Tăng viện phí, người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng lợi

08:04, 12/04/2016
Từ ngày 1-3-2016, các cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước chính thức tăng viện phí theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Đồng chí Nguyễn Lương Ba, Phó giám đốc BHXH tỉnh cho rằng: “Việc điều chỉnh giá viện phí sẽ có tác động tích cực đối với người có thẻ BHYT. Người bệnh sẽ không phải bỏ tiền để đóng góp cho các khoản chi phí mà trong thực tế đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế. Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng… đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế và sẽ do Quỹ BHYT chi trả. Ngành BHXH cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ không thu thêm của người bệnh những khoản đã được tính vào giá dịch vụ y tế”. 
 
Việc điều chỉnh viện phí trong năm 2016 được chia làm 2 giai đoạn. Từ ngày 1-3, viện phí sẽ tính thêm phụ cấp đặc thù ngoài các chi phí trực tiếp hiện nay là thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ trực tiếp sử dụng để thực hiện các dịch vụ. Viện phí mới này trước mắt áp dụng thanh toán đối với người bệnh có thẻ BHYT. Với người không có thẻ BHYT vẫn áp dụng mức giá như hiện nay. Đến ngày 1-7, giá các dịch vụ, kỹ thuật khám, chữa bệnh sẽ tính thêm tiền lương của nhân viên y tế. Việc điều chỉnh giá về cơ bản không làm ảnh hưởng đến người nghèo, cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách xã hội vì chi phí khám, chữa bệnh của các đối tượng này đã được BHYT thanh toán và ngân sách hỗ trợ. Khi đi khám, chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%). Đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm tiền. Bác sĩ Hoàng Mạnh Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu cho biết: Thực hiện Luật BHYT sửa đổi, sau 1 tháng thực hiện Thông tư 37, bệnh viện thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khám, chữa bệnh cho người thuộc diện chính sách, người nghèo, người có công, người có thẻ BHYT, trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Nhà nước. Tăng viện phí để đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí, góp phần giảm bớt khó khăn cho các bệnh viện, hạn chế những tiêu cực, nhũng nhiễu trong khám, chữa bệnh và nâng cao đời sống cho các y, bác sĩ là việc làm cần thiết. Việc tính tiền lương, phụ cấp vào giá sẽ góp phần thay đổi tư duy của cán bộ y tế khi chính BHYT và người bệnh là người trả lương cho mình. Bên cạnh đó, điều chỉnh giá viện phí cũng giúp các bệnh viện có chi phí để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám bệnh; mua sắm trang bị điều hoà, máy tính, phát triển, triển khai các kỹ thuật mới... góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Nếu bệnh viện phục vụ không tốt, chất lượng không tốt, thì bệnh nhân không đến khám, chữa bệnh, không có nguồn tài chính để chi trả tiền lương và hoạt động.
Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khám, chữa bệnh cho người thuộc diện chính sách, người nghèo, người có công, người có thẻ BNHYT.
Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khám, chữa bệnh cho người thuộc diện chính sách, người nghèo, người có công, người có thẻ BHYT.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện được khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện khác trong phạm vi tỉnh mà không cần giấy chuyển tuyến (thông tuyến huyện). Bộ Y tế đã có Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định cụ thể đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh có hiệu lực từ 1-1-2016. Theo đó, người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã, hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện khác trong cùng địa bàn tỉnh. Tại tỉnh ta, qua hơn 3 tháng thực hiện, quy định về thông tuyến đã có những tác động tích cực đến người có thẻ BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh và quỹ BHYT. Cụ thể, đối với người có thẻ BHYT, đã thuận lợi hơn rất nhiều khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được khám, chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được khám, chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Quy định thông tuyến thúc đẩy chất lượng khám, chữa bệnh tăng lên để thu hút người bệnh và người có thẻ BHYT được hưởng lợi. Đối với cơ sở khám, chữa bệnh, quy định thông tuyến sẽ giúp các cơ sở khám, chữa bệnh có tinh thần thái độ phục vụ, chất lượng khám, chữa bệnh tốt thu hút được nhiều bệnh nhân, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân mà không phụ thuộc nhiều vào số lượng thẻ BHYT đăng ký ban đầu. Cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đây là vấn đề rất quan trọng đối với các cơ sở y tế. Quy định thông tuyến còn buộc các cơ sở khám, chữa bệnh phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ và như vậy cơ sở khám, chữa bệnh đã tạo nên lợi ích kép từ việc này.
 
Theo số liệu của BHXH tỉnh, số người tham gia BHXH, BHYT tính đến tháng 3-2016 là 1.273.648 người. Số thu BHXH-BHYT-BHTN tính đến tháng 3-2016 là 311,021 tỷ đồng. Đến hết tháng 3-2016, BHXH tỉnh đã thẩm định chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 161.203 lượt người, với số tiền trên 43 tỷ 934,7 triệu đồng. Trong đó, khám, chữa bệnh ngoại trú: 147.285 lượt người với số tiền trên 24 tỷ 227,9 triệu đồng; khám, chữa bệnh nội trú: 13.918 lượt người với số tiền trên 19 tỷ 706,7 triệu đồng. Việc tăng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT sẽ có ảnh hưởng tới Quỹ BHYT, vì mức phí chi trả cho người có thẻ BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh tăng lên so với trước. Để quản lý được Quỹ BHYT, ngành BHXH tỉnh tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng Luật BHYT để nâng cao nhận thức của nhiều người về trách nhiệm và quyền lợi, từ đó tự giác tham gia và thụ hưởng BHYT. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để tăng thêm nguồn Quỹ BHYT. Mặt khác phải tăng cường công tác giám định và kiểm tra tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, để hạn chế việc lạm dụng thẻ và trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT. Đối với ngành BHXH, Luật BHYT sửa đổi, cụ thể là triển khai Thông tư 37 và Thông tư số 40 quy định cụ thể đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh có hiệu lực từ 1-1-2016 đã tạo cơ sở pháp lý để cải tiến, đổi mới công tác quản lý Quỹ BHYT; quy định rõ trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện thu, chi Quỹ BHYT; trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT với cơ sở khám, chữa bệnh và việc trích tỷ lệ kết dư Quỹ BHYT cho các địa phương để bảo đảm cân đối quỹ BHYT. Đây là bước tạo đà cho mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHYT trong năm 2016 và những năm tiếp theo./.
 
Bài và ảnh: Việt Thắng


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com