Năm 2012, hoạt động an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được triển khai sâu rộng đến các ngành, các địa phương, các DN. Những nỗ lực đó, đang góp phần tích cực vào việc giảm tần suất tai nạn lao động.
Năm 2012, là năm thứ hai chúng ta tiếp tục thực hiện Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ và cũng là năm chúng ta tiến hành tổng kết 18 năm thi hành pháp luật ATVSLĐ và định hướng triển khai đến năm 2020. Công tác ATVSLĐ theo đó tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hoạt động sôi nổi. Hệ thống các văn bản pháp luật về ATVSLĐ tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung và sửa đổi để phù hợp với tình hình mới. Hiện, Bộ LĐ-TB và XH đang khẩn trương xây dựng Dự thảo Luật ATVSLĐ và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành liên quan. Việc ban hành luật sẽ tạo hành lang pháp lý hình thành chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với các cơ sở lao động vi phạm quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng người lao động.
Cty CP Mỹ nghệ Nam Hà trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân. Ảnh: Vân Thi |
Bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác ATVSLĐ đã được thành lập từ trung ương đến địa phương và các DN. Công tác tuyên truyền được đa dạng hóa với nhiều hình thức phong phú. Tiêu biểu là việc tổ chức thành công Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ lần thứ 14 nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo người sử dụng lao động và người lao động trong cả nước. Kết thúc tuần lễ đã có hơn 23.000 DN thực hiện tự kiểm tra và 26.854 DN, cơ sở sản xuất được thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và kiểm tra về an toàn phòng cháy, chữa cháy; 3.277 DN và cơ sở sản xuất được tiến hành đo và giám sát môi trường lao động; 182.625 người lao động được khám sức khỏe định kỳ; 606.800 lượt người lao động được huấn luyện ATVSLĐ.
Các hoạt động hợp tác quốc tế về ATVSLĐ tiếp tục được tăng cường và mở rộng với các tổ chức quốc tế, như: ILO, WHO, WB, ADB và các nước trên thế giới cũng như trong khu vực. Chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia cao cấp và thu hút hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho các hoạt động ATVSLĐ. Ví dụ, việc Bộ LĐ-TB và XH với Cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về dự án “Nâng cao năng lực Trung tâm huấn luyện ATVSLĐ” với tổng kinh phí thực hiện dự án trong 3 năm (kể từ năm 2013) là 10 triệu USD, trong đó phía KOICA cam kết sẽ hỗ trợ chúng ta 3,4 triệu USD thực hiện dự án. Hay với việc triển khai dự án “An toàn vệ sinh lao động trong các ngành có nguy cơ cao tại Việt Nam”, các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sẽ hỗ trợ chúng ta thành lập hệ thống các Ban ATVSLĐ ba bên, tập huấn nâng cao năng lực của người lao động, người sử dụng lao động và tổ chức đại diện của họ trong việc phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; cải thiện hệ thống báo cáo tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trên cơ sở phối hợp với Hệ thống bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp quốc gia…
Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, cũng đã tiến hành nhiều hoạt động sôi nổi trong công tác ATVSLĐ. Chẳng hạn, tại Nam Định, Sở LĐ-TB và XH đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu các quy định của pháp luật về ATVSLĐ cho cán bộ, công nhân lao động và nhân dân trên toàn tỉnh thu hút gần 1.000 bài dự thi; biên soạn, in ấn 5.000 sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ trong các DN phát cho các DN; tổ chức 37 lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho 2.185 người lao động làm các nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ…
Theo đánh giá, tần suất các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, đặc biệt gây chết người đang có chiều hướng giảm, nếu như năm 2006 tần suất tai nạn lao động chết người là 7 tai nạn trên 100.000 lao động đến năm 2011 là 5,55 tai nạn trên 100.000 người lao động, như vậy đã giảm 22% tần suất… Và với những nỗ lực trên, chúng ta kỳ vọng rằng, tình hình ATVSLĐ trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến rõ rệt./.
Theo: ven.vn