Ghi ở Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thủy

08:03, 28/03/2012
Các em lớp nghề đang thực hành may trang phục đơn giản cho bản thân.
Các em lớp nghề đang thực hành may trang phục đơn giản cho bản thân.

Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thủy thường xuyên có gần 100 học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 20 tuổi ở các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Vụ Bản; trong đó khoảng 80% học sinh nội trú. Các em đều bị một dạng khuyết tật từ khiếm thị nhẹ, câm điếc, khó vận động, chậm phát triển trí tuệ, hay đa tật. Vượt lên những khó khăn về cơ sở vật chất, môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ, 16 cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu, chăm sóc, dạy dỗ các cháu chu đáo. Cô giáo Bùi Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong một lớp học với nhiều học sinh ở nhiều độ tuổi, dạng tật, khả năng nhận thức khác nhau, yêu cầu đặt ra là ngoài dạy văn hóa, dạy nghề, các thầy cô còn rèn luyện cho các em những kỹ năng sống cơ bản, bảo đảm từng bữa ăn theo đúng khẩu phần, nền nếp sinh hoạt… Từ năm 2007 trở lại đây, các chế độ trợ cấp xã hội của các em được chuyển về cấp phát tại địa phương, đến trường các em chỉ đóng góp tiền ăn theo thỏa thuận với mức 10 nghìn đồng và 5 lạng gạo/ngày/cháu. Thế nhưng nhiều gia đình vẫn không có khả năng đóng góp đúng hạn, nhà trường phải tranh thủ các nguồn tài trợ để bù đắp. Việc bảo đảm đủ sĩ số các lớp học cũng là vấn đề nan giải, nhất là vào dịp mùa vụ, sau kỳ nghỉ lễ, trời mưa… Khó khăn là vậy, nhưng với tâm huyết của người thầy, tình thương yêu cảm thông sâu sắc với những thiệt thòi của các em và gia đình, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn tận tụy chăm sóc các em. Nhiệm vụ của nhà trường là dạy các em học hết bậc tiểu học theo chương trình của Viện Khoa học giáo dục, sau đó dạy nghề để các em sau khi ra trường có thể làm việc tự nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Để thực hiện được điều đó, cùng với việc chăm sóc, dạy dỗ các em, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường luôn tự học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đến nay, nhà trường có 4 người có trình độ đại học, 7 người trình độ cao đẳng, 3 người trình độ trung cấp. Ngoài 2 giáo viên được đào tạo chuyên ngành giáo dục chuyên biệt, các cán bộ quản lý và giáo viên khác đều được cử đi tham gia các khóa tập huấn về giáo dục chuyên biệt nên chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng lên. Năm học 2011-2012, nhà trường đã phân ra lớp học dành riêng cho trẻ câm điếc và lớp học cho trẻ đa dạng tật, chậm phát triển trí tuệ để thuận lợi cho việc dạy học. Các thầy cô giáo cho biết, tuy bị khuyết tật nhưng các em chăm chỉ học tập nên có nhiều em sau khi ra trường có tay nghề may đã được các doanh nghiệp, cơ sở may trên địa bàn nhận vào làm với thu nhập đủ sống. Năm học 2010-2011, có 4 học sinh khiếm thính của trường đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, khoa giáo dục đặc biệt... Đó là niềm khích lệ đội ngũ giáo viên của trường vượt lên những khó khăn thường nhật để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cùng các cấp, các ngành chăm lo cho những người khuyết tật. Ghi nhận những đóng góp của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, nhiều năm liền, Trường Trẻ em khuyết tật Giao Thủy đã được Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh khen thưởng./.

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com