Trong những năm gần đây, mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo về tác hại của ma túy đối với con người, nhưng vẫn còn không ít người không thấy rõ tác hại của nó. Đây cũng là nguyên nhân gây nên những hành vi phạm tội, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và là một trong những nguyên nhân lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng.
Ma túy được đưa vào cơ thể qua các đường: Hút, hít, nhai, nuốt, tiêm chích... gây ra trạng thái nhiễm độc, lú lẫn tâm trí, các phản ứng loạn tâm thần, tổn thất lên hệ thống thần kinh trung ương gây nên những trạng thái tâm lý không bình thường, làm mất đi một số chức năng cơ bản vốn có của cơ thể, tạo thành những ảo giác, cảm giác mới lạ hoặc làm giảm cơn đau. Nếu sử dụng lâu sẽ gây ra sự lệ thuộc hay còn gọi là nghiện, khi ngưng hay không sử dụng tiếp, người nghiện sẽ bị các rối loạn hay còn gọi là “hội chứng cai thuốc” gây cơn vật vã dữ dội như: Tiêu chảy, nôn, đau nhức cơ xương, tim đập hỗn loạn, không ăn, mất ngủ, sụt cân nhanh chóng... làm cho người nghiện đau đớn, khổ sở không chịu được buộc phải tiếp tục sử dụng ma túy. Có thể nói, ma túy làm hủy hoại sức khỏe, làm mất khả năng lao động, học tập, làm cho thần kinh người nghiện bị tổn hại.
Ma túy và các chất gây nghiện chính là độc chất, chỉ cần dùng quá liều sẽ dẫn đến tử vong. Ngoài ra, cơ thể người nghiện còn bị tổn thương hay nhiễm trùng do cách sử dụng, tức người nghiện dùng chung bơm kim tiêm không được tiệt trùng dẫn đến lây nhiễm viêm gan vi-rút B, C, đặc biệt là HIV/AIDS. Người nghiện hít hê-rô-in, cô-cai-in thì bị thủng vách mũi; người hút cần sa thì bị viêm nhiễm đường hô hấp. Đồng thời, do chỉ quan tâm đến sử dụng ma túy để đạt khoái cảm, người nghiện không thiết đến ăn uống và tình trạng này thường là kéo dài nên người nghiện bị suy kiệt, từ đó dễ bị nhiễm nhiều bệnh cùng một lúc. Ma tuý còn gây tác hại lâu dài đến hệ thống hoóc-môn sinh sản, làm giảm khả năng sinh hoạt tình dục, làm suy yếu nòi giống. Phụ nữ mang thai nghiện ma túy sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của bào thai, dị dạng thai nhi, nhiễm độc bào thai, trẻ sinh ra sẽ chậm lớn, đần độn. Bên cạnh đó, người dùng ma túy còn phải chịu những tác hại khác như: hoại tử tế bào gan, ảo thính, ảo thị...
Tệ nạn ma túy không chỉ có tác hại khu trú ở cá nhân mà còn tác động đến gia đình và xã hội, chỉ cần gia đình có một người nghiện thì nếp sống gia đình bị xáo trộn, tiền bạc bị thất thoát, sức khỏe của các thành viên trong gia đình bị giảm sút, tình cảm bị rạn nứt. Không những thế, người nghiện rất có thể làm bất cứ điều gì dù cho ảnh hưởng đến an ninh trật tự hay trở thành tội phạm miễn sao có tiền để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Tác hại của ma túy là khó lường, do đó các bậc cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm, gần gũi, chăm sóc con cái, nhất là ở độ tuổi mới lớn; tích cực giáo dục phòng ngừa không cho trẻ lâm vào con đường nghiện ngập…
Hiện nay ngành Y tế đang thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và Trung tâm Y tế một số huyện. Tất cả những người nghiện ma túy dạng thuốc phiện hãy liên hệ ngay với các cơ sở điều trị Methadone để được tư vấn và điều trị./.
Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nam Định