Tăng cường các giải pháp phòng chống lao

07:03, 24/03/2016
Những năm qua, hệ thống phòng chống lao toàn tỉnh được củng cố, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Chương trình chống lao quốc gia. Mạng lưới chống lao được củng cố ở cả ba tuyến tỉnh, huyện, xã (phường). Công tác xã hội hóa, truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở. Hằng năm, 100% dân số được Chương trình chống lao quốc gia bảo vệ: Công tác phát hiện đạt trên 110% kế hoạch, đặc biệt chú trọng nguồn lây lao phổi AFB (+) đưa vào quản lý điều trị; 100% số bệnh nhân phát hiện được quản lý điều trị bằng hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOTS) hằng năm đạt tỷ lệ khỏi cao (trên 90%); công tác xét nghiệm đạt chất lượng, vượt chỉ tiêu kế hoạch, tỷ lệ sai sót thấp... Tổng số bệnh nhân lao quản lý được trên địa bàn tỉnh tính đến hết năm 2015 là 2.987 bệnh nhân, trong đó, tổng số bệnh nhân phát hiện năm 2015 là 1.951 bệnh nhân, trong đó phát hiện 75 trường hợp trẻ em bị nhiễm lao, 26 trường hợp lao/HIV, 58 trường hợp lao kháng đa thuốc… 
Xét nghiệm khí máu động mạch tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh.
Xét nghiệm khí máu động mạch tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh.
Tuy nhiên, công tác phòng chống lao của tỉnh vẫn đang đối mặt với những thách thức không nhỏ: Bệnh nhân lao kháng đa thuốc đang ngày càng gia tăng, lao/HIV diễn biến phức tạp, việc quản lý bệnh lao ở trẻ em ngày càng khó khăn. Với khoảng 10% số bệnh nhân kháng đa thuốc xuất hiện hằng năm đang là mối nguy và thách thức lớn đối với cộng đồng và đối với những người làm công tác phòng chống lao. Bên cạnh đó, nhận thức về bệnh lao còn hạn chế ở một bộ phận nhân dân; đặc biệt, sự thiếu hụt cán bộ làm công tác chống lao, thiếu kinh phí hoạt động, công tác truyền thông phòng, chống lao đạt kết quả chưa cao dẫn đến việc nhiều người dân còn thờ ơ, kỳ thị với bệnh lao; vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho công tác phòng, chống lao... Trước thực trạng trên, công tác truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hình thức, đồng thời với việc kêu gọi các cơ quan tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và cộng đồng tham gia vào hoạt động phòng chống bệnh lao. Mỗi năm, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh phát khoảng 100 nghìn tờ rơi, 2.000 áp phích có nội dung phòng chống lao, tăng cường kiểm soát bệnh lao cho 229 đơn vị xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, thông qua các kênh truyền thông đại chúng của tỉnh như Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh, hệ thống đài phát thanh huyện và đài truyền thanh cơ sở đã tập trung chuyển tải các thông điệp về phòng chống lao. Đặc biệt, nhân Ngày Thế giới chống lao (24-3) hằng năm, các đơn vị, địa phương làm công tác phòng chống lao đã phát động chiến dịch truyền thông quy mô từ tỉnh đến huyện, xã, phường, thôn xóm bằng các hình thức mít tinh, diễu hành, cổ động cùng với việc phát đi các thông điệp kêu gọi “Đổi mới tư duy”, “Đổi mới hành động”, “Vì Việt Nam không còn bệnh lao”… Các chủ đề nhằm vận động tăng cường cam kết chính trị - đầu tư nguồn lực của địa phương cho công tác phòng chống lao, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao, đồng thời kêu gọi các cơ quan tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cộng đồng tham gia vào hoạt động phòng chống bệnh lao. Ngoài ra, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh còn cung cấp kiến thức về bệnh lao, lao/HIV cho học viên Trung tâm Chữa bệnh giáo dục và lao động xã hội tỉnh; tổ chức phát băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, sách nhỏ cho 10 huyện, thành phố và 25 xã, phường trên địa bàn thành phố; tổ chức các đợt tuyên truyền về bệnh lao tới những điểm đông dân cư như Chợ Rồng, Ga Nam Định, Bến xe Nam Định, Siêu thị Big C và tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao về các nội dung phòng và điều trị bệnh lao, lao/HIV. Công tác đào tạo huấn luyện về phòng chống lao cũng được quan tâm. Định kỳ, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh tổ chức các lớp tập huấn như: tập huấn thực hiện chương trình chống lao cho một số xã, phường trong tỉnh; tập huấn kỹ năng tư vấn xét nghiệm HIV cho bệnh nhân lao cho cán bộ làm công tác chống lao, HIV tuyến tỉnh, huyện; tập huấn kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở chuyên khoa lao cho cán bộ chống lao/HIV tỉnh, huyện; tập huấn chuyển tiếp chuyển tuyến bệnh nhân lao/HIV cho cán bộ làm công tác chống lao và HIV; tập huấn kỹ năng giám sát Chương trình chống lao cho cán bộ chống lao tuyến huyện; tập huấn triển khai hoạt động phối hợp y tế công - tư trong công tác phòng chống bệnh lao; tập huấn quản lý chương trình chống lao cho cán bộ chống lao tuyến huyện; tập huấn triển khai hệ thống quản lý bệnh lao trên mạng internet… Riêng năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh đã tổ chức tập huấn về hệ thống quản lý và giám sát thông tin điện tử trong phòng chống bệnh lao Vitimes cho cán bộ chống lao tuyến huyện; tập huấn triển khai hoạt động lao trẻ em cho cán bộ chuyên trách lao tuyến xã, huyện; tập huấn quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc cho cán bộ chống lao tuyến tỉnh, huyện…
 
Cùng với công tác truyền thông, công tác đào tạo huấn luyện về phòng chống lao, tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh đang triển khai các kỹ thuật cận lâm sàng mới như: Triển khai máy Gene - Xpert  để chẩn đoán lao và lao kháng đa thuốc trong vòng 2 giờ; triển khai máy MGIT - BACTEC 320, máy nuôi cấy lỏng, chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao sau 1 tuần; xét nghiệm khí máu động mạch để xác định được các rối loạn thông khí máu, rối loạn thăng bằng toan kiềm, từ đó tìm nguyên nhân và cách điều trị phù hợp ở những bệnh suy hô hấp, rối loạn toan - kiềm... Đặc biệt, mới đây, thực hiện Đề án 1816, Bệnh viện Phổi Trung ương đã giúp Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh triển khai thành công một số kỹ thuật mới như: Kỹ thuật nội soi phế quản, màng phổi ống mềm, kỹ thuật xét nghiệm khí máu động mạch. Việc triển khai các kỹ thuật mới này cùng với kỹ thuật chẩn đoán lao - lao đa kháng thuốc nhanh (sau 2 giờ) bằng máy Gene-Xpert tại bệnh viện đã nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, giúp cứu chữa được một số ca bệnh hiểm nghèo về lao ngay tại tuyến tỉnh. Ngoài ra, công tác kiểm tra giám sát của tuyến tỉnh tại các đơn vị tuyến huyện, tuyến xã, phường được tăng cường; đặc biệt là giám sát quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc để kịp thời uốn nắn những sai sót và triển khai phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới nhằm đảm bảo tốt mục tiêu của Chương trình chống lao quốc gia. Ngoài ra, được sự giúp đỡ của Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh đã triển khai xây dựng đề tài: Khảo sát tình hình nhiễm, mắc lao và các biện pháp phòng chống lây nhiễm tại cơ sở chống lao và các cơ sở y tế khác; đề tài lao kháng thuốc tại Nam Định, triển khai và nghiệm thu các đề tài cấp cơ sở, góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chuyên môn.
 
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống lao, thời gian tới cần có sự cam kết chính trị mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể người dân trong cộng đồng; sự sẻ chia trách nhiệm, đầu tư nguồn lực của địa phương trong kế hoạch phòng chống lao. Bên cạnh đó, cán bộ chống lao cần thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động hiệu quả ở các tuyến./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com