Tăng cường các biện pháp nhằm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con

09:06, 07/06/2016
Theo số liệu của Bệnh viện Phụ sản tỉnh, năm 2015, có 11.560 sản phụ sinh đẻ; trong 4 tháng đầu năm 2016, có 3.493 sản phụ sinh đẻ tại bệnh viện. Trong số đó, đã phát hiện 21 trường hợp mang thai nhiễm HIV và có 15 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con và được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, 5 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đang được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bác sĩ Phạm Văn Oánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản tỉnh cho biết: Nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV được chăm sóc và điều trị dự phòng kịp thời thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con sẽ giảm đáng kể. Việc ngăn ngừa và hạn chế lây truyền HIV từ mẹ sang con là một mục tiêu mang ý nghĩa sâu sắc về mặt xã hội và mang tính nhân đạo cao. Đây cũng là mục tiêu của Chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, một trong các chương trình ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, tầm nhìn đến năm 2020 đặt ra. 
 
Hiệu quả của các biện pháp can thiệp, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được khẳng định tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh. Tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh, nếu như những năm từ 2008 đến 2011, sản phụ nhiễm HIV chiếm khoảng 0,24-0,29% số sản phụ vào sinh đẻ thì những năm gần đây, tình hình sản phụ nhiễm HIV vào sinh đẻ tại bệnh viện chiếm khoảng 0,14% số sản phụ vào sinh đẻ. Để đạt được kết quả đó, hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được Bệnh viện Phụ sản tỉnh triển khai từ năm 2004. Từ đó đến nay bệnh viện đã tư vấn xét nghiệm HIV cho hàng vạn thai phụ, điều trị phòng lây truyền mẹ con cho vài chục phụ nữ mang thai nhiễm HIV, cung cấp sữa ăn thay thế sữa mẹ cho 100% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV trong 6 tuần đầu sau sinh. Bên cạnh đó, bệnh viện phối hợp với các dịch vụ phòng khám ngoại trú tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho tất cả các cháu bị phơi nhiễm với HIV. Có thể khẳng định, Bệnh viện Phụ sản tỉnh đã thành công trong việc điều trị cho những cháu bé được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm HIV theo phác đồ Life Gape với kết quả cao. Đến nay, việc điều trị phòng lây truyền mẹ con đã được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, chủ yếu tại các cơ sở sản khoa có sinh tuyến tỉnh và Bệnh viện Đa khoa 10 huyện, thành phố. Theo thống kê tại tất cả các cơ sở sản khoa cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện như Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Bệnh viện Đa khoa 10 huyện, thành phố, khi được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con, tỷ lệ các cháu bị lây truyền HIV từ mẹ đã giảm rõ rệt. Khi được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con ngay từ đầu, tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống còn 0-2%.
Tư vấn phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định.
Tư vấn phòng lây nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định.
Thực hiện Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016 do Bộ Y tế phát động từ 1-6 đến 30-6-2016, UBND tỉnh đã có Công văn số 141/UBND chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai tổ chức Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2016 với nhiều hoạt động thiết thực. Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tổ chức tuyên truyền lưu động tại các trọng điểm dân cư, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai về HIV/AIDS và đặc biệt là vấn đề lây nhiễm HIV từ mẹ sang con bằng các hình thức phù hợp. Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh phối hợp với Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh chỉ đạo thực hiện Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con theo hệ thống Chăm sóc sức khỏe sinh sản tại tất cả các tuyến trên địa bàn tỉnh; tư vấn về HIV/AIDS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai; tư vấn về các can thiệp giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện có; giới thiệu phụ nữ mang thai có nguy cơ lây nhiễm HIV tới các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện để được tư vấn, xét nghiệm HIV; giới thiệu phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và đến các cơ sở điều trị HIV/AIDS để được đánh giá lâm sàng và điều trị HIV/AIDS; tăng cường các hoạt động khám, quản lý thai sản, cung cấp các dịch vụ về KHHGĐ cho phụ nữ nói chung và phụ nữ nhiễm HIV nói riêng. Các đơn vị cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền mẹ con như Bệnh viện Phụ sản tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Giao Thủy, Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu, Bệnh viện Đa khoa huyện Giao Thủy, Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, tư vấn và xét nghiệm ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai đến khám thai tại các cơ sở y tế. Mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại tuyến xã, lồng ghép trong các tư vấn chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ; tăng cường cơ chế phối hợp để chuyển gửi hiệu quả giữa cơ sở phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV với cơ sở điều trị HIV/AIDS, đảm bảo phụ nữ mang thai nhiễm HIV phải được điều trị ARV sớm để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; đảm bảo việc cung ứng thuốc ARV liên tục, sử dụng phác đồ điều trị phù hợp, hỗ trợ tuân thủ điều trị cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV để giảm tối đa tình trạng nhiễm HIV từ mẹ. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, tăng cường sự tiếp cận và chất lượng các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng các biện pháp như tổ chức các hoạt động quảng bá dịch vụ, kéo dài thời gian mở cửa, thực hiện tối đa hoạt động giới thiệu dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để phục vụ khách hàng tốt hơn. Bệnh viện Nhi tỉnh phối hợp với Bệnh viện Phụ sản tỉnh và các đơn vị liên quan điều trị ARV và theo dõi tình trạng nhiễm HIV của trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV theo quy định của Bộ Y tế; tư vấn và lấy mẫu máu làm xét nghiệm phát hiện sớm nhiễm HIV cho trẻ dưới 12 tháng tuổi; cung cấp sữa ăn thay thế cho các trường hợp người chăm sóc trẻ đủ điều kiện và lựa chọn nuôi con hoàn toàn bằng sữa ăn thay thế sữa mẹ. Trung tâm Truyền thông - GDSK tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Bệnh viện Đa khoa các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin, xét nghiệm… cho phụ nữ mang thai, phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
 
Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang tích cực góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng ở tỉnh ta./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com