/9 đò, Nghĩa Hưng 26/26 đò, Giao Thuỷ 6/6 đò) không nhận vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn. Các huyện đã đầu tư kinh phí mua 16,5 nghìn liều vắc xin, trên 600 tấn vôi bột… cấp cho các xã tiêm, phòng chống dịch. Ngày 31-3-2013 các xã vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng nguy cơ cao đã tổ chức tiêm vắc xin cho đàn lợn, trong đó huyện Trực Ninh tiêm 80.632 con, đạt 89,6%; Xuân Trường tiêm 55.762 con, đạt 95,7%; huyện Hải Hậu tiêm 41.085 con, đạt 72,3% tổng đàn… Đặc biệt ở 25 xã, thị trấn có dịch, công tác khoanh vùng dập dịch, tổ chức tiêu huỷ, vệ sinh khử trùng, tiêu độc; việc quản lý, nuôi dưỡng đàn lợn, cách ly lợn ốm, tự giác khai báo dịch, tiêu huỷ lợn ốm được tăng cường có nhiều tiến bộ.

Do được chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống, dập dịch với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, đoàn thể và người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ… nên đến ngày 10-5-2013 tỉnh ta đã khống chế được dịch lợn tai xanh. Huyện Xuân Trường đến ngày 25-5 công bố hết dịch, huyện Trực Ninh và xã Hải Đường (Hải Hậu) công bố hết dịch vào cuối tháng 5-2013./.

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com