An toàn VSLĐ-PCCN trong các làng nghề ở Vụ Bản

08:03, 19/03/2012
Hồ sinh học xử lý nước thải tại CCN xã Quang Trung.
Hồ sinh học xử lý nước thải tại CCN xã Quang Trung.

Các làng nghề truyền thống của huyện Vụ Bản như làng rèn xã Quang Trung, mây tre đan, cót xã Vĩnh Hào, dệt xã Thành Lợi…; nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre nứa ghép ở xã Liên Minh luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động dễ gây cháy nổ trong quá trình sản xuất cũng như xử lý nguyên liệu phế thải... Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia An toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) của tỉnh, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện Vụ Bản thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành đến các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tại làng nghề để nhắc nhở, chấn chỉnh các vi phạm về ATVSLĐ-PCCN. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước do hoạt động ngâm tre nứa tại các địa phương, Phòng NN và PTNT huyện đã kết hợp với các xã bố trí lịch điều tiết nước phù hợp để nước lưu thông, hạn chế tồn đọng nước ô nhiễm. Đối với các doanh nghiệp đầu mối sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, Phòng LĐ-TB và XH thường xuyên đôn đốc doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về lao động, cải thiện môi trường làm việc tại các bộ phận tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, có yếu tố độc hại như bộ phận sơn, mài đánh bóng, nhẵn sản phẩm; cải tạo, mở rộng nhà xưởng, tăng cường hệ thống thông hơi, thông gió để hạn chế bụi; trang bị khẩu trang cho người lao động để tránh bụi trong quá trình lao động... Ở xã Quang Trung, Công an xã thường xuyên kiểm tra các hộ làm nghề, hằng năm yêu cầu các hộ và các doanh nghiệp ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về bảo đảm an toàn cháy nổ, an toàn điện; thường xuyên nhắc nhở các hộ thu mua phế liệu để tái chế, phân loại phế liệu loại bỏ những vật liệu có nguy cơ gây nổ trước khi đưa vào lò; Trạm Y tế xã Quang Trung 6 tháng/lần tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân địa phương, chú trọng kiểm tra, tư vấn cho NLĐ đi kiểm tra các bệnh liên quan đến cột sống, bệnh ngoài da, đường hô hấp… Xã đã xây dựng CCN làng nghề để đưa dần hoạt động sản xuất tách xa khu dân cư. Tại CCN đã xây dựng khu sinh thái, hồ sinh học để xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Những hộ còn sản xuất ở trong khu dân cư được quy định giờ làm việc, không hoạt động búa máy vào buổi trưa, đêm gây tiếng ồn. Các hộ làm nghề đều bố trí xây lò vòm vừa tích tụ, tiết kiệm nhiệt, vừa giảm tỏa nhiệt ra môi trường, hạn chế ảnh hưởng đến NLĐ khi đứng gần lò, giảm khói bụi. Xã xây dựng bể nước khu riêng biệt, cung ứng vôi bột để các hộ dân có nhu cầu tôi tẩy kim loại, không tôi tẩy trong khu dân cư vì quá trình này phải sử dụng các hóa chất độc hại. Hiện tại, các hộ làm nghề đều áp dụng công nghệ cắt sắt bằng hơi, hạn chế sử dụng than nên giảm nguy cơ cháy, bụi. Công an xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng bình hơi, gas. NLĐ vận hành búa máy, nhất là các loại công suất lớn từ 50 cân hơi trở lên đều được trang bị găng tay, kính chắn phòng ngừa mảng kim loại văng. Do làm tốt công tác phòng ngừa, các biện pháp cải thiện môi trường sống, môi trường nước, hạn chế khói bụi và nước thải độc hại nên gần đây số người ở địa phương mắc bệnh về đường hô hấp ở làng nghề rèn Quang Trung đã giảm hẳn, bệnh ngoài da hầu như không có.

Tuy nhiên, công tác ATVSLĐ-PCCN trong các làng nghề ở huyện Vụ Bản vẫn còn tồn tại. Ý thức về bảo đảm ATVSLĐ-PCCN của nhiều NLĐ và chủ cơ sở sản xuất vẫn còn hạn chế. Việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ ở các làng nghề do chi phí cao, vượt quá khả năng của y tế cấp xã nên cũng không được tiến hành thường xuyên. Gần đây một số nghề như mây, tre đan gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, quy mô sản xuất bị thu hẹp, nên việc quan tâm đến công tác bảo đảm ATVSLĐ, bảo vệ sức khỏe NLĐ của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn hạn chế.

Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ-PCCN năm 2012, huyện Vụ Bản đã xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể; trong đó đẩy mạnh tuyên truyền về bảo đảm ATVSLĐ-PCCN, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATVSLĐ-PCCN đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để các doanh nghiệp làng nghề hiểu tự giác thực hiện./.

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com