Sau nhiều năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Dân số - KHHGĐ, công tác Dân số - KHHGĐ ở tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thiết thực vào chủ trương giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng dân số.
Tuy nhiên thách thức trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dân số giai đoạn 2016-2020 của tỉnh ta là tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng; việc cải thiện sức khỏe sinh sản cho nhóm dân số đặc thù, chăm sóc người cao tuổi (NCT) dựa vào cộng đồng còn nhiều khó khăn, bất cập... Theo số liệu thống kê đến ngày 1-6-2016, toàn tỉnh có 243.700 NCT, chiếm 12,1% dân số trong đó gần 80% NCT sống ở nông thôn, là nông dân, không có lương hưu. Tuổi thọ trung bình hiện nay của NCT toàn tỉnh là 73,9 tuổi, tuy nhiên tuổi thọ trung bình khỏe mạnh chỉ là 66 tuổi. Số NCT trong tỉnh có sức khỏe tốt chỉ chiếm 5,3%, bình thường 77% và yếu còn tới 17,7%. Mặc dù, các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động chăm sóc NCT nhưng công tác khám, chữa bệnh cho NCT vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chi phí khám, chữa bệnh vẫn là gánh nặng cho NCT và gia đình. Điều kiện tiếp cận nhanh chóng của NCT với các cơ sở khám, chữa bệnh còn nhiều hạn chế (60% không khám bệnh định kỳ với lý do không có tiền; 52,7% cho biết phải tự chi trả kinh phí khám, chữa bệnh; 46,7% được BHYT chi trả; 26,7% được gia đình chi trả và 0,7% được các tổ chức từ thiện chi trả). Trên địa bàn tỉnh vẫn còn 49,7% NCT phải lao động để kiếm sống; trong đó, 27% NCT đang tham gia trực tiếp sản xuất, kinh doanh; 38% tham gia các công việc gia đình phụ giúp con cháu làm kinh tế; 6,7% làm người giúp việc và chăm sóc người ốm; 28,3% làm nội trợ, đưa đón cháu đi học và các công việc gia đình khác. Bên cạnh đó, tỉnh ta có quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và vẫn tiếp tục tăng, cơ cấu dân số biến động mạnh, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn cao. Trong khi đó, một số địa phương, đơn vị chưa quan tâm lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu công tác Dân số - KHHGĐ; có cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số nhưng chưa xử lý kịp thời. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, vẫn tồn tại tư tưởng thích đông con, nhiều cháu, mong muốn có con trai nối dõi tông đường. Hiện nay Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện, thành phố có 50 cán bộ biên chế, bộ máy tổ chức chưa thực sự ổn định, cán bộ làm dân số cấp xã thay đổi nhiều và chưa được tuyển thành viên chức nên họ chưa thật yên tâm công tác; thù lao cho đội ngũ này chưa tương xứng nhiệm vụ được giao. Nguồn lực đầu tư cho các chương trình Dân số - KHHGĐ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một vấn đề nữa đặt ra là: Qua nghiên cứu về “Nhận thức của người dân, cán bộ và thực trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại tỉnh Nam Định” do Chi Cục Dân số - KHHGĐ triển khai năm 2015 cho thấy, tỷ lệ bạo lực gia đình đối với phụ nữ là 53,8% (trong đó, bạo lực thể xác là 39,9%; bạo lực tinh thần là 48,8%; bạo lực kinh tế là 7,9% và bạo lực tình dục là 3,4%). Bên cạnh đó, một số đề án nâng cao chất lượng dân số chưa đạt mục tiêu đề ra như: sàng lọc trước sinh và sơ sinh mới chỉ dừng ở đối tượng được miễn phí; việc xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ Dân số - KHHGĐ, việc cải thiện sức khỏe sinh sản cho nhóm dân số đặc thù, chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng còn nhiều khó khăn, bất cập...
|
Một buổi tư vấn chăm sóc SKSS-KHHGĐ tại Hội KHHGĐ tỉnh. |
Để nâng cao chất lượng dân số đoạn 2016-2020, tỉnh ta đề ra 9 mục tiêu cơ bản; trong đó, phấn đấu duy trì tốc độ giảm sinh trung bình mỗi năm 0,1
0/
00. Nâng cao sức khỏe bà mẹ và trẻ em; giảm bệnh, tật và tử vong ở trẻ em; giảm tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản. Giảm nhiễm khuẩn đường sinh sản; chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm ung thư đường sinh sản. Cải thiện sức khỏe sinh sản của vị thành niên và thanh niên. Tăng tỷ lệ điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thân thiện với người chưa thành niên và thanh niên lên trên 20% tổng số điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Giảm số người chưa thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn xuống dưới 0,3%. Giảm tỷ số giới tính khi sinh xuống còn 110 cháu trai/100 cháu gái. Tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào triển khai chính sách, xây dựng và quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp. Để thực hiên thắng lợi các mục tiêu của chương trình dân số trong giai đoạn tới cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền đối với công tác Dân số - KHHGĐ, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ. Triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các hoạt động truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi, bình đẳng giới, với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, chú trọng khu vực khó khăn, đối tượng khó tiếp cận nhằm nâng cao nhận thức, thái độ thực hành dân số, sức khỏe sinh sản. Mở rộng giáo dục về dân số - sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong và ngoài nhà trường. Mở rộng các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người già, đảm bảo người già được tiếp cận một cách bình đẳng và phù hợp các loại hình chăm sóc sức khỏe. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ tăng cường công tác tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Tăng cường đầu tư cho công tác Dân số - KHHGĐ. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát, đánh giá chương trình dân số, đặc biệt việc thực hiện Pháp lệnh Dân số, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền, tư vấn để mọi người gắn quyền sinh sản với nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện KHHGĐ, xây dựng gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Tiếp tục phát huy sự phối hợp hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản - KHHGĐ để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chương trình. Thực hiện lồng ghép dân số và KHHGĐ với phát triển gia đình bền vững nhằm hỗ trợ các gia đình trong độ tuổi sinh đẻ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt ở các xã vùng xa, xã ven biển, xã khó khăn./.
Bài và ảnh:
Việt Thắng