Tăng cường công tác an toàn, VSLĐ-PCCN ở doanh nghiệp nhỏ và làng nghề

07:04, 23/04/2013

Tuần lễ Quốc gia AT, VSLĐ-PCCN lần thứ 15 năm 2013 có chủ đề “Tăng cường văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”. Ngay từ đầu tháng 3, các ngành chức năng, các địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú trên Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh; hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã; kẻ vẽ hàng nghìn băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp phích tại trung tâm các huyện, thành phố, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; biên soạn, in ấn 10 nghìn tờ gấp "Hướng dẫn an toàn sử dụng máy điện cầm tay”; 10 nghìn tờ gấp “Hướng dẫn trang cấp và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân” phát cho các doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) làm việc trong môi trường có nguy cơ cao về tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu AT, VSLĐ-PCCN, thu hút 2.200 người tham gia. Trong Tuần lễ Quốc gia AT, VSLĐ-PCCN, các ngành chức năng, các huyện, thành phố và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực có yêu cầu cao về AT, VSLĐ-PCCN đã tổ chức 25 cuộc mít tinh hưởng ứng với gần 2.400 người tham gia...

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác an toàn, VSLĐ-PCCN tại Cty CP La Xuyên Vàng, xã Yên Ninh (Ý Yên).
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác an toàn, VSLĐ-PCCN tại Cty CP La Xuyên Vàng, xã Yên Ninh (Ý Yên).

Qua đó đã thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và NLĐ đối với công tác AT, VSLĐ-PCCN. Trong dịp này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều tiến hành rà soát, kiện toàn bộ phận thực hiện công tác AT, VSLĐ-PCCN; tự kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về AT, VSLĐ-PCCN; huấn luyện nghiệp vụ cho đội PCCC và bổ sung trang bị phương tiện, dụng cụ PCCC; huấn luyện AT, VSLĐ cho NLĐ và trang bị thiết bị an toàn lao động, cung cấp bảo hộ lao động cá nhân... Toàn tỉnh đã tổ chức 191 lớp huấn luyện AT, VSLĐ-PCCN cho 17.250 lao động; tổ chức 168 cuộc thực hành phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn với 5.850 người tham gia.

Cùng với việc chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp, cơ sở tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia AT, VSLĐ-PCCN, BCĐ Tuần lễ Quốc gia AT, VSLĐ-PCCN tỉnh và các huyện, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về AT, VSLĐ-PCCN tại các doanh nghiệp, đơn vị trọng điểm. Trong đó, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra tại 6 doanh nghiệp, 2 làng nghề có nguy cơ cao về AT, VSLĐ, sự cố cháy nổ, gồm: Cty TNHH ga Phúc Thái, Cty TNHH và Thương mại Nam Anh; Tổng Cty CP Dệt may Nam Định; Cty CP Dược phẩm Minh Dân, Cty CP May Nam Định (TP Nam Định); Cty CP Tấm lợp Bạch Đằng (Mỹ Lộc), làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) và làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). Các huyện, thành phố đã tổ chức 34 cuộc kiểm tra liên ngành tại 220 doanh nghiệp; phát phiếu tự kiểm tra về công tác AT, VSLĐ-PCCN tại 1.200 doanh nghiệp; tổ chức 9 cuộc đo kiểm tra môi trường lao động tại 37 doanh nghiệp; tổ chức 28 cuộc khám sức khỏe định kỳ cho 2.260 lượt NLĐ. Qua kiểm tra tại các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy một số địa phương, đơn vị như: Thành phố Nam Định, các huyện Xuân Trường, Giao Thuỷ; Ban quản lý các KCN tỉnh, Sở LĐ-TB và XH, Sở Y tế, Sở Công thương, Công an tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định; Bưu điện tỉnh, Cty Điện lực Nam Định, Cty CP Xăng dầu dầu khí Nam Định, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định... đã tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về AT, VSLĐ-PCCN lần thứ 15 năm 2013. Nhìn chung các doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về AT, VSLĐ-PCCN. Công tác đảm bảo AT, VSLĐ-PCCN tại các đơn vị, doanh nghiệp được quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác AT, VSLĐ-PCCN ở các làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và các hộ sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Ý thức, trách nhiệm của một số người sử dụng lao động và NLĐ chưa thực sự được nâng cao, việc lập hồ sơ theo dõi về công tác AT, VSLĐ-PCCN chưa thực hiện đầy đủ, công tác bảo đảm an toàn điện trong sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện AT, VSLĐ-PCCN cho NLĐ. Việc cập nhật các văn bản quy định về AT, VSLĐ-PCCN ở một số doanh nghiệp còn nhiều hạn chế... Tại các nơi kiểm tra, đoàn kiểm tra đã tuyên truyền cho người sử dụng lao động và NLĐ về tầm quan trọng của công tác AT, VSLĐ-PCCN đối với sức khỏe, sự an toàn của chính NLĐ và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; chỉ rõ những hạn chế, thiếu sót và những nguy cơ mất an toàn lao động, nguy cơ cháy nổ, đồng thời yêu cầu đơn vị khắc phục ngay các thiếu sót trong thời gian nhất định.

Với những hoạt động thiết thực, đồng bộ từ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, đôn đốc đến kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, BCĐ Tuần lễ Quốc gia AT, VSLĐ-PCCN tỉnh, BCĐ các huyện, thành phố đã thu hút sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trong công tác AT, VSLĐ-PCCN. Sau tuần lễ, các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có nguy cơ cao về ATLĐ và cháy nổ đã nhận thức được tầm quan trọng trong công tác bảo đảm AT, VSLĐ-PCCN, tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức cho NLĐ bằng biện pháp tập huấn, trang bị các phương tiện, kỹ thuật bảo hộ lao động, AT, VSLĐ-PCCN. Các tầng lớp nhân dân, nhất là người sử dụng lao động và NLĐ đã nâng cao ý thức tự giác trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về AT, VSLĐ-PCCN.

AT, VSLĐ-PCCN là một trong những yêu cầu quan trọng, xuyên suốt trong quá trình sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, vì vậy các cấp, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người sử dụng lao động và NLĐ nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo đảm AT, VSLĐ-PCCN, không chỉ trong tuần lễ mà là việc làm thường xuyên, liên tục. Các ngành, các huyện, thành phố, các đoàn thể tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra về AT, VSLĐ-PCCN đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức các chương trình tuyên truyền, huấn luyện nhằm làm chuyển biến nhận thức và ý thức của người sử dụng lao động và NLĐ trong công tác AT, VSLĐ-PCCN,  góp phần giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ trong sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com