Xã Giao Phong là điểm sáng của huyện Giao Thủy trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình kinh tế có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Đây là nền tảng quan trọng để Giao Phong giữ vững chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) và từng bước xây dựng xã NTM kiểu mẫu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà kính của ông Cao Văn Ba, xã Giao Phong (Giao Thủy). |
Trên cơ sở các quy hoạch được phê duyệt, UBND xã Giao Phong đã xây dựng thành các vùng sản xuất chuyên canh trồng rau màu, vùng nuôi thủy sản tập trung và khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng thâm canh nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Hiện nay, trên địa bàn xã đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây rau màu tập trung với tổng diện tích 250ha được nông dân thực hiện luân canh, xen canh, gối vụ bằng nhiều công thức khác nhau, tăng hệ số sử dụng đất lên 3-5 vụ/năm. Mỗi vụ cây trồng đều được rút ngắn thời gian so với trước bởi với kinh nghiệm trồng rau màu lâu năm, nông dân Giao Phong đã sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao và thời gian sinh trưởng ngắn chỉ từ 1,5-3 tháng như: các loại khoai tây Đức, Hà Lan; dưa lê siêu ngọt Thái Lan; dưa hấu Hắc Mỹ Nhân… Để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hệ thống kênh cấp III được xã đầu tư kiên cố hóa đạt gần 90% tạo thuận lợi cho việc tưới tiêu. Nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới hoa sen tự động hay tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước theo công nghệ Israel tạo nên những cánh đồng màu hiện đại, giải phóng sức lao động, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất nông sản hàng hóa, tập trung. Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Hồng Phong xây dựng vùng chuyên canh rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản; đồng thời liên kết với các doanh nghiệp tổ chức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; khai thác nhu cầu thị trường rau sạch cho các siêu thị và thành phố lớn để tạo đầu ra lâu dài cho vùng sản xuất ổn định tập trung tại địa phương. Hiện sản phẩm rau màu của xã Giao Phong đã khẳng định được thương hiệu về chất lượng cũng như chủng loại với các doanh nghiệp và thương lái thu mua trong và ngoài tỉnh. Nhờ áp dụng các công thức luân canh, xen cây, gối vụ; sử dụng các giống cây trồng mới; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuận đã đem lại giá trị canh tác bình quân cho những cánh đồng màu ở xã Giao Phong lên tới trên 300 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có những diện tích sản xuất 5 vụ đạt 500 triệu đồng/ha/năm.
Đối với diện tích làm muối kém hiệu quả, xã Giao Phong đã xây dựng quy hoạch và thực hiện chuyển đổi sang phát triển nuôi thủy sản, đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của địa phương. Hiện tổng diện tích nuôi thủy sản của xã Giao Phong đạt gần 150ha với các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, sản xuất ngao giống... đạt thu nhập thực tế từ 500-600 triệu đồng/ha/năm. Trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 80ha, là vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất của tỉnh. Ngoài sử dụng các con giống có giá trị kinh tế cao, các hộ nuôi thủy sản ở xã Giao Phong còn xây dựng hệ thống ao nuôi nổi, ao bê tông, ao có phủ bạt ở đáy và trang bị hệ thống quạt nước, máy sủi ô-xy làm tăng hàm lượng ô-xy trong môi trường nuôi đáp ứng yêu cầu phương pháp nuôi công nghiệp, thâm canh với mật độ cao. Nhằm phát triển nuôi thủy sản bền vững gắn với bảo vệ môi trường, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện và các doanh nghiệp kinh doanh vật tư thủy sản chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp người dân trong xã tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học trong chăm sóc để vừa làm tăng nguồn thức ăn tự nhiên trong môi trường nuôi như tảo, phù du vừa xử lý môi trường nước, giảm thiểu dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho con nuôi. Điển hình là mô hình nuôi tôm trong nhà kính của ông Cao Văn Ba với quy mô 1ha được đầu tư theo công nghệ hiện đại, khép kín, nuôi thâm canh với mật độ 300 con/m2; chủ động kiểm soát nhiệt độ, môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh, giúp tôm sinh trưởng, phát triển nhanh, ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với nuôi tôm theo phương pháp truyền thống. Xã Giao Phong đã hỗ trợ các hộ nuôi thủy sản thành lập HTX nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Đến nay, HTX đã thu hút hơn 100 thành viên, tạo sự liên kết để thúc đẩy tiềm lực kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tạo thuận lợi trong triển khai chính sách hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu nhập giống, nhập thức ăn đến tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Hiện ở cơ sở nuôi thủy sản của các ông: Cao Văn Tranh, Cao Văn Đề, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Văn Đan… và nhiều hộ khác áp dụng quy trình mới theo tiêu chuẩn nuôi thủy sản sạch đang cho kết quả kinh tế - xã hội cao khi tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, thân thiện với môi trường.
Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Giao Phong đã đạt trên 50 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 1%. Đồng chí Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã cho biết: đạt được thành công trong ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, ngoài chủ trương chung, sự kịp thời động viên khuyến khích và tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, kết nối với các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp thí điểm mô hình trên địa bàn thì phải kể đến tư duy năng động, sáng tạo và quyết tâm cao của nhân dân trong xã. Đây cũng chính là động lực để xã Giao Phong sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo của tỉnh, huyện./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh