Bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis gây nên, bệnh xảy ra trên lợn là chủ yếu và thường đi kèm theo dịch tai xanh. Bệnh liên cầu lợn có thể lây sang người. Bệnh diễn biến phức tạp, nhanh và rất nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Khi lợn bị nhiễm liên cầu thì có các biểu hiện: sốt cao, chảy nước mắt, bỏ ăn, đi lại xiêu vẹo, run rẩy, co giật, nôn mửa; niêm mạc đỏ sẫm; da tụ huyết từng mảng; khó thở, thở nhanh, hôn mê và chết.
Khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, thời gian ủ bệnh ngắn chỉ vài giờ đến 3 ngày. Sau đó người bệnh có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc tiêu hoá: sốt, đi cầu nhiều lần, phân lỏng, cơ thể lạnh, run… trước khi có biểu hiện của viêm não. Biểu hiện của viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng... Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được, nếu không thì có thể gây phù não, hôn mê và tử vong.
Biện pháp phòng bệnh
Đối với người giết mổ lợn phải tuân theo các quy định: Không giết mổ lợn bị bệnh; không được sử dụng thịt lợn chết làm thức ăn cho động vật khác; mang trang bị bảo hộ cá nhân cần thiết (găng tay, khẩu trang, kính, mũ…), bảo đảm các vết xước, vết thương không tiếp xúc trực tiếp với lợn hay các sản phẩm của lợn; nơi giết mổ phải đảm bảo vệ sinh môi trường sạch sẽ, tách biệt với khu chế biến thức ăn
Đối với người buôn bán, vận chuyển lợn, thịt lợn, các sản phẩm có liên quan từ lợn: không mua bán, vận chuyển lợn bị bệnh; lợn và thịt lợn không rõ nguồn gốc không có dấu hiệu kiểm dịch của cơ quan thú y.
Đối với người nội trợ và tiêu dùng nên chọn mua thịt lợn sạch đã được cơ quan thú y kiểm dịch; Không ăn thịt lợn sống, nội tạng lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, tuyệt đối không ăn tiết canh. Khi chế biến thức ăn không để lẫn lộn thực phẩm sống và chín, không dùng chung dao thớt để chế biến thịt sống và thịt chín. Khi tay có vết xây xước không được tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm từ lợn còn sống.
Người chăn nuôi lợn cần vệ sinh chuồng trại chăn nuôi thường xuyên để phòng bệnh. Khi nghi ngờ lợn bị bệnh thì phải báo với cơ quan, cán bộ thú y để phát hiện, chẩn đoán và điều trị cho lợn. Nếu lợn chết phải tiêu huỷ ngay đàn lợn bị nhiễm bệnh bằng cách chôn ngay, chôn sâu, chôn xa nguồn nước, xa khu dân cư và cần phải có chất sát khuẩn mạnh kèm theo như vôi bột, cloramin B. Tuyệt đối không được giết mổ lợn bị bệnh.
Khi nghi ngờ người mắc bệnh do liên cầu lợn, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, xử lý kịp thời và báo cáo ngay về cơ quan y tế./.
Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định