Mô hình truyền thông phòng chống dịch bệnh tay - chân - miệng ở Tam Thanh

08:11, 23/11/2015
Xã Tam Thanh (Vụ Bản) là địa bàn giáp ranh với huyện Ý Yên và gần khu di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy - nơi có nhiều khách tham quan du lịch lễ hội nên nguy cơ mắc các loại dịch bệnh; đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em là rất lớn. Nhận thức được điều đó, từ năm 2010, xã Tam Thanh đã triển khai mô hình truyền thông nhằm tăng cường nhận thức về dự phòng bệnh tay - chân - miệng cho những người trực tiếp chăm sóc trẻ trên địa bàn xã với mục tiêu: Nâng cao nhận thức về bệnh tay - chân - miệng cho bà mẹ có con nhỏ nói riêng và người dân nói chung. 
Khám và tư vấn phòng chống bệnh truyền nhiễm cho trẻ tại Trạm Y tế xã Tam Thanh (Vụ Bản).
Khám và tư vấn phòng chống bệnh truyền nhiễm cho trẻ tại Trạm Y tế xã Tam Thanh (Vụ Bản).
Triển khai mô hình, Trạm y tế xã đã tập huấn cho cán bộ và đội ngũ cộng tác viên y tế thôn về các hình thức và nội dung của chương trình truyền thông. Nội dung tập huấn gồm những kiến thức về đường lây, tác nhân gây bệnh; phân biệt với một số bệnh có biểu hiện tương tự bệnh tay - chân - miệng như: thủy đậu, nhiệt miệng, viêm da mủ, sốt phát ban; cách xử trí nếu nghi trẻ bị bệnh; kiến thức về dự phòng bệnh. Hình thức truyền thông gồm trực tiếp và gián tiếp cho các đối tượng như bà mẹ có con dưới 5 tuổi, những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ. Triển khai hình thức truyền thông trực tiếp, cán bộ Trạm y tế xã đến nói chuyện tại các trường học, đặc biệt là các trường mầm non trên địa bàn về các nội dung: Rửa tay trước, sau khi nấu ăn, khi chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay quần áo cho trẻ, thực hiện ăn chín, uống sôi; hằng ngày làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng Chloramine B; làm sạch dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc trước khi ăn và sử dụng; khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh tay - chân - miệng thông báo ngay cho gia đình và cơ quan y tế để tránh lây lan; trẻ mắc bệnh không đến lớp trước khi khỏi bệnh. Khi trẻ đến lớp bị sốt, loét miệng, phỏng nước phải thông báo cho gia đình và cơ quan y tế; tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách ăn uống đủ chất, bổ sung dinh dưỡng kịp thời… Đội ngũ cán bộ y tế thôn đến tận hộ gia đình có con nhỏ để tuyên truyền. Bên cạnh đó, đài truyền thanh xã ngày 2 buổi liên tục phát các bài truyền thông về phòng chống bệnh tay - chân - miệng. Trạm y tế tổ chức treo tranh, ảnh, pa nô tuyên truyền về bệnh tay - chân - miệng trong khuôn viên để các bà mẹ đưa con đến tiêm chủng tiếp cận… 
 
Sau một thời gian triển khai mô hình truyền thông, đã có sự thay đổi rõ rệt trong kiến thức của các bà mẹ trên địa bàn xã về các biện pháp dự phòng bệnh tay - chân - miệng. Trước khi triển khai mô hình truyền thông, chỉ có 77,3% số bà mẹ biết được cần phải vệ sinh cá nhân cho trẻ; 25,3% các bà mẹ cho rằng cần phải vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ; 12,4% số bà mẹ không biết cách để dự phòng bệnh tay - chân - miệng cho trẻ. Sau khi truyền thông, đã có 98,5% số bà mẹ biết được cần phải vệ sinh cá nhân cho trẻ; 93,3% số bà mẹ biết được cần phải vệ sinh đồ dùng cho trẻ. Đến nay hầu hết các bà mẹ trẻ trong xã có thể phân biệt được bệnh tay - chân - miệng với các bệnh: nhiệt miệng, thủy đậu, viêm da mủ, sốt phát ban…, từ đó có những hiểu biết đúng về cách xử trí để hạn chế sự lây lan của bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, các bà mẹ cách ly với các trẻ khác rồi đưa trẻ đến khám và điều trị tại trạm y tế để hạn chế sự lây lan của bệnh ra cộng đồng.
 
Từ hiệu quả của mô hình truyền thông phòng chống bệnh tay - chân - miệng ở xã Tam Thanh cho thấy mô hình này cần nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp dự phòng bệnh, nhất là ngăn chặn sự xuất hiện và lây lan của dịch bệnh khi đang bước vào mùa đông - xuân, thời điểm rất dễ bùng phát dịch bệnh tay - chân - miệng./.
 
Bài và ảnh: Minh Thuận


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com