Nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện

08:06, 14/06/2022

Thời gian qua, đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương là hoạt động khoa học và công nghệ (KH và CN) cấp huyện với những kết quả nổi bật.

Mô hình sản xuất dưa lê theo hướng hữu cơ tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Mô hình sản xuất dưa lê theo hướng hữu cơ tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Điểm nổi bật của hoạt động KH và CN cấp huyện là đã thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, lựa chọn áp dụng hiệu quả tiến bộ KH và CN vào đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương. Tại huyện Mỹ Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Quang Huy cho biết: Đến nay, trong nông nghiệp, 100% khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch lúa đã được cơ giới hóa. Trong năm 2021, huyện đã đưa giống lúa mới VNR20 vào trồng khảo nghiệm tại xã Mỹ Hà. Đây là giống lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, chống đổ, bông dài, thích ứng rộng đối với các chân đất khác nhau; có tiềm năng năng suất cao; hạt gạo thon dài, cơm ngon, hương thơm nhẹ, vị đậm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và có khả năng thay thế giống lúa Bắc thơm 7 dễ nhiễm bệnh bạc lá trong vụ mùa. Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Đã triển khai thực hiện một số mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ như: sản xuất lúa Bắc thơm 7 với quy trình chăm sóc sử dụng các chế phẩm hữu cơ và trồng cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mỹ Tiến; trồng rau sạch tại xã Mỹ Thành; nuôi thủy sản VietGAP tại các xã Mỹ Hà, Mỹ Hưng… Ngoài Mỹ Lộc, các huyện, thành phố còn triển khai hiệu quả nhiều mô hình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH và CN trong năm qua. Huyện Hải Hậu có dự án “Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển thương mại cho các sản phẩm OCOP của huyện Hải Hậu”. Huyện Xuân Trường triển khai đề tài “Hoàn thiện quy trình tổng hợp trong xử lý lúa cỏ trên địa bàn huyện Xuân Trường”. Huyện Vụ Bản triển khai dự án ứng dụng đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển một số giống lúa chất lượng có giá trị kinh tế cao tại huyện Vụ Bản”. Huyện Ý Yên xây dựng mô hình “Ứng dụng tiến bộ KH và CN vào sản xuất tương ớt tại cơ sở sản xuất Quang Minh, xã Yên Bằng”. Huyện Trực Ninh xây dựng 2 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ giống lúa ST24 an toàn và trình diễn giống lúa DH12 tại xã Liêm Hải… Trong năm 2021, Sở KH và CN đã hướng dẫn có hiệu quả các quy trình công nghệ cho gần 100 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nuôi thủy sản và sản xuất giống cây trồng trên địa bàn các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Nam Trực. Nhìn chung, đa số các đề tài thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã giúp tăng hàm lượng KH và CN cho nông sản và các sản phẩm công nghiệp dịch vụ của các địa phương, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực canh tranh, phát triển thương hiệu.

Ngoài triển khai các mô hình, đề tài, dự án, hoạt động KH và CN cấp huyện còn thực hiện tốt các nhiệm vụ khác như: quản lý an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng… Trong năm 2021, các huyện, thành phố đã phối hợp tốt với Sở KH và CN rà soát thống kê các đơn vị lưu trữ và sử dụng nguồn bức xạ trên địa bàn. Đây là lĩnh vực mới khi hoạt động kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn phát triển mạnh, việc đưa các máy móc hiện đại ứng dụng công nghệ phóng xạ vào sử dụng nhiều, cần tăng cường quản lý để bảo đảm an toàn cho cộng đồng. Hội đồng KH và CN các địa phương đã tiến hành đánh giá xét duyệt trên 3.200 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng kiến kinh nghiệm tại tất cả các ban, ngành, đơn vị quản lý, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. Tiêu biểu như huyện Ý Yên phối hợp với Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KH và CN khảo sát chất lượng nước sạch sinh hoạt, rượu thủ công, đồ chơi trẻ em trên địa bàn; Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Trực Ninh phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, Đội Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm các cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống giải khát, thực phẩm chế biến sẵn; đã lập biên bản nhắc nhở 28 cơ sở kinh doanh, tiến hành xử lý phạt hành chính 1 cơ sở vi phạm.

Đồng chí Vũ Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở KH và CN cho biết: Bên cạnh những thành tích đạt được, hoạt động KH và CN cấp huyện vẫn còn một số tồn tại như việc nghiên cứu các đề tài, sáng kiến khoa học chưa mạnh, mới chỉ tập trung ở ngành Giáo dục. Kết quả của các sáng kiến được công nhận ở một số nơi khi triển khai trong thực tế chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về KH và CN; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về KH và CN đã được triển khai nhưng hiệu quả còn thấp. Nguyên nhân do một số địa phương, Hội đồng KH và CN cấp cơ sở chưa tham mưu được cho chính quyền lựa chọn các nhiệm vụ KH và CN phù hợp để tổ chức triển khai ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác quản lý Nhà nước về KH và CN ở một số địa phương chưa thực sự chủ động mà vẫn còn tình trạng trông chờ sự phối hợp của các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở KH và CN. Công tác KH và CN cấp huyện có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cơ quan nên việc triển khai trên diện rộng hiệu quả chưa cao.

Để khắc phục những tồn tại trên, theo đồng chí Vũ Xuân Trung, thời gian tới, các huyện, thành phố cần nắm bắt kịp thời những định hướng về phát triển KH và CN để chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đổi mới về công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Định hướng cho các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận được với các chương trình, dự án của tỉnh, Trung ương, tranh thủ nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đặc biệt là các sáng kiến trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, sáng kiến mang tính mới, nổi bật trong sản xuất và kinh doanh. Tăng cường công tác kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn về KH và CN để đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về KH và CN cấp cơ sở. Tổ chức hội nghị, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng mô hình ứng dụng KH và CN, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Lựa chọn, triển khai, áp dụng các mô hình có tính khả thi, thiết thực và hiệu quả trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com