Có mặt ở cơ sở điều trị Methadone đặt tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, nhìn những gương mặt tỉnh táo của những người đang ngồi chờ uống thuốc, ít ai ngờ cách đây chưa lâu họ còn “chìm” trong ma túy... Được tham gia điều trị Methadone ngay từ đợt đầu, anh Ch. (32 tuổi), ở phường Thống Nhất (TP Nam Định) cho biết, anh nghiện ma túy đã 6 năm, khi đến cơ sở điều trị, anh không tự đi được mà phải nhờ người nhà dìu đến. Sau thời gian điều trị, sức khoẻ của anh ngày càng tốt, nhanh nhẹn và tăng cân. Hiện tại anh làm nghề sửa chữa đồ điện tử. Ông Th. (74 tuổi) là người nhiều tuổi nhất đang tham gia điều trị bằng Methadone tại đây. Đã 44 năm nghiện hút, tham gia điều trị bằng Methadone từ tháng 7-2011, với quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy, ông tuân thủ nghiêm các quy trình điều trị. Đến nay ông Th. đã khỏe mạnh và bỏ được thuốc phiện. Theo các bác sỹ tại cơ sở điều trị Methadone, việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone giúp người nghiện giảm cảm giác thèm, giảm tần suất sử dụng các chất dạng thuốc phiện và được dùng bằng đường uống nên làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.
Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2012. |
Để góp phần giúp người nghiện từ bỏ ma tuý, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, ngày 13-7-2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone". Từ năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 3 cơ sở điều trị tại Thành phố Nam Định, huyện Xuân Trường và huyện Giao Thủy. Tháng 10-2012, tỉnh triển khai thêm cơ sở điều trị Methadone ở huyện Trực Ninh. Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần làm giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện và từ nhóm này sang cộng đồng. Từ khi triển khai chương trình đến nay, 4 cơ sở điều trị Methadone của tỉnh đã và đang điều trị cho 837 người nghiện. Từ nay đến năm 2015 sẽ mở thêm 2 cơ sở ở 2 huyện Hải Hậu và Nam Trực. Tại các cơ sở điều trị Methadone, phòng đón tiếp, phòng tư vấn, phòng cấp phát thuốc Methadone, kho bảo quản thuốc... được bố trí khoa học, thuận tiện cho việc theo dõi, quan sát bệnh nhân và hỗ trợ khi cần thiết. Cán bộ tham gia vào công tác điều trị thay thế bằng thuốc Methadone được tập huấn theo quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình vẫn còn một số khó khăn như: sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Cán bộ và nhân viên tại các cơ sở điều trị Methadone phải làm việc tất cả các ngày trong tuần trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng chưa có quy định cụ thể về chế độ, chính sách đãi ngộ; độ bao phủ của chương trình còn hạn chế... Điều trị Methadone là quá trình lâu dài nên ngoài kinh phí, cần có chế độ chính sách cho cán bộ làm việc tại cơ sở Methadone, cũng như xây dựng, sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn kỹ thuật để giúp việc triển khai điều trị bằng Methadone được thuận lợi. Để có được hiệu quả bền vững trong việc điều trị thay thế bằng Methadone cần có sự quan tâm, trách nhiệm của cả cộng đồng, sự động viên giám sát của gia đình. Hiện tỉnh ta đang triển khai các cơ sở điều trị dựa trên kinh phí của các nguồn tài trợ có thời hạn. Để tiếp tục duy trì hoạt động của chương trình, đáp ứng yêu cầu thực tế, cần sự ủng hộ tích cực của chính quyền các cấp, các ngành và sự đồng thuận của cộng đồng./.
Bài và ảnh: Minh Thuận