Với chủ đề “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP 2013 do Bộ Y tế tổ chức sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 15-4 đến ngày 15-5. Đây được coi là tháng cao điểm để tuyên truyền phòng chống ngộ độc thức ăn, bệnh dịch do ăn uống và lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo khảo sát tại vùng chuyên trồng rau ở các xã Nam Dương (Nam Trực), Mỹ Tân (Mỹ Lộc) và một số địa phương trong tỉnh, nông dân vẫn sử dụng thuốc BVTV ngoài danh mục trên 200 loại thuốc BVTV sử dụng cho rau xanh do Bộ NN và PTNT ban hành. Nguyên nhân do các loại thuốc không rõ nguồn gốc bán trôi nổi trên thị trường vừa dễ mua, giá rẻ hơn các loại thuốc BVTV có thương hiệu. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV (Sở NN và PTNT) cho biết, các loại thuốc trừ sâu nhãn hiệu DUO XIAO MEISU, MI DAN 10WP, DIAZOL, SHA CHONG SUANG 90W… đều nằm trong danh mục thuốc BVTV do Bộ NN và PTNT quy định. Hầu hết các loại thuốc BVTV này đều có độ độc ở nhóm II, nếu sử dụng không đúng hướng dẫn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một số loại phân bón qua lá, qua khảo sát thu thập mẫu trên các cánh đồng rau ở 2 xã, qua kiểm tra cũng không nằm trong danh mục Bộ NN và PTNT quy định cho phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Được biết loại phân bón qua lá dùng để kích thích các loại rau, củ, quả thường có chứa chất Thiourea độc hại, được cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (U.S EPA) xếp vào loại chất độc nhóm B2. Dù vậy, các loại phân bón qua lá có chứa Thiourea vẫn bày bán tự do phổ biến trên thị trường. Không chỉ riêng các loại rau, củ, quả tươi mà các loại thực phẩm như: thịt bò, thịt lợn, thịt gà cũng đang là mối lo ngại của người tiêu dùng về tồn dư vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc tăng trọng, thuốc kháng sinh bị cấm và kim loại nặng có thể gây ngộ độc và rối loạn nội tiết ở người. Với diện tích trên 20 nghìn ha sản xuất rau, quả các loại, hằng năm sản lượng rau quả của tỉnh ta tương đối lớn. Trong chăn nuôi, tổng đàn lợn toàn tỉnh thường đạt hơn 700 nghìn con và hàng triệu con gia cầm, tổng sản lượng thịt các loại hằng năm đạt khoảng 80 nghìn tấn. Cùng với đó là hàng trăm cơ sở thu mua, chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, chợ nông sản và các cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp... Tình trạng sử dụng bừa bãi thuốc BVTV trên rau, thuốc tăng trọng, thuốc kháng sinh đã bị cấm trong chăn nuôi luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý và gây tâm lý bất an cho người tiêu dùng.
Các cơ quan chức năng cần hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV nằm trong danh mục quy định của Bộ NN và PTNT, nhằm đảm bảo an toàn môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng (Trong ảnh: Nông dân xã Nam Dương, huyện Nam Trực phun thuốc phòng bệnh đốm lá cho cây cà chua). |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, năm 2012, Sở NN và PTNT đã thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Các đơn vị trực thuộc sở đã tổ chức hàng trăm cuộc kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản và các hộ dân sử dụng thuốc BVTV. Năm 2012, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã tổ chức 7 đoàn kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông sản. Kết quả, có 44 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, phân bón, sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm chưa đáp ứng các yêu cầu về điều kiện sản xuất, kinh doanh cũng như điều kiện VSATTP. Chi cục BVTV tiến hành thanh tra 177 cửa hàng sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV, phát hiện 45 trường hợp vi phạm các điều kiện đảm bảo sản xuất, kinh doanh. Chi cục Thú y đã tiến hành xử lý 7 vụ vi phạm kinh doanh thuốc ngoài danh mục, chất lượng thuốc không đảm bảo theo tiêu chuẩn công bố. Thực hiện chương trình giám sát dư lượng hóa chất độc hại trên sản phẩm nông sản, Chi cục cũng đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế Thành phố Nam Định tổ chức kiểm tra và tiến hành kiểm nghiệm 18 mẫu thịt lợn, 6 mẫu thịt gà, 9 mẫu rau, củ, quả để phân tích các chỉ tiêu ATTP. Kết quả, phát hiện một mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV Profenofos nhưng dưới mức cho phép. Trong 18 mẫu thịt lợn, có 2 mẫu thịt lợn tại huyện Mỹ Lộc, Thành phố Nam Định dương tính với vi trùng Salmonella, 13 mẫu thịt lợn đều nhiễm E.Coli vượt nhiều lần so với mức cho phép. Chương trình giám sát dư lượng hóa chất độc hại trên sản phẩm nông sản đã giúp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của các cơ quan, đơn vị chức năng trong phát hiện những nông sản có dư lượng hóa chất BVTV, thuốc kháng sinh vượt mức cho phép. Qua đó, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, khuyến cáo cho người sản xuất nâng cao nhận thức trong việc sử dụng hóa chất, thuốc BVTV, thuốc kháng sinh an toàn, hiệu quả...
Để tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nông sản, năm 2013 Sở NN và PTNT tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó thực hiện việc kiểm tra định kỳ; duy trì công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cơ quan kiểm tra cấp tỉnh, huyện, xã đáp ứng yêu cầu quản lý thống nhất chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông sản theo chuỗi; tiếp tục tổ chức các đợt kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc, chế phẩm, hóa chất dùng trong chăn nuôi, thú y; kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất BVTV và các vật tư nông nghiệp. Tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Thường xuyên giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vệ sinh thú y, ATTP; kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo điều kiện ATTP trong các khâu sản xuất. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và thực hiện các chương trình giám sát dư lượng kháng sinh, hóa chất độc hại trong sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật cho nông dân, xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm áp dụng các quy phạm sản xuất tốt (GAP, VietGAP…). Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương, đẩy mạnh hoạt động quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông sản./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh