Chỉ sau hơn một năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) tại tỉnh ta, nhiều vùng quê đã có những bước phát triển rõ nét. Trong đó, nổi bật là kết quả xây dựng NTM của xã Hải Đường (Hải Hậu), không chỉ dẫn đầu toàn tỉnh mà còn là mô hình được cả nước đến tham quan, học tập. Tuy nhiên, để có kết quả ấy, xã thuần nông, không có nhiều điều kiện ưu đãi cán bộ, nhân dân xã Hải Đường đã trải qua không ít những trăn trở suy tính để tìm được lời giải đúng cho bài toán khó: “Làm sao xây dựng NTM thành công ?”.
I - Hải Đường lấy phát triển kinh tế làm động lực
Về Hải Đường hôm nay, những ai từng đến sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Những xóm làng nằm dọc con sông Đối bây giờ trù phú lên nhiều lắm. Đường đi của cả 26 thôn xóm đều rộng rãi. Chợ Hải Đường còn thơm mùi vữa mới. Cả con sông Đối cũng hai bờ vuông vức, xanh trong soi bóng những hàng cau bên bờ…
Diện mạo khang trang của xã Hải Đường (Hải Hậu). |
Trong tổng số 96 xã, thị trấn tham gia xây dựng NTM giai đoạn 1 (2011-2015) của tỉnh ta, Hải Đường (Hải Hậu) được chọn là xã điểm của toàn quốc nên triển khai xây dựng NTM sớm nhất, từ tháng 5-2009. Là xã có điều kiện khó khăn hơn so với các xã điểm của toàn quốc cùng triển khai xây dựng NTM năm 2009 nhưng xã Hải Đường đã “bứt phá”, vươn lên tốp dẫn đầu toàn quốc, trở thành mô hình để các địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đến hết năm 2011, Hải Đường đạt 13 tiêu chí về quy hoạch, giao thông, điện, trường học, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, môi trường, tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM, tăng tới 8 tiêu chí so với trước khi xây dựng NTM. Ngoài ra, Hải Đường còn có 3 tiêu chí đã thực hiện trên 50% là thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và văn hóa. Để trả lời câu hỏi vì sao Hải Đường gặt hái thành công trong triển khai xây dựng NTM trước hết phải quay lại với thời điểm xuất phát của công cuộc này. Với tổng diện tích 1.051ha, dân số gần 13 nghìn người chủ yếu sống bằng nông nghiệp, vì vậy thu ngân sách hằng năm của xã thấp, chỉ đạt trên 850 triệu đồng năm 2009. Cũng năm 2009, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7,5 triệu đồng/người/năm. Khi tiếp nhận chỉ đạo và bắt tay vào xây dựng NTM, mặc dù lãnh đạo, nhân dân xã Hải Đường đều phấn khởi, tin tưởng nhưng đều không thể tránh khỏi lo lắng khi tổng nhu cầu vốn xây dựng NTM của xã trong 5 năm lên tới 127 tỷ đồng, trong đó lấy sức dân là chính. Đồng chí Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Quản lý xây dựng NTM Hải Đường cho biết, sau khi quy hoạch xây dựng NTM được duyệt, tại Hải Đường đã diễn ra tổng số 218 hội nghị để thống nhất hai vấn đề chính. Vấn đề thứ nhất đó là thống nhất được mức đóng góp bằng tiền, bằng ngày công đối với các công trình chung của xã, các công trình xây dựng ở thôn, xóm mà cộng đồng dân cư được hưởng lợi thì huy động nhân dân từ 40-50% kinh phí. Vấn đề thứ hai là kinh phí để xây dựng NTM. Trong bối cảnh xã còn nghèo, thu nhập người dân thấp, lãnh đạo và nhân dân Hải Đường quyết định tập trung phát triển kinh tế trước để nâng cao đời sống nhân dân đồng thời tạo nguồn lực bền vững xây dựng NTM.
Trong hơn 2 năm qua, tại Hải Đường diễn ra đồng thời 2 cuộc chuyển biến lớn. Đó là công cuộc xây dựng NTM được triển khai theo quy hoạch, dần hiện hình một Hải Đường mới khang trang, văn minh, văn hóa. Bên cạnh đó, chưa bao giờ tại Hải Đường sôi động như hiện nay về những suy tính, trăn trở, nỗ lực từ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đến mỗi người dân về phương kế phát triển kinh tế. Xã phát động các cuộc thi đua thực hiện các nội dung phát triển kinh tế, từ phát triển các ngành nghề phù hợp ở 26 xóm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến dồn điền đổi thửa, đào tạo nghề, xây dựng làng nghề, phát triển trang trại, chỉnh trang đồng ruộng… Cùng với tập trung thâm canh 609ha lúa, đưa năng suất bình quân tăng gần 15% so với năm 2009, xã còn khai thác, đưa vào 120ha vườn với gần 300 giống cây ăn quả đạt năng suất, giá trị cao, chuyển đổi mô hình, con giống trong nuôi trồng thủy sản, đưa sản lượng cá tăng từ 84,5 tấn năm 2009 lên 150 tấn năm 2011, xây dựng thành công 35 mô hình trang trại, gia trại... Hải Đường tạo điều kiện cho Cty CP Đầu tư Hải Đường thuê 4,5ha đất và các điều kiện về dạy nghề, tuyển dụng để xây dựng xưởng may trị giá 23 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 400 lao động trong xã; thực hiện 4 mô hình phát triển ngành nghề với 18 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo việc làm cho 1.820 lao động trong xã với thu nhập ổn định khoảng 2 triệu đồng/người/tháng… Từ ruộng đến vườn, ao, nghề, các hộ trong xã cải thiện được mức thu nhập. Ông Phạm Văn Định ở xóm 21 cho biết: “Theo chủ trương của xã, tôi cải tạo 3ha vườn tạp sang trồng các giống mới như hồng xiêm, xoài, vải, nhãn, bưởi Diễn… Trước đây, cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, bây giờ vườn thành nguồn thu nhập chính, đem về hàng trăm triệu đồng mỗi năm”. Chị Phạm Thị Linh, công nhân may tại Cty CP Đầu tư Hải Đường cho biết: “Ngoài lương hơn 2 triệu đồng về nhà tôi cùng chồng làm ruộng, chăn nuôi thêm mỗi tháng gia đình tôi có thu nhập trên 5 triệu đồng”. Phong trào học nghề, học kỹ thuật chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng diễn ra ở từng nhà, từng người trong xã, các hộ làm trước chỉ cách cho người làm sau, cùng thi đua làm giàu.
Chỉ sau hơn 2 năm, kinh tế của Hải Đường đã đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2011, tổng thu ngân sách đạt trên 5 tỷ đồng. Cơ cấu sản xuất chuyển biến tích cực với tỷ trọng CN-TTCN tăng từ 20% lên 48,5%, cơ cấu lao động nông nghiệp giảm từ 80% xuống còn 55%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7,5 triệu đồng lên 15,83 triệu đồng/năm; số hộ giàu, khá tăng 15% và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,96%. Tăng trưởng về kinh tế tạo ra tác động kép đối với xây dựng NTM, đó là cùng với có đủ điều kiện để đóng góp thì do mức sống tăng, nhận thức, nhu cầu của người dân Hải Đường tất yếu đòi hỏi một môi trường sống đầy đủ, hiện đại và hoàn thiện hơn. Nhiều người trong xã có ý kiến, đóng góp vượt mức để thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM sớm về đích hơn. Trong hơn 2 năm, toàn xã đã huy động được gần 70,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước đạt 28,1 tỷ đồng nhưng vốn doanh nghiệp và vốn huy động nhân dân đóng góp lên tới gần 37,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã Hải Đường đã lập và triển khai 19 dự án, trong đó 16 dự án trị giá trên 34,2 tỷ đồng đã hoàn thành, 3 dự án trị giá 29,9 tỷ đồng gồm công trình trụ sở xã, nhà văn hóa xã và hệ thống cấp nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, nhờ nguồn lực kinh tế dư giả, người dân Hải Đường đã đầu tư trên 51,5 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, xây mới nhà ở, ao, vườn, sân, ngõ, công trình vệ sinh và đầu tư thành lập trang trại, gia trại, mở xưởng sản xuất, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM của xã./.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Hoàng Long