Những năm gần đây, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương “tiếp sức” hỗ trợ kinh tế hợp tác xã (HTX) qua việc phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) vào sản xuất kinh doanh. Qua đó, nhiều HTX đã bắt nhịp xu thế hội nhập và phát triển, chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), đổi mới công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho các thành viên.
Sản xuất hoa lan trong nhà lưới tại Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định). |
HTX Sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định) là một trong những HTX được nhận hỗ trợ về KH và CN. Tham gia dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa thương phẩm chất lượng cao tại Nam Định” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH và CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” của Bộ KH và CN, HTX được tiếp nhận các quy trình kỹ thuật chăm sóc, xử lý ra hoa giống lan Hồ điệp trong nhà lưới hiện đại; kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa Lily, hoa Cát tường trong nhà màng và ứng dụng các tiến bộ KHKT trong sản xuất hoa thương phẩm. Đồng thời được hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật như: xây dựng nhà lưới hiện đại trồng lan Hồ điệp, hoa Lily, hoa Cát tường; hệ thống máy lạnh để xử lý ra hoa cho lan Hồ điệp và các thiết bị hiện đại khác. Hiện nay, HTX đã ứng dụng quy trình công nghệ tiên tiến về sinh học, vật liệu mới của Việt Nam và thế giới giúp cây sinh trưởng, phát triển vượt trội so với những hộ sử dụng giống cũ và kỹ thuật truyền thống. Dự kiến, dự án sẽ mang lại lãi thuần gần 2 tỷ đồng cho HTX. Cũng trong thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đề tài KH và CN “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển các mô hình tổ chức sản xuất tại huyện nông thôn mới Hải Hậu, tỉnh Nam Định”. Trong đó, nội dung chính của đề tài được nhóm nghiên cứu tập trung thực hiện là nghiên cứu thực trạng hoạt động sản xuất, mô hình tổ chức của HTX, tổ hợp tác từ đặc điểm, hình thức tổ chức, đầu vào cho sản xuất, kinh doanh, hoạt động liên kết… của HTX. Từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển và nhân rộng các mô hình tổ chức sản xuất của HTX, tổ hợp tác tại huyện Hải Hậu. Qua đó giúp Hải Hậu thực hiện việc chỉ đạo các HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2021 một cách khá bài bản, tập trung và với kết quả nổi bật. Trong đó, nhiều HTX mới thuộc các lĩnh vực được thành lập, đi vào hoạt động, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất và mở rộng các dịch vụ thiết yếu, nâng cao hiệu quả hoạt động. Giúp các thành viên tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải phóng sức lao động trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp Hải Hà, xã Hải Hà đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo, tổ chức liên kết với các hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP “gạo nếp Vò Gi”; HTX Trồng cây dược liệu Hải Ninh, xã Hải Ninh liên kết với các vùng trồng cây đinh lăng trên địa bàn để sản xuất, sơ chế và tiêu thụ các sản phẩm từ đinh lăng sấy khô; HTX Chăn nuôi Sơn Nam, xã Hải Trung tổ chức chăn nuôi thỏ thịt thương phẩm theo chuỗi giá trị cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản…
Hiện nay, toàn tỉnh có 478 HTX với trên 375 nghìn thành viên, trong đó 365 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện chính sách hỗ trợ về KH và CN, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/NQ-HĐND ngày 10-7-2017 quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KH và CN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hàng năm UBND tỉnh đã bố trí kinh phí từ chương trình khuyến công, khuyến nông, từ Quỹ KHCN cho nghiên cứu, triển khai các đề tài, dự án hỗ trợ HTX đưa giống mới, công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến nông sản; xây dựng các mô hình trình diễn tại HTX, hỗ trợ HTX sản xuất lúa lai; bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hỗ trợ xây dựng mô hình HTX thu gom và xử lý rác thải, dịch vụ nước sạch nông thôn... Trong năm 2021, Liên minh HTX tỉnh đã tập trung tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các HTX về ứng dụng chuyển đổi số, kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; kỹ năng thiết lập gian hàng, bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử PostMart.vn của Bưu điện Việt Nam, Voso.vn của Tổng Công ty Cổ phần Bưu Chính Viettel, sàn thương mại điện tử vcamart.vn của Liên minh HTX Việt Nam; quy trình kỹ thuật đóng gói - kết nối - giao nhận sản phẩm hàng hóa cho các HTX có sản phẩm OCOP hoặc đang phát triển sản phẩm chất lượng cao tham gia trong chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị và kỹ năng xử lý trong các trạng thái xã hội theo cấp độ dịch bệnh đảm bảo tốt nhất kết quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Sở KH và CN tổ chức tuyên truyền phổ biến chính sách, tư vấn cho các HTX xác định sản phẩm chủ lực, xây dựng phương án chủ động tổ chức sản xuất gắn với thiết kế mẫu bao bì, tem nhãn, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hợp tác với Tổ chức phát triển nông nghiệp Hà Lan Agriterra tư vấn, hỗ trợ xây dựng mô hình nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị hiệu quả cho HTX Sản xuất, kinh doanh dịch nông nghiệp Nam Cường (Ý Yên); HTX Nông nghiệp Nghĩa Bình, (Nghĩa Hưng); HTX Nông nghiệp Nam Thành (Nam Trực)… Đến nay, tỉnh có 65 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên; trong đó mô hình HTX kiểu mới liên kết theo chuỗi giá trị có 31 chuỗi. Có 20 HTX ứng dụng công nghệ cao trong canh tác; nuôi trồng; công nghệ tự động hóa; công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp.
Nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, các HTX đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, đổi mới công nghệ, liên kết sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều HTX khẳng định được năng lực, xây dựng thành công thương hiệu nông sản Nam Định trên thị trường trong và ngoài nước; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng nông thôn mới làm thay đổi cơ bản đời sống của người dân./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh