Mặc dù diện tích nuôi trồng và số lượng tàu thuyền khai thác năm 2011 đều giảm so với năm 2010 song sản lượng sản xuất thủy sản tăng trên 4.525 tấn và giá trị sản lượng tăng gần 551 tỷ đồng, tạo ra một bước phát triển mới và từng bước bền vững.
I - Nuôi trồng phát triển
Là một năm rét kéo dài suốt cả sang tháng 3, đặc biệt các đợt rét đậm, rét hại trong tháng 3 làm thất thoát giống nuôi thả, nhưng theo đánh giá của ngành NN và PTNT thì nuôi trồng thủy sản năm 2011 được mùa cả sản lượng và giá trị. Mặc dù diện tích nuôi trồng năm 2011 giảm 173ha so với năm 2010 nhưng sản lượng đạt 53.230 tấn, tăng 3.925 tấn, bằng 108,2%; giá trị sản xuất đạt 1.690 tỷ 507 triệu đồng, tăng 25,85% so với năm 2010 và giá trị thu nhập trên 1ha nuôi trồng năm 2011 đạt bình quân 108,63 triệu đồng, cao nhất từ trước tới nay. Điều đáng nói là trong năm 2011 diện tích nuôi trồng đều giảm ở cả 2 vùng nuôi mặn lợ và nuôi nội đồng nhưng sản lượng cả 2 vùng nuôi đều tăng khá. Tổng diện tích nuôi vùng mặn lợ năm 2011 là 6.136ha, giảm 78ha, song sản lượng nuôi đạt 26.136 tấn, tăng 1.741 tấn. Tổng diện tích nuôi thủy sản vùng nội đồng năm 2011 là 9.321ha, giảm 199ha so với năm 2010 nhưng tổng sản lượng đạt 27.094 tấn, tăng 2.184 tấn. Nếu so với các năm 2008, 2009 thì tổng sản lượng còn vượt cao.
Vùng nuôi mặn lợ mặc dù con tôm sú tổng diện tích nuôi có giảm gần 200ha so với trước đây song từng vùng nuôi đã rút kinh nghiệm nên chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến là chính và nuôi xen canh với các đối tượng khác như cá bống bớp, cua… do vậy sản lượng vẫn đạt 1.250 tấn, tăng 24% so với năm 2010 và tôm sú hầu như không bị bệnh. Một số mô hình nuôi thâm canh do tập trung đầu tư về kỹ thuật, sử dụng các chế phẩm sinh học thay cho dùng hóa chất nên năng suất tôm sú đạt tới trên dưới 6 tấn/ha như ở Trung tâm giống hải sản hoặc hộ ông Nguyễn Mạnh Hoạch ở Bạch Long (Giao Thuỷ)… mở ra phương pháp nuôi bền vững. Đặc biệt, con tôm thẻ chân trắng, năm nay diện tích nuôi đã tăng lên hàng trăm ha, nhiều nhất là ở Giao Thuỷ cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định và hướng nuôi bền vững được các hộ nuôi tuân thủ khá tốt. Năm 2011, lần đầu tiên diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đạt gần 200ha, trong đó hơn 100ha nuôi thâm canh. Năng suất nuôi thâm canh bình quân đạt 13 tấn/ha, nuôi bán thâm canh cũng đạt trên 3 tấn/ha. Ưu điểm của tôm thẻ chân trắng là tốc độ sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn (3 tháng), nuôi được ở mật độ cao, sản phẩm đầu ra ổn định… Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã hướng dẫn 60 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với trên 60ha nuôi tại vùng nuôi Giao Phong (Giao Thuỷ) theo quy chuẩn GAP đã cho nguồn thu bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm sau khi đã trừ hết các chi phí vật chất. Một số hộ nuôi thâm canh 2-3 vụ cho nguồn thu trên dưới 2 tỷ đồng/ha/năm. Đặc biệt Cty RTD Viễn Đông (Nghĩa Hưng) đầu tư 50ha nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2011, vụ đầu tiên cũng thu hoạch 300 tấn.
Cải tạo đầm nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hải Chính (Hải Hậu). |
Cùng với nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi ngao phát triển theo hướng bền vững là thế mạnh của tỉnh ta và hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi tôm thẻ chân trắng mà hoàn toàn không phải dùng thức ăn cho loại nuôi nhuyễn thể này. Việc nạo vét sông Vọp, cải tạo môi trường Vườn quốc gia Xuân Thủy đưa nguồn thức ăn và lượng nước ngọt về với trên 1.400ha vùng nuôi đã xây dựng thương hiệu “Ngao Giao Thuỷ” được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ nuôi ngao của Giao Thuỷ đã đạt năng suất 80-100 tấn/ha cho thu lãi trên dưới 2 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài từng bước chủ động ngao giống bằng sinh sản nhân tạo, mô hình quản lý cộng đồng nuôi ngao do tổ chức MCD giúp đỡ với kỹ thuật chọn bãi, cải tạo nền đáy bãi nuôi, tạo môi trường đáy thuận lợi, chọn thời điểm thả giống, quản lý sản phẩm… nên năng suất tăng lên rõ rệt và hiện tượng ngao chết của các năm trước giảm hẳn. Hiện tại, 210ha nuôi ngao của Nghĩa Hưng cũng đang áp dụng để tăng năng suất và tăng hiệu quả nuôi ngao, một thế mạnh riêng có ở 2 huyện Giao Thuỷ và Nghĩa Hưng. Cùng với nuôi cua biển, cá bống bớp… nuôi cá song, cá vược, cá chim biển vây vàng là đối tượng nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao cũng được các hộ nuôi vùng mặn lợ mở rộng. Riêng diện tích nuôi cá song, cá vược trong năm đã đưa lên 471ha với sản lượng trên 1.000 tấn và lãi ròng đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm.
Nuôi thủy sản nước ngọt (vùng nuôi nội đồng) cũng tiếp tục phát triển. Ngoài nuôi cá truyền thống do có kinh nghiệm, được tập huấn kỹ thuật, cải tạo ao nuôi, công tác quản lý chăm sóc tốt… nên nhiều hộ nuôi đạt năng suất 4-6 tấn/ha/năm, cao hơn 20-25% so với trước đây… thì đối tượng nuôi mới hiệu quả cao như cá rô phi đơn tính đực, rô đồng, cá lóc bông… được mở rộng. Diện tích nuôi cá rô phi đơn tính đực năm 2011 toàn tỉnh đạt 249ha, tăng 130ha so với năm 2010. Hiện tại nuôi cá rô phi đơn tính đực đã hình thành vùng nuôi tập trung với sản lượng hàng hóa lớn như các vùng Hải Châu (Hải Hậu), Nam Vân (TP Nam Định), Mỹ Thắng (Mỹ Lộc)… tiêu thụ thuận lợi và giá cả cao hơn. Nuôi cá lóc bông tập trung ở các vùng nuôi Nghĩa Bình, Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng)… với tổng diện tích trên 44ha với sản lượng trên 744 tấn, nhiều hộ nuôi cho thu nhập 150-200 triệu đồng/ha. So với nuôi hải sản vùng mặn lợ, nuôi thủy sản vùng nước ngọt sản lượng và hiệu quả có thấp hơn nhưng so với cấy lúa thì hiệu quả cao gấp 2-4 lần. Nhiều cơ sở, hộ nuôi trồng vùng nước ngọt cho thu nhập 300-400 triệu đồng/ha khi đã trừ hết chi phí.
Nuôi trồng thủy sản phát triển và đạt hiệu quả cao ngoài kỹ thuật nuôi được cải tiến, môi trường nuôi được cải thiện, trách nhiệm cộng đồng được nâng cao… thì công tác khuyến ngư và chủ động sản xuất giống tại địa phương góp phần rất lớn. Đặc biệt công tác sản xuất giống thủy sản đã được tỉnh ta rất quan tâm nên từng bước chủ động giống tốt cho các hộ nuôi đúng thời điểm và đã được Bộ NN và PTNT công nhận là trung tâm giống thủy sản của miền Bắc. Hiện tại toàn tỉnh có 52 trại, trung tâm sản xuất giống thủy sản. 30 trại, trung tâm giống hải sản, năm 2011 đã sản xuất 3.740 triệu con giống các loại, tăng 177% so với năm 2010. Ngoài các giống phục vụ đối tượng nuôi chính như tôm sú, cua biển, cá bống bớp… năm nay là năm đầu tiên các trại giống hải sản trong tỉnh đã sản xuất 3,3 tỷ giống nhuyễn thể (chủ yếu là ngao, tu hài), tăng gấp gần 2 lần so với năm ngoái. Một số giống hải đặc sản như cá chim biển vây vàng, cá song, cá vược, cá thủ đất… cũng đã sản xuất giống nhân tạo thành công. Ở khu vực nuôi nước ngọt, các giống cá truyền thống đã chiếm lĩnh thị trường các tỉnh phía Bắc miền Trung và toàn bộ các tỉnh phía Bắc. Công nghệ sản xuất cá lăng chấm, rô đồng… cũng ngày càng hoàn thiện nhằm đáp ứng đủ con giống tốt cho người nuôi. Đặc biệt nguồn giống thủy sản sản xuất trong tỉnh chất lượng hơn hẳn giống nhập từ nơi khác về, người nuôi thủy sản trong và ngoài tỉnh tin tưởng về nguồn giống cả giống vùng mặn lợ cũng như giống cho nuôi vùng nước ngọt, nhiều trại giống đã khẳng định thương hiệu của mình. Các giống nhập từ nơi khác về cơ bản được kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc… nên tạo điều kiện cho nuôi trồng thủy sản phát triển.
Tuy tốc độ phát triển còn chậm, chưa thật ổn định và vững chắc; sản xuất thủy sản còn phân tán nhỏ lẻ, chưa tạo ra các vùng nguyên liệu lớn tập trung, chất lượng sản phẩm chưa cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; công tác tổ chức, chỉ đạo sản xuất, quản lý thực hiện quy hoạch và sự phối hợp giữa ngành NN và PTNT với các huyện, thành phố cũng như các địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên… Nhưng vẫn có thể khẳng định năm 2011 nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã có chuyển biến tiến bộ, tạo đà cho những năm tới đạt tốc độ cao, bền vững./.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Tất thắc