Giáp Tết, khi vấn đề an toàn thực phẩm đang làm đau đầu người tiêu dùng (NTD), thì họ lại phải giật mình sửng sốt và muôn phần lo lắng vì tin loại đồ chơi thú nhún của Trung Quốc sản xuất nguy hiểm cho trẻ em. Cụ thể là trên các báo mạng đồng loạt thông tin “Giữa tháng 12-2012, Hiệp hội tin dùng sản phẩm dịch vụ của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (SPRING) đã ra thông báo thu hồi gần 400 thú nhún sau khi NTD khiếu nại về loại đồ chơi này. Sau khi nhận được khiếu nại của NTD về sản phẩm, SPRING đã gửi mẫu đồ chơi đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy những đồ chơi này có phthalates, một chất hoá dẻo để làm mềm các vật liệu dễ vỡ, đặc biệt là một số polyme. Đây là chất có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của cơ thể.
Thú nhún bày bán tại cửa hàng đồ chơi trên phố Lê Hồng Phong (TP Nam Định). |
Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao. Chất hóa dẻo DBP, DOP có tác dụng giống như hormon nữ, vì thế rất có hại cho nam giới và đặc biệt là ở trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em gái có nguy cơ dậy thì quá sớm...”. Các bà mẹ tá hỏa khi đọc thông tin này, vì đây là loại đồ chơi khá được trẻ em nước ta ưa chuộng. Tin về nhiều loại đồ chơi Trung Quốc độc hại đối với trẻ em do sử dụng nguyên liệu hóa chất độc không phải là mới, song trước đây mọi người chỉ cảnh giác với các loại đồ chơi trẻ có thể cho vào mồm gặm… Riêng với thú nhún không ai nghĩ đến độc hại vì chủ yếu các cháu chỉ ngồi lên cưỡi. Rất nhiều gia đình hoang mang và vứt bỏ ngay loại đồ chơi này sau khi nhận được thông tin. Đáng chú ý nữa là ngay sau khi có thông tin này, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH và CN) đã tiến hành lấy 2 mẫu thú nhún được sản xuất tại Trung Quốc và gửi đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 1 để thử nghiệm chỉ tiêu hợp chất phthalate. Kết quả cho thấy, các mẫu kiểm tra đồ chơi thú nhún chứa hàm lượng phthalates bất thường, trong 16 chỉ tiêu phân tích, 1 mẫu thú nhún màu vàng có tổng 5.016,1mg/kg, còn mẫu màu đỏ có tổng các hợp chất phthalates là 9.540,6mg/kg. Hiện tại, được biết chưa có số liệu về các chỉ số gây độc hay lượng tối đa cho phép sử dụng phthalates trong nhựa theo tiêu chuẩn Việt Nam. Trả lời phỏng vấn các báo, PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên hóa học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện chỉ có một số nước tiên tiến Canada, Mỹ, EU có tiêu chuẩn cụ thể, đặc biệt với đồ chơi trẻ em mà trẻ có thể cho vào miệng, với ngưỡng an toàn từ 1.000mg/kg trở xuống. Chất phthalates được sử dụng trong nhựa để làm mềm, dẻo nhựa. Chất này được sử dụng rộng rãi, bởi đây là một chất dẻo hóa tương đối an toàn trong ngành nhựa. Đồng thời, nó cũng được sử dụng trong mỹ phẩm, trong thực phẩm (làm cho nhũ hóa, làm không bị lắng) với hàm lượng nhất định không gây hại. Thông thường người ta quy định 0,1-0,2% trong nhựa, nhưng ở một số trường hợp vì muốn nhựa dẻo hơn họ có thể trộn phthalates với hàm lượng cao hơn. “Chất này rất dễ tách ra khỏi nhựa, bởi nó chỉ là chất để làm dẻo hóa, rất dễ thôi ra. Khi bị thôi ra, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng phải với hàm lượng rất cao. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến mức nào thì đến nay cũng chưa có một bằng chứng, thử nghiệm nào trên người. Chỉ có kết quả thử nghiệm trên chuột, thỏ khi dùng với hàm lượng cao, 3.000mg/kg. Nếu bị ngộ độc cấp tính, hàm lượng phải rất cao, còn nếu chỉ mút đồ chơi khó có hàm lượng cao như vậy. “Ví như họ thử nghiệm, với chuột 3.000mg/kg gây ra những ảnh hưởng về hệ thần kinh, cơ quan sinh sản, với một đứa trẻ 10kg chẳng hạn thì nó phải ăn cỡ chừng 30g, trẻ 20kg phải ăn chừng 60g (bằng một cốc sữa to) mới bị ảnh hưởng”, nhưng cũng không ai khẳng định được việc trẻ em sử dụng đồ chơi này trong thời gian dài thì có tác hại không!? Mặc dù các nhà chuyên môn đã lập tức lên tiếng trấn an NTD, song thực sự nỗi lo về nguy hiểm đến từ đồ chơi Trung Quốc với trẻ em vẫn còn ám ảnh các gia đình.
Việc lấy mẫu xét nghiệm được thực hiện ngay sau khi có thông tin và cũng cho kết quả ngay. Giá như các loại đồ chơi nói riêng, các sản phẩm tiêu dùng xuất xứ từ Trung Quốc nói chung khi xuất hiện ở thị trường nước ta đều được kiểm nghiệm trước để cảnh báo NTD thận trọng khi sử dụng thì sẽ không để NTD phải liên tục giật mình. Hiện nước ta chưa có quy định giới hạn phthalates với sản phẩm đồ chơi thú nhún của trẻ em. Được biết sau vụ việc này, Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa đề nghị Viện Hóa học nghiên cứu, đánh giá giới hạn hàm lượng cho phép của hợp chất này với sản phẩm đồ chơi trẻ em. Nhiều nhà hóa học Việt Nam cho rằng tuy chưa có tiêu chuẩn cụ thể, nhưng nhóm chất trên đều là những chất độc hại, cần có nghiên cứu sâu hơn và cảnh báo đến các bậc cha mẹ. Tại nhiều nước và khu vực trên thế giới như Canada hay Liên minh châu Âu đã đặt ra ngưỡng an toàn của phthalates trong sản phẩm đồ chơi trẻ em là không quá 1.000mg/kg. Giới hạn này áp dụng với các chất như: di (2-ethylhexyl) phthalate (DEHP), dibutyl phthalate (DBP) và benzyl butyl phthalate (BBP), diisononyl phthalate (DINP), diisodecyl phthalate (DIDP) và DNOP. Các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra việc tiếp xúc với các hóa chất trên có thể dẫn đến trục trặc nội tiết, gây ra những vấn đề bất thường tại cơ quan sinh dục, thậm chí gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Tác dụng này thể hiện rõ rệt nhất ở bé trai.
Cần một thời gian nữa để NTD có kết quả đánh giá chính xác thú nhún có gây độc hại cho trẻ em hay không. Song rất cần các cơ chế và quy định cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong kiểm soát hàng tiêu dùng nhập khẩu nói chung, hàng có xuất xứ Trung Quốc nói riêng để NTD không phải giật mình thêm nữa./.
Bài và ảnh: Vân Anh