Khuyến nông - Khuyến ngư: Đôi điều cần bàn

07:03, 09/03/2012

Trong những năm qua, lực lượng khuyến nông - khuyến ngư đã đầu tư nghiên cứu, chọn lọc, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp cho nông, ngư dân; thực sự là người bạn đồng hành, tin cậy không những giúp nông dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu mà còn tạo ra tập quán canh tác mới, tiên tiến, thúc đẩy công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, bền vững trên địa bàn toàn tỉnh.

I - Chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật mới

Xác định được vai trò của khuyến nông - khuyến ngư trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh ta là một trong những tỉnh sớm kiện toàn đội ngũ khuyến nông - khuyến ngư từ tỉnh đến huyện, xã, tạo ra lực lượng đông đảo đưa các tiến bộ kỹ thuật để áp dụng, chuyển giao cho nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có 459 cán bộ, nhân viên khuyến nông - khuyến ngư. Trong đó, 34 cán bộ, viên chức có trình độ đại học, trên đại học với đủ các điều kiện làm việc, hoạt động ở Chi cục Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh; 37 cán bộ, viên chức được đào tạo cơ bản với trình độ đại học, trên đại học chuyên ngành đang công tác tại 10 trạm khuyến nông của 10 huyện, thành phố; 388 nhân viên khuyến nông - khuyến ngư và cộng tác viên đang hoạt động tại 211 Ban nông nghiệp xã, phường, thị trấn có sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Chính lực lượng hùng hậu này tạo ra công tác khuyến nông - khuyến ngư trên địa bàn toàn tỉnh khá sôi động và hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực xây dựng mô hình trình diễn những tiến bộ kỹ thuật mới; trong lĩnh vực chuyển giao và thông tin tuyên truyền, phổ biến khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông, ngư nghiệp theo hướng giảm chi phí, giảm công lao động, giảm giá thành… nhưng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, bền vững; từng bước xây dựng nền nông nghiệp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho những sản phẩm sản xuất ra, bảo vệ môi trường sinh thái. Theo yêu cầu của công tác, ngoài những mô hình trình diễn, khảo nghiệm của khuyến nông - khuyến ngư tỉnh, huyện, 388 nhân viên khuyến nông - khuyến ngư cơ sở mỗi năm ít nhất phải xây dựng được một mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất trong bất kỳ lĩnh vực nào: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… nên hằng năm lực lượng khuyến nông - khuyến ngư toàn tỉnh đã xây dựng trên dưới 300 mô hình trình diễn kỹ thuật mới và áp dụng vào sản xuất có hiệu quả. Các mô hình trình diễn các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng đưa giống mới, sản xuất giống cây, con, kỹ thuật chăm sóc bảo vệ cây trồng, vật nuôi… có hiệu quả là nội dung để tổ chức tập huấn kỹ thuật, hội thảo khoa học, tham quan… cho nông dân học tập, trao đổi kinh nghiệm và làm theo.

Trình diễn máy cấy lúa tại xã Tân Thịnh (Nam Trực).
Trình diễn máy cấy lúa tại xã Tân Thịnh (Nam Trực).

Chính từ những mô hình khảo nghiệm, trình diễn, chọn lọc, lực lượng khuyến nông - khuyến ngư đã tham mưu cho ngành NN và PTNT những bộ giống cây, con có chất lượng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của nông dân. Với cây lúa, bộ giống lúa thuần năng suất khá, chất lượng cao đã được nhân ra diện rộng như Bắc thơm số 7, BC15, NĐ1, NĐ5, ĐS1. Đặc biệt giống lúa Bắc thơm số 7 bình quân mỗi vụ chiếm trên dưới 40% tổng diện tích gieo cấy của toàn tỉnh. Đây là giống lúa cho hiệu quả kinh tế cao nhất so với tất cả các giống lúa khác trong nhiều năm nay và gần như thành thương hiệu lúa, gạo của Nam Định. Giống lúa ĐS1 cấy ở tỉnh ta đã được nhiều doanh nghiệp mua để xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Với bộ giống lúa lai D.ưu 527, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111 qua trình diễn đã khẳng định là những giống lúa phù hợp với các chân ruộng chua, mặn, trũng; có sức chống chịu tốt (cả thời tiết, sâu bệnh, cả chống đổ…), cho năng suất cao, chất lượng gạo khá, thị trường tiêu thụ rộng mở. Một điều đáng nói bộ giống lúa lai, lúa thuần trên đều có thời gian sinh trưởng không dài nên giải phóng đất sớm để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông (3 vụ trong 1 năm). Cùng với chọn bộ giống lúa năng suất, chất lượng… thì phương pháp dùng phân bón tổng hợp NPK bón cho lúa cũng được nông dân áp dụng tới trên 80% diện tích. Giống lúa nhiễm sâu bệnh nhiều là Bắc thơm số 7 với phương pháp bón phân cân đối NPK không những cho năng suất cao, mà còn chống sâu bệnh tốt, chống đổ và khá an toàn trong nhiều vụ gần đây. Cây lạc với giống Trạm dầu 207, Sán dầu 30 được khuyến nông xây dựng mô hình năm 1998 đến nay thành giống chủ lực của vùng đất màu, đưa năng suất từ 1,5 tấn/ha (giống lạc cũ) lên 3,7-3,8 tấn/ha, dẫn đầu năng suất lạc của cả nước. Phương pháp dùng ni-lon che phủ cho lạc của khuyến nông Vụ Bản, giảm được công tưới, xới, làm cỏ, vun gốc… mà năng suất đạt tới 4 tấn/ha. Cây khoai tây Solara (Đức), Diaman (Hà Lan) cũng từ mô hình trình diễn của khuyến nông năm 2000, đến nay cho năng suất khá ổn định 140 tạ/ha, lợi nhuận cao nhất trong nhóm cây trồng vụ đông, đạt 115,1 triệu đồng/ha (vụ đông năm 2010), gấp gần 4,1 lần so với cấy lúa vụ mùa cùng trong năm và diện tích vụ đông hằng năm đều đạt gần 3.000ha. Cùng với cây khoai tây ở vùng đất màu, đất 2 vụ lúa với cơ giới nặng (đất thịt) khuyến nông đã đưa cây cà chua hồng, cà chua nhót xây dựng mô hình ở Hải Tây (Hải Hậu) vụ đông năm 2002. Bây giờ cây cà chua đông đã thành một trong những cây chủ lực của tỉnh với diện tích ổn định mỗi năm 1.200ha, hiệu quả kinh tế chỉ đứng sau cây khoai tây. Giá trị sản lượng đạt 128,14 triệu đồng/ha, gấp 3,7 lần cấy lúa vụ mùa (năm 2010), lợi nhuận đạt 106,3 triệu đồng/ha. Đặc biệt cây cà chua nguyên liệu được hình thành với diện tích lớn ở 2 huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng (Hải Hậu 500ha, Nghĩa Hưng 270ha) và nông dân 2 huyện này không những trồng cà chua đông mà còn phát triển cà chua xuân, biến chân đất cấy 2 vụ lúa trong năm thành 2 vụ màu và 1 vụ lúa (2 vụ cà chua + 1 vụ lúa mùa). Rồi các cây cải dầu, dưa hấu, rau VietGAP… cũng được khuyến nông đưa vào xây dựng mô hình hiệu quả cao để nhân ra diện. Cùng với phương pháp canh tác bón cân đối NPK cho cây trồng, rút nước phơi ruộng khi lúa đẻ đủ nhánh, gieo mạ nền, cấy lúa non… lực lượng khuyến nông còn xây dựng các mô hình cơ giới hóa đồng ruộng. Mô hình sạ hàng thay cho cấy lúa truyền thống được khuyến nông đưa vào từ vụ xuân năm 2007, giảm 60% công lao động nặng nhọc, tiết kiệm được lúa giống, rút ngắn thời gian sinh trưởng 7-8 ngày, 1 lao động dùng ống sạ hàng làm 1 ngày bằng 30 người cấy thủ công, năng suất tăng 10-15%... Và cũng từ năm 2007 khuyến nông đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch thay cho gặt lúa bằng liềm, hái và vò máy. Máy gặt đập liên hợp không những  giải phóng đất nhanh (1 ca máy bằng trên 90 lao động gặt thủ công), mà còn ít rơi vãi, giá rẻ hơn… so với gặt thủ công truyền thống. Hiện nay, khuyến nông đang xây dựng mô hình dùng máy làm đất công suất trung bình thay cho máy làm đất công suất nhỏ, mô hình máy cấy thay cho cấy thủ công ở các vùng không chủ động tưới tiêu, nhất là trong vụ mùa hay mưa, úng.

Trong chăn nuôi, khuyến nông đã xây dựng mô hình lợn hướng nạc, nuôi gà an toàn sinh học, chăn nuôi gà mô hình VietGAP; chăn nuôi vịt đẻ, ngan Pháp, gà siêu trứng, siêu thịt; chăn nuôi thỏ ngoại, bò lai Sind… theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp với thời gian nuôi ngắn đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh đã mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại… Đồng hành với khuyến nông, công tác khuyến ngư cũng được tăng cường áp dụng các tiến bộ mới vào sản xuất cả trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Từ những mô hình nuôi cá bống bớp vùng nước lợ đã tạo ra vùng nuôi lớn Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng với mỗi ha nuôi, khá bền vững. Với phương pháp nuôi an toàn, bền vững, lợi nhuận từ con cá bống bớp nuôi đạt 50% tổng vốn đầu tư. Nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Cá chim biển vây vàng, cá vược, cá song cũng là đối tượng nuôi mới hiệu quả cao, khuyến ngư đã xây dựng mô hình có sức thuyết phục và đang được nhân rộng. Để phá thế chỉ chuyên nuôi cá truyền thống ở vùng nước ngọt, khuyến ngư đã xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi cá diêu hồng, nuôi cá lóc bông, cá rô đồng, cá rô đầu vuông, cá trắm đen… hiệu quả kinh tế cũng đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần nuôi cá truyền thống. Từ mô hình nuôi hiệu quả, khuyến ngư đã xây dựng các mô hình sinh sản nhân tạo cá giống thủy sản quý hiếm, chất lượng cao để cung cấp cho người nuôi con giống tốt, sạch bệnh, phù hợp với môi trường nuôi của địa phương. Đặc biệt trong khai thác hải sản, khuyến ngư đã xây dựng mô hình đánh bắt bằng lưới rê, lưới rê nhiều tầng thay cho kéo giã, tiết kiệm nhiên liệu, phù hợp với tàu xa bờ, nhiều cá ngon và sản lượng lớn. Trong cả vụ cá Nam và cá Bắc, đánh bắt bằng lưới rê, lưới rê nhiều tầng đều bắt được nhiều cá ngon, nhất là các loại cá quý hiếm ở tầng đáy sâu hàng trăm mét (thu, nhụ, đé, dưa…). Với các tàu câu chụp mực, khuyến ngư cũng đã cải tiến từ 2 tăng gông thành 4 tăng gông, hiệu quả cao hơn nhiều… Từ những mô hình hiệu quả của khuyến nông - khuyến ngư không những được nhân rộng mà còn là những kinh nghiệm quý, làm cơ sở tham mưu cho ngành NN và PTNT, cho tỉnh có cơ chế khuyến khích cái mới phát triển như: khuyến khích mở rộng diện tích cây vụ đông; khuyến khích các hộ xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất giống; khuyến khích tập thể, cá nhân mua máy gặt đập liên hợp… thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa./.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Tất Thắc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com