"Vì một Việt Nam không còn bệnh lao”

09:03, 22/03/2013

Hiện nay mạng lưới chống lao của tỉnh đã được củng cố ở cả ba tuyến từ tỉnh đến xã, phường, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu của Chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG). Công tác xã hội hóa, truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao được đẩy mạnh từ tỉnh đến cơ sở; 100% dân số được chương trình bảo vệ, công tác phát hiện đạt 112,6% kế hoạch. 100% số bệnh nhân phát hiện được quản lý điều trị bằng hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp (DOTS) tỷ lệ khỏi đạt 90,9%... Các cơ sở khám, chữa bệnh đã từng bước nâng cao chất lượng điều trị. Năm 2012, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đã khám cho 7.502 lượt bệnh nhân, tiếp nhận và điều trị nội trú cho 3.178 bệnh nhân, đạt 105,9%, công suất sử dụng giường bệnh đạt 105,7%. 100% bệnh nhân lao phát hiện được đưa vào quản lý điều trị có kiểm soát trực tiếp, tỷ lệ khỏi đạt 90,2%. Bệnh viện đang tiếp tục triển khai điều trị lao theo phương pháp DOTS trong thời gian 6 tháng. Theo đó, bệnh nhân trong giai đoạn tấn công được điều trị nội trú tại bệnh viện, giai đoạn củng cố giao cho y tế xã, phường quản lý. Bệnh viện cũng đang phối hợp với Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh trong quản lý điều trị bệnh nhân lao/HIV. Hiện tại đã triển khai các phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện lao/HIV theo dự án Life-Gap và Quỹ toàn cầu, tiến tới triển khai trong toàn tỉnh, phối hợp y tế công, tư trong công tác phòng chống lao nhằm tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và quản lý điều trị... Bên cạnh đó, mạng lưới chống lao của tỉnh hoạt động khá mạnh từ tỉnh đến huyện, các xã, phường, thôn xóm. Đội ngũ cán bộ làm công tác chống lao trong toàn tỉnh bảo đảm yêu cầu về số lượng cũng như chất lượng để thực hiện tốt CTCLQG với 399 người; trong đó tuyến tỉnh 95 người, tuyến huyện 75 người, tuyến xã, phường có 229 người; 100% xã, phường, thị trấn đều có mạng lưới chống lao. Trong năm 2012, tổng số bệnh nhân đã phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh là 1.852/1.645 trường hợp, đạt tỷ lệ 112,6%, trong đó lao/HIV là 57 trường hợp, lao kháng đa thuốc 38 trường hợp, lao trẻ em 17 trường hợp; đã khám sàng lọc HIV cho 1.792/1.852 bệnh nhân lao, khám sàng lọc lao cho 608 lượt bệnh nhân HIV, phát hiện 35 trường hợp HIV mắc lao.

Thăm khám và tư vấn cách dùng thuốc cho bệnh nhân lao kháng thuốc tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.
Thăm khám và tư vấn cách dùng thuốc cho bệnh nhân lao kháng thuốc tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.

Những đơn vị làm tốt công tác phòng, phát hiện và điều trị lao là Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, các huyện Hải Hậu, Vụ Bản, Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy. Trong công tác phòng, chống, khám và điều trị bệnh lao, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe luôn được coi trọng nhằm giúp người dân hiểu và biết cách phòng chống, khắc phục những mặc cảm và sự kỳ thị với bệnh lao. Cơ sở chống lao các cấp đã đẩy mạnh liên kết với các cơ sở y tế công, tư để tăng cường công tác phát hiện, quản lý và điều trị bệnh nhân lao trên cơ sở chiến lược DOTS, tăng cường sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và huy động xã hội trên các mặt tài chính, nguồn nhân lực... Chương trình phòng chống lao còn lồng ghép với các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS...

Tuy nhiên, công tác phòng chống lao của tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới, đó là việc quản lý bệnh lao kháng đa thuốc, bệnh lao ở người nhiễm HIV, bệnh lao ở trẻ em, và khó khăn do thiếu nhân lực, kinh phí hoạt động... Đặc biệt, khoảng 10% số bệnh nhân kháng đa thuốc xuất hiện hằng năm đang là mối nguy và thách thức lớn đối với cộng đồng và những người làm công tác phòng chống lao. Theo số liệu của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, toàn tỉnh đã phát hiện 38 bệnh nhân lao kháng đa thuốc; chi phí điều trị cho các trường hợp mắc lao kháng thuốc cao hơn hàng trăm lần so với bệnh nhân lao thông thường, nguy cơ tử vong cao. Bác sỹ Nguyễn Mạnh Dung, Phó Trưởng khoa Lao phổi (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) cho biết: tình hình lao kháng thuốc hiện nay đang có chiều hướng gia tăng, là vấn đề nan giải bởi nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời đây là nguồn lây vô cùng nguy hiểm trong cộng đồng, cần phải được điều trị triệt để.

Để công tác phòng chống lao tiếp tục được đẩy mạnh cần có sự cam kết chính trị mạnh mẽ của các bộ, ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể người dân trong cộng đồng. Đó là sự chia sẻ trách nhiệm, đầu tư nguồn lực của từng địa phương để hỗ trợ kinh phí trong kế hoạch phòng chống lao ở địa phương do Chương trình chống lao tỉnh đề xuất, cán bộ chống lao ở địa phương phải được hưởng đầy đủ các chế độ do nhà nước quy định. Tiếp tục kiện toàn mạng lưới phòng chống lao; cán bộ chống lao cần được đào tạo có chất lượng; hoạt động của chương trình phải được tuân thủ đúng nguyên tắc, nguồn lực được đầu tư và phân bố hợp lý, tránh lãng phí. Nâng cao trách nhiệm của cán bộ chống lao ở các tuyến. Đẩy mạnh áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật mới, mở rộng các đối tác để tăng cường thực hiện các lĩnh vực phòng chống lao. Xây dựng kế hoạch, triển khai quản lý lao kháng đa thuốc, mục tiêu là phát hiện, điều trị sớm và đúng tất cả các trường hợp mắc lao để phòng bệnh lao kháng đa thuốc, có kế hoạch đầy đủ để có thể chẩn đoán và điều trị hiệu quả các trường hợp mắc lao kháng đa thuốc. Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao, đồng thời kêu gọi các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và cộng đồng tham gia vào hoạt động phòng chống bệnh lao, thực hiện chủ đề Ngày phòng chống lao thế giới năm nay của nước ta là: “Vì một Việt Nam không còn bệnh lao”./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com